Thứ năm, ngày 02/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Truyền thông thế giới 2016:
Quay cuồng trong vòng quay thật - giả (05/01/2017-6:41)
    Chưa bao giờ những cụm từ như fake news (tin tức giả), post-truth (hậu sự thật), post- values (hậu giá trị) - ám chỉ những bài báo chỉ dựa vào cảm tính, đám đông thay cho sự cân nhắc trên nền tảng sự thật hay dữ liệu - lại ám ảnh giới báo chí quốc tế đến thế như trong năm 2016 vừa qua.
Hãy là người “tiêu dùng thông tin thông minh” để phân biệt tin giả -tin thật

Công nghệ góp phần thay đổi thế giới, định hình các nhu cầu, xu thế trên toàn cầu, đưa những trang mạng xã hội như facebook trở thành “ông vua” mới của các loại hình truyền thông nhưng cũng đẩy cả người làm báo lẫn công chúng quay cuồng trong vòng quay thật - giả.

Từ chuyện về những “cha đẻ” tin tức giả

Thực ra, không phải đến tận bây giờ, cụm từ fake-news (tin tức giả) mới được đề cập tới. Từ năm 2009, trong bài viết “Tin giả, hiện tượng của không gian truyền thông hiện đại” của tác giả Nadezhda Balovsyak trên trang web Nga Towave.ru, Nadezhda Balovsyak đã kêu gọi người dùng tỉnh táo, và giới thiệu một số tin giả tầm phào trên không gian mạng Nga. Tác giả này “điểm mặt” một số trang chuyên tung tin giả như UaReview và “Репортажист” (Ukraine), The Onion Daily Rain (Mỹ), Fognews, smixer.ru, hobosti.ru, lapsha.ru (Nga)…

Tuy nhiên, đến năm 2016, tin tức giả mới thực sự nổi lên như một “vấn nạn” mới của truyền thông toàn cầu. Chuyện càng rộ lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 khi công luận ồn ào cho rằng mạng xã hội đã góp phần trong việc phát tán tin tức giả có lợi cho các ứng cử viên. Theo BuzzFeed, trong suốt khoảng thời gian 3 tháng của chặng nước rút cuối cùng của cuộc bầu cử, các bảng thống kê cho thấy những trang đưa tin giả mạo trên Facebook tiếp cận được nhiều người đọc hơn so với lượng tương tác của 19 hãng tin lớn uy tín gộp lại. Paul Horner- một người chuyên tạo tin giả và lan truyền chúng trên Facebook- tiết lộ rằng anh ta có thể đã góp phần giúp ông Trump chiến thắng. Horner tạo các trang tin giả ăn theo những hãng tin uy tín với giao diện tương tự, như abcnews.com.co nhái abcnews. go.com… cùng các trang Fanpage để chia sẻ link bài của những website giả mạo này. Một số tin tức do Horner tạo ra được dân mạng chia sẻ hàng loạt, các đường dẫn đến bài viết giả còn xuất hiện ngay ở những kết quả đầu tiên trong bộ lọc tìm kiếm của Google và Facebook. Horner cho biết: “Người ta chỉ đọc lướt rất nhanh chứ ít ai kiểm tra lại độ tin cậy của tin tức. Đây chính là cách giúp ông Trump đắc cử”. Paul Horner tiết lộ, công việc tạo tin giả trên Google AdSense mang lại cho anh ta khoảng 10.000 USD mỗi tháng.

Đương nhiên, ngoài Paul Horner, còn rất nhiều người khác được cho là đứng đằng sau các thông tin giả mạo lan truyền trên mạng internet. Theo một bài viết trên BBC, nhiều trang tin giả mọc lên trong chiến dịch bầu cử Mỹ 2016 có nguồn gốc từ một thành phố nhỏ của Macedonia. Tại đó, các thiếu niên bung ra các câu chuyện giật gân để có tiền nhờ quảng cáo. Trong đó có cậu sinh viên 19 tuổi có tên giả là Goran. Sau khi cắt và dán nhiều bài, cậu ta tổng hợp thành tin mới, trả tiền cho Facebook để chia sẻ với độc giả Mỹ khát tin về ông Donald Trump. Khi những người Mỹ bấm vào bài báo, hoặc thích, chia sẻ, cậu ta có tiền nhờ quảng cáo trên trang, tới 1.800 euro/tháng.

Quay lại với chiến thắng của Trump, đội ngũ kỹ thuật của ông đã đóng vai trò quan trọng trong suốt thời gian tranh cử. Họ bao gồm những người lập trình viên, thiết kế web, kỹ sư mạng, nhà nghiên cứu dữ liệu, chuyên viên đồ họa và cả những nhân tố khác bên lĩnh vực truyền thông. Họ được dẫn dắt bởi Brad Pascale, người mà Trump tin tưởng hết mực và giao cho tài khoản Twitter @realDonaldTrump. Đội ngũ kỹ thuật của Trump đã tạo ra “Project Alamo”, một cơ sở dữ liệu chứa tên tuổi, địa chỉ, email của 220 triệu người Mỹ. Đội kỹ thuật sử dụng chức năng quảng cáo Facebook, tìm và đẩy đoạn phim ngắn về Clinton đến đúng những người Mỹ đang phân vân không biết bầu cho ai. Tờ Medium đã đánh giá “Chiến thắng tranh cử tổng thống của ông Donald J. Trump là chiến dịch áp chế tranh cử bằng kỹ thuật số thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vũ khí bí mật ông Trump tận dụng chính là Project Alamo và nền tảng Cquảng cáo của Facebook”.

Cái lắc đầu phủ nhận của Facebook và nỗi nhức nhối của truyền thông

Không chỉ từ tờ Medium, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mạng xã hội Facebook đã đối mặt với rất nhiều chất vấn về trách nhiệm của họ tới đâu trong việc phát tán tin giả và không ngăn chặn tình trạng chia sẻ những tin đồn thất thiệt đó.

CEO Facebook Zuckerberg cầm tờ Boston Globe giả để thanh minh giảm nhẹ vai trò của Facebook đối với tin tức giả trá.Hà
CEO Facebook Zuckerberg cầm tờ Boston Globe giả để thanh minh giảm nhẹ vai trò của Facebook đối với tin tức giả trá.

Trước áp lực dư luận, nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg nhiều lần khẳng định, 99% thông tin mà người dùng đọc trên Facebook là chính xác và trang mạng này không có vai trò tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Nhưng có một điều mà có lẽ chính Mark Zuckerberg không muốn đề cập đến: số lượng tin tức giả mạo trên Facebook không quan trọng bằng số lượng người đọc, chia sẻ những tin tức giả mạo đó. Từ đó nảy sinh ra một sự thật nhức nhối rằng: tin tức giả mạo có khả năng lan truyền kinh khủng hơn dòng tin chính thống. Điều này đồng nghĩa với việc: số lượng độc giả “có cơ hội” tiếp cận với thông tin giả mạo là rất lớn. Ví dụ chứng minh của Buzzfeed: Từ tháng 2-11/2016 của cuộc hành trình bầu cử Mỹ 2016, 20 bài báo bịa đặt hàng đầu đã được chia sẻ khủng khiếp từ 3 triệu lượt “chia s , phản ứng và b nh luận” lên gần 9 triệu, trong khi đó mức độ tương tác của các bài viết chính thống lại giảm từ mức 12 triệu vào tháng 2 xuống chỉ còn 7,3 triệu vào ngày bầu cử 8/11.

Chưa hết, việc những “cha đ ” tin tức giả như Paul Horner, Goran… chỉ cần ngồi một chỗ, nhờ “cây gậy” là Internet, “xào nấu” và “sống khỏe” nhờ việc “chế biến” “món tin tức giả”, lan truyền chúng trên Facebook, Google… cho thấy một sự thật đau xót rằng: giờ đây đã “thịnh hành” thứ  truyền thông phi đạo đức, vô trách nhiệm, can tâm đánh lừa độc giả, không chỉ là những tác phẩm kém chất lượng, tính nghiêm trọng nằm ở chỗ nó truyền bá những thông tin sai lệch chỉ vì tiền hoặc vì một mục đích nào đó, nghiêm trọng nhất là với mục đích chính trị, kéo lệch nhận thức của người dùng.

Có quá lời không khi gọi đó là một thứ “tội ác truyền thông”? Sức tác động của “tội ác” này là không thể đo đếm bởi mạng xã hội từ lâu đã là một loại hình truyền thông “vua”, lượng độc giả tiếp nhận tin tức từ mạng xã hội chiếm thế áp đảo so với các loại hình truyền thông khác. Điều chua chát là đến cả các nhà báo, các cơ quan báo chí lớn, chưa nói đến độc giả, cũng có thể bị các trang tin tức giả đánh lừa, nhiều khi cũng không phân biệt được đâu là trang tin tức giả, đâu là trang tin tức thật. Năm 2013, tờ Washington Post bị Daily Current, trang tin giả nổi tiếng lừa với tin Sarah Palin đã đầu quân cho Al-Jazeera. Cùng năm này, tin thất thiệt về việc cây bút Paul Krugman của New York Times bị phá sản cũng xuất hiện trên trang Boston.com. Tờ Los Angeles Times từng một phen lao đao khi đưa tin rằng Liên hợp Quốc đang chuẩn bị hợp pháp hóa cần sa, hay nghệ sỹ bí ẩn Banksy đã bị bắt… Mới đây nhất ngày 24/11/2016, truyền thông thế giới đã thực sự dậy sóng trước thông tin kênh truyền hình nổi tiếng CNN đã vô tình phát sóng 30 phút phim khiêu dâm hạng nặng ở khu vực Boston, Mỹ. Nhưng, chỉ tối ngày hôm đó, đã có bằng chứng thuyết phục thông tin đó hoàn toàn là giả mạo.

anh5
Trang tin giả abc News

Những ví dụ đau xót này nói lên điều gì: cả sự hiếu kì của độc giả, sự dễ dãi không thẩm định thông tin kỹ lưỡng, chạy vội theo áp lực tin bài của các phóng viên, các tờ báo, hãng tin đã vô hình chung tạo nên sự hỗn loạn tin tức thật- giả, tạo miếng đất màu mỡ cho các trang tin tức giả tồn tại. Nói một cách khác, tất cả đã góp phần tạo nên một “hệ sinh thái tin tức mới trên mạng” mà ở đó nói như ngài Barack Obama (trong một bài trả lời tờ The New Yorker số ra ngày 26/11/2016), “mọi thứ đều thật và không có gì là thật”.

Báo chí có nhiệm vụ thông tin khách quan, chính xác tới bạn đọc. Nhưng trong “hệ sinh thái tin tức mới” này, nhiệm vụ đấy có hoàn thành?

“Bài toán” trách nhiệm và lòng tin

Công chúng, sau thời gian đầu hồ hởi với tin tức ngập tràn, đang phải bơi giữa một biển thông tin đầy những nội dung nhiễu loạn, nịnh bợ, bôi xấu, sai lệch, thậm chí bịa đặt. Không ít người thực sự mất phương hướng bởi không có bất kì sự phân biệt nào với thông tin đưa ra trên  Facebook, bất kì nội dung nào cũng được xếp như là một dạng tin tức, trang tin tức giả có giao diện rất giống những trang tin điện tử truyền thống. Chưa hết, nhiều trang tin giả có những cái tên nghe rất kêu và đáng tin kiểu như National Report (Tin tức quốc gia), World News Daily Report (Báo cáo Tin tức Thế giới Hàng ngày), hay Empire News (Đế chế Tin tức)… Những trang tin giả khác lại nhái lại tên và logo của các hãng tin thật sự, như abcnews. com.co. Một số trang lại pha trộn cả tin thật và tin giả để lừa gạt. Đa phần các tin tức giả đều dẫn nhiều nguồn, từ những cái tên người phát ngôn không có thật đến tên những tổ chức có thật để tỏ ra đáng tin hơn. Tiền đề của những tin tức giả cũng thường là những vấn đề nóng thu hút sự chú ý.

Vì thế, làm thế nào để phân biệt tin tức thật-giả thực sự đã trở thành một bài toán không-dễ- giải. Bởi thông tin giả lan tràn trên mạng Internet, xuất phát từ mạng xã hội là chủ yếu nên nhiều chỉ trích đã nhắm vào ba “ông lớn” trong lĩnh vực truyền thông xã hội: Facebook, Twitter, Google, yêu cầu các nền tảng này phải nhanh chóng có trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng bởi đây là bài toán không- dễ giải nên các “ông lớn” trước mắt cũng mới chỉ có những động thái khá dè dặt. Nếu Google tuyên bố các công cụ quảng cáo Google sẽ không phục vụ cho các trang web muốn đăng tải các nội dung thất thiệt và sai sự thật, thì Facebook cho biết sẽ triển khai hệ thống lọc mới với thuật toán cho phép tự động phát hiện các nội dung tin giả mạo, câu “view” và hạ cấp phân loại để chúng “ch m” xuống trong cơ sở dữ liệu chung. “Chúng tôi sẽ không hiển thị hay tích hợp quảng cáo vào các ứng dụng hay trang web có chứa nội dung phạm pháp, gây hiểu nhầm hay lừa đảo”, Facebook cho biết trong một thông cáo.

Tuy nhiên, tất cả mới dừng lại ở mức nỗ lực và cố gắng. Nhật báo Mỹ Tờ USA Today đánh giá việc đưa ra các công cụ nhằm ngăn chặn các tin tức giả mạo lần này là một giải pháp nghiêm túc của Facebook. Tuy nhiên còn rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ: liệu việc các tổ chức kiểm chứng đánh dấu nghi vấn một thông tin lại khiến người ta càng muốn đọc và chia sẻ nó hơn? Tại sao Facebook không sử dụng đội ngũ kiểm chứng thông tin riêng của mình? Các công cụ của mạng xã hội này mới chỉ nhắm đến những bài viết có thông tin giả mạo trích dẫn từ các trang mạng khác. Điều này có nghĩa, những bức ảnh, hay video mang nội dung có nội dung tương tự đăng trên Facebook sẽ không bị ảnh hưởng?


anh3
Trang tin giả mạo New York Post

Tất cả những giải pháp trên không chỉ mang tính chất bước đầu mà còn mang tính kỹ thuật. Trong khi đó, chúng ta quên mất rằng, thông tin, quan trọng nhất, lại từ yếu tố con người. Con người là chủ thể tạo ra thông tin, vì thế, muốn có thông tin thật- chính xác- khách quan, người tạo ra thông tin ấy cũng phải có tâm thế khách quan và chính xác. Đó có nghĩa: “bài toán” xử lý vấn nạn thông tin giả cũng chính là “bài toán” về trách nhiệm và lòng tin, của người làm báo với vai trò người “gác cổng” thông tin.

Nhiều người có quan điểm rằng báo chí có vai trò rất nhỏ trong việc ngăn chặn tin giả, bởi người dùng mạng xã hội chủ động chia sẻ những thông tin sai lệch đó và khiến chúng phát tán mạnh mẽ hơn cả thông tin chính thống. Nhưng rõ ràng báo chí cần phải kiểm tra thông tin kỹ càng hơn để tránh rơi vào bẫy của tin giả, tin vịt. Walter Lippmann, nhà văn kiêm nhà báo người Mỹ từng đoạt 2 giải Pulitzer đã từng nói rằng công chúng cần được chỉ dẫn, hướng dẫn, hoặc thậm chí theo những khuôn mẫu nhất định. Dù công nghệ có hiện đại thế nào đi chăng nữa thì không ai có thể thay thế những chuyên gia bằng xương bằng thịt trong việc phân tích thông tin, xác định những vấn đề đúng sai nhằm đảm bảo lợi ích của công chúng.

Không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn trên thế giới là uy tín của báo chí đang giảm sút trong mắt người dân và ngày càng nhiều người coi truyền thông xã hội là nguồn thông tin chính mỗi ngày. 44% số người tại 26 quốc gia trên thế giới tham gia cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford gần đây cho biết họ coi Facebook là nguồn tin chủ yếu. Tỷ lệ cho báo in tụt xuống mức thê thảm là 24%.

Vì thế, các chuyên gia truyền thông cho rằng, các nhà báo, hãy ngừng đuổi theo mạng xã hội. Hãy tập trung sản xuất nhiều nội dung chuyên sâu chất lượng cao để cung cấp cho xã hội những kiến thức cần thiết và những thông tin đúng sự thực. Giành lại niềm tin và nâng cao sự hiểu biết của độc giả là giải pháp giúp giảm thiểu vấn nạn tin giả đang tràn lan và tạo nên một “hệ sinh thái thông tin” lành mạnh hơn.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Vui buồn với báo chí Việt Nam năm 2016 (05/01/2017-6:39)
  • Để pháp luật về báo chí và đạo đức nghề nghiệp điều chỉnh hành vi, dẫn dắt lương tâm, trách nhiệm người làm báo (03/01/2017-7:31)
  • Lễ trao giải Ảnh báo chí “ASEAN – Một cộng đồng” (30/12/2016-13:53)
  • Tranh cãi mạnh quanh show của MC Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan (29/12/2016-6:41)
  • Dừng phát sóng chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế” (29/12/2016-6:38)
  • Góp phần để Luật Báo chí 2016 phát huy tác dụng và hiệu quả (26/12/2016-6:51)
  • Đài PTTH Thanh Hóa giành thắng lợi lớn tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 36 (26/12/2016-6:48)
  • Phát động cuộc thi báo chí “Công chức liêm chính, công dân gương mẫu” (21/12/2016-9:11)
  • Tác phẩm của Thanh Hóa dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay công phu hơn (21/12/2016-6:39)
  • Thanh tra Chính phủ trả lời vụ phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn (21/12/2016-6:36)