Chủ nhật, ngày 19/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Hướng tới giá trị nhân văn, xây dựng xã hội tốt đẹp (05/10/2016-21:38)
    Thực hiện Luật Báo chí 2016 và góp ý sửa đổi, bổ sung để xây dựng Bộ Quy định đạo đức người làm báo mới, các hội nhà báo và một số cơ quan báo chí đã có những ý kiến đóng góp nhằm xây dựng một bộ quy định mới cụ thể, phù hợp hơn với hoạt động thực tiễn của báo chí hiện nay.

Phóng viên ghi hình học sinh lớp 1 đang làm quen với môi trường học tập mới. Ảnh:TL

Hội nhà báo tỉnh Quảng Ninh:

Làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội

Hiện nay, báo chí nước ta đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường, tất nhiên phải chấp nhận sự cạnh tranh và phải tính tới yếu tố lợi nhuận. Thực tế đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết là cần chủ động chống lại sự lạm dụng báo chí, một khía cạnh quan trọng của đạo đức nghề nghiệp.

Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp lại đáng báo động, lại được cả xã hội quan tâm như hiện nay. Đã có một số tờ báo, vì chạy theo mục đích lợi nhuận nên thiếu sự nhạy bén chính trị; chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo; còn để lọt thông tin; thông tin thiếu khách quan, trung thực, hiện tượng giật tít, câu view diễn ra thường xuyên, thậm chí một số nhà báo, phóng viên đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và cả vi phạm pháp luật.

Một nhà báo tốt không chỉ biết giữ lòng tự trọng nghề nghiệp cho mình, mà còn phải nhạy bén về chính trị, bản lĩnh vững vàng, biết chọn lọc thông tin tích cực, lành mạnh, đúng đắn để truyền tải tới độc giả. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng bởi hằng ngày, hằng giờ mỗi người đều phải đối diện với một “biển” thông tin xô bồ, hỗn tạp. Hay nói cách khác, nhà báo phải biết dấn thân, “máu lửa” với nghề, làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.

Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, vẫn còn một số vấn đề được đặt ra, tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa phóng viên tác nghiệp với cơ sở vẫn còn có những bất cập mà chủ yếu là vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí và thực hiện Quy chế người phát ngôn tại địa phương.

Có thể nói,về cơ bản, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh nhất trí cao với những nội dung đã được đề ra trong Quy định đạo đức người làm báo hiện hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh thay đổi lớn của báo chí truyền thông trong nước và quốc tế hiện nay, điều quan trọng là xây dựng các quy tắc phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, làm sao để báo chí thật sự trong sáng, hiệu quả, vì vậy trong Điều 5 của Quy định đạo đức nghề nghiệp nên nêu rõ rằng, những người làm báo cần gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội, khiêm tốn cầu tiến bộ; Điều 3 nên cụ thể bằng bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.

Có như vậy, những người làm báo sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong quá trình tác nghiệp cũng như trách nhiệm nặng nề trước công luận.

Hội Nhà báo Tỉnh Tuyên Quang:

Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin

Nhận thức được rằng chuẩn mực đạo đức nghề báo ở Việt Nam từ lâu đã được coi trọng và được đặt lên hàng đầu và trên cơ sở hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam, vừa qua Thường trực Hội Nhà báo tỉnh đã phổ biến, quán triệt việc lấy ý kiến, đóng góp của hội viên về vấn đề sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam sao cho phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành.

Các ý kiến của các đại biểu Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang về cơ bản đều nhất trí với nội dung góp ý, sửa đổi, bổ sung của Quy định Đạo đức người làm báo Việt Nam được Hội Nhà báo Việt Nam dự thảo. Cụ thể là những quy định mới cần ngắn gọn, dễ nhớ và đặc biệt là phải bao quát được những vấn đề cơ bản và gần gũi hơn với mỗi người làm báo.

Trong Điều 3 quy định ngắn gọn là: Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Tuy nhiên nên bổ sung thêm ý: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”, thì quy định sẽ cụ thể và chặt chẽ hơn. Trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội như hiện nay, các nhà báo, phóng viên khi thông tin tới độc giả cần có sự kiểm chứng rõ ràng, bảo đảm thông tin chính xác, khách quan, trung thực.

Trong thực tế tác nghiệp, không ít nhà báo dù vô tình hay cố ý đưa tin sai sự thật, đưa tin một chiều không được kiểm chứng, hay như chỉ đưa “một nửa sự thật”. Tất cả những điều này đều vi phạm nghiêm trọng quy định về đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, mỗi nhà báo cần ý thức được trách nhiệm xã hội cũng như trách nhiệm pháp luật của mình trước mỗi thông tin được đưa ra để tạo được uy tín, lòng tin đối với độc giả và bảo đảm mục tiêu tối thượng là phục vụ lợi ích chung của dân tộc, Nhà nước và nhân dân.

Hội Nhà báo Tỉnh Tiền Giang:

Đạo đức là yếu tố cốt lõi, sống còn với mỗi người làm báo

Hầu hết các nhà báo lão thành, các hội viên, phóng viên, cán bộ báo chí ở Tiền Giang đều thống nhất cao với chủ trương của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; thống nhất với ý kiến đạo đức là yếu tố cốt lõi, sống còn đối với hoạt động báo chí.

Báo chí là lĩnh vực hoạt động đặc biệt, có tác động chi phối dư luận và đời sống tinh thần của xã hội. Người làm báo có trọng trách rất lớn, nếu không coi trọng đạo đức, tác hại mang đến cho xã hội không lường hết được. Bảo đảm quyền thông tin của người dân là cần thiết nhưng phải hướng tới giá trị nhân văn, xây dựng xã hội có đạo đức. Người làm báo cần nhận thức rõ trách nhiệm phải xây dựng một đất nước dân chủ, văn minh, xã hội nhân văn, đầy tình thương yêu, tôn trọng con người.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/cjl56toufnljtpbegmox%20%28FILEminimizer%29.jpg

Ảnh minh họa

Trong thực tế, hoạt động của báo chí và hoạt động của nhà báo có những điều mang tính ranh giới mà đôi khi Luật không thể lượng hóa được, vì thế rất cần có Quy định Đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Do đó, khi nghiên cứu Dự thảo Quy định Đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam soạn thảo, Hội Nhà báo Tiền Giang về cơ bản nhất trí với nội dung của 9 điều đã đưa ra. Những nội dung này đã thể hiện khá chi tiết những phẩm chất, yếu tố mà các nhà báo cần có, cần thực hiện để thể hiện được cái tâm, cái tầm và sự tinh thông về nghiệp vụ.

Tuy nhiên, để giúp mỗi người làm báo vững tin hơn vào bản thân, tránh xa vụ lợi, dám dấn thân vì nghề nghiệp, thể hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân thì trong bản quy định mới này cần bổ sung thêm một điều, cụ thể là: Không nói, viết những gì làm ảnh hưởng đến lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân. Bên cạnh đó cần cụ thể hơn các quy định như: hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật; luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, thông tin có trách nhiệm và nhân văn, bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin đã được kiểm chứng - Luật Báo chí 2016

Liên Chi hội báo Quân đội Nhân dân:

Đề cao trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật

Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua hơn 91 năm hình thành và phát triển, qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, báo chí của chúng ta đã thực sự trở thành công cụ sắc bén, là vũ khí chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; báo chí cũng đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực sự trở thành diễn đàn của quần chúng nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của họ và làm tốt vai trò phản biện xã hội của mình.

Khi xây dựng Bộ quy định Đạo đức người làm báo Việt Nam mới, cần chú trọng đến những vấn đề cụ thể như ngoài việc đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhạy, chính xác, trung thực, khách quan của đông đảo công chúng thì những thông tin đó phải đạt mục tiêu tối thượng là trung thành với lợi ích quốc gia dân tộc và mục tiêu, lý tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam; Thông tin trung thực, tôn trọng công chúng, bảo vệ nguồn tin; Công tâm, liêm chính, đề cao trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, không vụ lợi; Ứng xử nhân văn, cầu thị, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp; Bảo đảm tác quyền, giữ gìn bản sắc dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại là cả một vấn đề của mỗi nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Không thể vì mục tiêu trung thực, khách quan mà bỏ qua những lợi ích chung của dân tộc, của đất nước và của nhân dân.

Báo Kinh tế nông thôn:

Cần xác định chế tài cụ thể nếu vi phạm

Bộ Quy định Đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 9 điều được Hội Nhà báo Việt Nam thông qua năm 2005 và “cụ thể hoá” thông qua các cuộc hội thảo, tiếp thu ý kiến của các nhà báo trong và ngoài nước vào năm 2011 đã làm rõ những điều “nên” và “không nên” trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo.

Những nội dung được cụ thể hoá khá chi tiết, đầy đủ song lại khá dài, chưa cô đọng và phần nào còn mang tính định lượng. Chính vì thế, khi xây dựng Bộ quy định mới thì không cần nhiều quy định; các quy định nên ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Cụ thể như: Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, thông tin có trách nhiệm và nhân văn, bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin đã được kiểm chứng; Không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội, sống lành mạnh, trong sáng; Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp và tôn trọng ý kiến khác biệt; Thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, luật pháp, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ; Giữ gìn và phát huy văn hoá dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa các nền văn hoá khác.

Đặc biệt, một quy định hết sức quan trọng phải được đưa vào Bộ Quy định đạo đức người làm báo mới là cần xác định các chế tài cụ thể nếu vi phạm. Hiện nay, vấn đề vi phạm đạo đức người làm báo diễn ra nghiêm trọng trong một số bộ phận những nhà báo, những cơ quan báo chí dù là vô tình, hoặc là cố ý, hay non kém về mặt nghiệp vụ song cũng cần phải đưa ra những chế tài cụ thể để chủ động chống lại sự lạm dụng báo chí; để mỗi nhà báo ý thức được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình trong tác nghiệp. Bởi nếu thông tin của nhà báo chỉ cần một chút thiếu thận trọng, giật tít, câu view để chạy theo lợi nhuận sẽ để lại những hậu quả khôn lường, khó có thể khắc phục.

Theo Tạp chí Người làm báo


 

Các tin khác:
  • Người làm báo phải có tự trọng nghề nghiệp (29/09/2016-11:13)
  • Sự dẫn dắt của lương tâm và trách nhiệm (23/09/2016-14:09)
  • Yếu vì chưa đồng bộ? (22/09/2016-11:06)
  • Quy định về đạo đức người làm báo phải cụ thể, chi tiết (15/09/2016-19:40)
  • Tránh tình trạng người làm báo “lơ mơ” về Luật báo chí (11/09/2016-13:52)
  • Xây dựng, giữ môi trường báo chí lành mạnh, cung cấp sản phẩm sạch (06/09/2016-11:18)
  • Hội Nhà báo Thanh Hóa từng bước thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ V (05/09/2016-15:00)
  • Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp - lòng tin và sự trung thực (30/08/2016-10:31)
  • Cần phải xây dựng một Quy định đạo đức nghề nghiệp mới (27/08/2016-21:07)
  • Vì nền báo chí chính trực và nhân văn (20/08/2016-18:55)