Chủ nhật, ngày 05/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo chí đang nhìn lại mình và tìm hướng đi mới (18/01/2017-7:50)
    “Tôi nghĩ rằng, làm cái gì tích cực thì đều tốt và chắc chắn sẽ phát triển, báo chí cũng vậy. Ở cả góc độ người làm nghề và người đọc, tôi ủng hộ việc làm báo theo xu hướng tích cực. Trong tình trạng bội thực thông tin như hiện nay, sự đào thải, chọn lọc sẽ diễn ra và những cái tích cực sẽ tồn tại và phát triển”.
Nhà báo Nguyễn Bá

Đó là quan điểm của nhà báo Nguyễn Bá - Phó Tổng Biên tập báo điện tử Infonet về xu hướng làm báo tích cực nhen nhóm và tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ trong năm 2016 vừa qua.

Làm báo tích cực luôn có chỗ đứng trong lòng độc giả

+ Năm 2016 chứng kiến xu hướng làm báo tích cực, đi sâu vào những vấn đề xã hội một cách chững chạc, tử tế. Có ý kiến cho rằng thực ra xu hướng này không mới, chỉ là cách báo chí “tìm lại mình”. Anh nghĩ sao về điều này?

– Theo cảm nhận của tôi, dường như báo chí VN đã bước qua giai đoạn bùng nổ, những hệ lụy của việc câu view, của việc làm báo dễ dãi đã xuất hiện. Báo chí bắt đầu phải nhìn lại mình và tìm những hướng đi mới, trong đó có cả việc quay lại với những cách làm truyền thống. Ví dụ, tháng 11/2015, Tạp chí Ngày Nay (thuộc Liên hiệp các tổ chức Unesco) ra đời 1 tuần/1 số. Với nội dung chú trọng nhiều vào các vấn đề dân sinh, cộng với phương thức phát hành miễn phí, Ngày Nay là một hiện tượng của báo in trong năm 2016. Đối nghịch với tình trạng câu view, chạy theo showbiz, những nội dung thiết thực với người dân, những câu chuyện về tình người… vẫn được độc giả đón nhận. Điển hình cho cách làm báo theo nội dung này có thể kể đến chương trình Giờ cao điểm của VOV giao thông, Cuộc sống thường ngày của VTV1, Việc tử tế của VTV24. Ngay bản thân báo điện tử Infonet của chúng tôi, chuyên mục Chuyện tử tế thường ngày, với các bài viết về những hành động đẹp, những việc làm ý nghĩa vì cộng đồng… cũng được độc giả đón nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh đó rất nhiều tờ báo đã có những cách thức làm báo mới, tích cực nhằm cải tiến việc đưa thông tin đến bạn đọc. Rapnews của báo điện tử VietnamPlus là một ví dụ. Vẫn là những nội dung đó, nhưng với cách làm đặc biệt này,  tin tức trở nên hấp dẫn hơn với người đọc, đặc biệt là độc giả trẻ. Một hình thức làm báo tích cực khác đó là Long form Story (câu chuyện dài) cũng được nhiều báo sử dụng để tiếp cận độc giả. Trái ngược với xu thế trước đây, độc giả báo điện tử chỉ đọc nhanh và đọc tin ngắn, giờ đây các bài viết dài, phân tích sâu và trình bày đẹp (trước đây chỉ có trên các tạp chí, báo in) xuất hiện ngày càng nhiều trên báo điện tử VietnamPlus, VnExpress, Tuổi Trẻ Online… và được độc giả đón nhận một cách tích cực.

+ Điều đó đã chứng minh rằng, báo chí nếu biết cách khai thác, biết cách làm sâu vẫn thu hút bạn đọc, nghĩa là thời kỳ nào lối làm báo tích cực cũng luôn có chỗ đứng?

– Chắc chắn rồi. Làm báo tích cực (cả về nội dung và cách thức) luôn có chỗ đứng trong lòng độc giả, quan trọng là chúng ta phải kiên trì. Độc giả không bỏ báo chí, chính báo chí đã bỏ rơi độc giả bởi cách làm báo “mỳ ăn liền”, giật gân, rẻ tiền…

MXH chỉ là một kênh chia sẻ thông tin, MXH không thể làm thay thiên chức của báo chí được, nhưng MXH là một nguồn tin cho báo chí đồng thời là kênh giám sát đối với báo chí. Báo chí là nơi cung cấp thông tin cho MXH nhưng cũng là nơi trả lời những vấn đề mà MXH đặt ra. Chính vì thế báo chí nếu làm đúng vai trò, vị trí của mình thì vẫn luôn có độc giả.

Tôi ủng hộ xu hướng tích cực trong tình trạng bội thực thông tin

+ Nói nhiều về những đóng góp nổi trội của các tờ báo trong năm 2016 về mặt tích cực nhưng cũng cần nói rõ hơn về quan niệm báo chí với xu hướng tích cực, cụ thể với nhìn nhận của anh là như thế nào?

– Tôi nghĩ rằng, làm cái gì tích cực thì đều tốt và chắc chắn sẽ phát triển, báo chí cũng vậy. Ở cả góc độ người làm nghề và người đọc, tôi ủng hộ việc làm báo theo xu hướng tích cực. Trong tình trạng bội thực thông tin như hiện nay, sự đào thải, chọn lọc sẽ diễn ra và những cái tích cực sẽ tồn tại và phát triển.

Chúng ta nói nhiều đến 5 chức năng của báo chí (thông tin; giáo dục tư tưởng, cổ vũ hành động; khai sáng và giải trí; giám sát và phản biện xã hội; quảng cáo và dịch vụ kinh tế báo chí), nhưng quan trọng nhất và cơ bản nhất là chức năng thông tin. Thông tin có tính định hướng dư luận và xã hội, vì thế trong muôn vàn sự kiện diễn ra hàng ngày, nếu chọn cách đưa tin tiêu cực, sẽ thấy một xã hội u ám, nếu chọn cách đưa tin tích cực, sẽ giúp người đọc nhận thấy cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp và định hướng, cổ vũ, khích lệ họ hướng tới điều đó. Tôi nhớ một nhà báo từng nói, không có sự kiện lá cải, chỉ có cách làm báo lá cải. Vậy thì cả khi có những sự kiện tiêu cực, hãy làm báo theo cách tích cực. Một sự kiện phải được thông tin đúng bản chất, không thêm thắt làm cho sự kiện bị sai lệch; phải được đặt trong bối cảnh chung cũng như tác động tích cực của nó đến các mối quan hệ khác. Quan điểm riêng của tôi về làm báo tích cực đó là trung thực – khách quan – thiết thực – nhân văn.

báo infonet
Tòa soạn báo điện tử Infornet. Ảnh P.V

Chúng tôi đang tiến hành cơ cấu lại

+ Báo chí tích cực luôn có chỗ trong lòng độc giả nhưng trong bối cảnh báo chí chịu nhiều áp lực cạnh tranh, tia-ra như hiện nay, việc đeo đuổi xu hướng này với những tuyến bài đòi hỏi sự đầu tư dài hơn, công phu… có vẻ là việc không dễ dàng. Với Infonet thì sao, thưa anh?

– Infonet là báo điện tử ra đời muộn hơn rất nhiều tờ báo khác, nên chúng tôi cũng phải lựa chọn nhiều cách thức khác nhau để xây dựng nên nội dung của tờ báo. Khi không cạnh tranh được về nguồn tin, không cạnh tranh được về thời gian, chúng tôi phải chọn cách đi chậm hơn, khác biệt hơn. Vì như vậy cho nên, các loại nội dung mang lại giá trị tích cực cho bạn đọc, hoặc đi vào phân tích sâu hơn sự kiện luôn được lãnh đạo đặt ra đối với đội ngũ PV, BTV. Khi chọn cách làm như vậy, PV cũng sẽ vất vả hơn, phải đầu tư nhiều hơn, nhưng bù lại những nội dung của báo cũng sẽ được đánh giá cao hơn, có lượng bạn đọc trung thành hơn. Cũng vì như vậy nên số lượng tin bài xuất bản của Infonet không nhiều, trung bình mỗi ngày khoảng 150 – 200 tin bài và trong đó có đến 80% là tự sản xuất.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, trong thời gian gần đây chúng tôi cũng bị cuốn vào trào lưu chung của báo chí, tình trạng “giật tít câu views” hay “làm báo máy lạnh” diễn ra khá phổ biến. Bản thân những người lãnh đạo cũng có lúc lơ là, thiếu kiểm soát trong định hướng. Cuộc chạy đua của báo điện tử khiến chúng tôi như những kẻ say máu, bị cuốn theo dòng thông tin và nhiều lúc cũng không giữ được sự tỉnh táo và cũng đã phải trả giá. Chúng tôi đang tiến hành cơ cấu lại để đảm bảo đi đúng định hướng như đã đặt ra ban đầu.

Các cơ quan báo chí phải xây dựng chuẩn mực riêng của mình

+ Xu hướng làm báo tích cực, theo tôi nghĩ không chỉ là cách nhà báo viết cho ấn phẩm truyền thông mình đang cộng tác mà còn cả ở việc truyền tải thông tin lên MXH. Tin tức mà các nhà báo đưa ra trên MXH có tác động lớn hơn những người khác rất nhiều. Nhưng câu chuyện trách nhiệm xã hội của các nhà báo khi đưa thông tin lên MXH thì dường như vẫn để ngỏ?

– Tuy đây là vấn đề khó nhưng các cơ quan báo chí phải xây dựng chuẩn mực riêng của mình và Hội nhà báo cũng có thể đại diện để xây dựng những chuẩn nghề nghiệp của nhà báo…

Trong 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam mà Hội Nhà báo vừa ban hành có điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác” đã đặt ra trách nhiệm cho nhà báo khi phát ngôn, hay chia sẻ bất cứ thông tin nào lên MXH. Vì tính chất nghề nghiệp, nhà báo có lợi thế khi tiếp cận thông tin cũng như có điều kiện để kiểm chứng thông tin, do vậy, mặc nhiên các cá nhân khác trên MXH dễ dàng tin hoặc nhầm lẫn thông tin mà cá nhân là nhà báo đưa ra như phát ngôn của một nhà báo hoặc như thông tin của một tờ báo. Do vậy nhà báo khi phát ngôn hay chia sẻ thông tin cần đặt mình trong vị trí đó để có phát ngôn chuẩn mực và trách nhiệm. Vì nếu không sẽ dẫn đến sự ngộ nhận, làm mất tính khách quan và trung thực của báo chí. Tôi cho rằng, bất cứ người nào có trách nhiệm thì đều cần tâm niệm rằng phải “chia sẻ có ý thức”, nhưng nhà báo – vì trách nhiệm xã hội lớn lao của mình thì cần ý thức điều đó một cách chủ động và cao hơn.

+ Với riêng tờ báo Infonet thì ý thức xây dựng qui định và làm sao để nhà báo phát huy được những mặt nổi trội của MXH nhưng không bị lạm dụng “quyền lực” làm những điều tạm gọi là không tích cực?

– Đến thời điểm này, báo điện tử Infonet vẫn chưa ban hành quy định trách nhiệm của PV, BT khi khi tham gia MXH. Tuy nhiên không phải vì như vậy mà chúng tôi “buông”, để cho các thành viên của cơ quan mình tự do trên MXH. Theo quan điểm của tôi, có 2 vấn đề điều chỉnh hành vi của nhà báo khi tham gia MXH. Thứ nhất là các vấn đề chung mà pháp luật quy định cho công dân và các quy định đạo đức nghề nghiệp. Thứ hai là quy định riêng của mỗi cơ quan báo chí liên quan đến định hướng nội dung cũng như lĩnh vực hoạt động. Đối với các vấn đề chung, các cán bộ, PV của báo là công chức – viên chức trong hệ thống, là đảng viên thì phải tuân thủ những quy định mà tổ chức, cơ quan Nhà nước đã đặt ra.

Cái mà chúng tôi quan tâm xây dựng chính là vấn đề thứ 2, gắn liền với định hướng nội dung, cách thức hoạt động cũng như nhiệm vụ được giao. Như đã nói, nhà báo có lợi thế khi tiếp cận nguồn tin, tin tức do nhà báo đăng tải trên MXH được đón nhận như là tin tức báo chí (mặc dù bản chất không phải là tin tức báo chí). Vì thế chúng tôi có yêu cầu phóng viên, biên tập viên không đăng tải những thông tin mà mình tiếp cận được trong quá trình tác nghiệp; Không đăng tải những thông tin không có trong bài viết mà PV đó thực hiện; Không chia sẻ, lan truyền những thông tin trên MXH mà chưa được xác tín bởi các cơ quan có thẩm quyền. Một yêu cầu khác là vấn đề phát ngôn của nhà báo trên MXH. Dù  tham gia với tư cách cá nhân, song khi một nhà báo phát ngôn trên MXH thì cộng đồng mạng dễ dàng coi đó là quan điểm của một nhà báo, thậm chí ít nhiều còn coi đó là quan điểm của cả tờ báo, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan báo chí. Do vậy, chúng tôi yêu cầu các PV, BTV phải thận trọng khi phát ngôn hoặc bày tỏ quan điểm trên MXH bởi rất dễ vi phạm nguyên tắc khách quan và trung thực của nghề báo. Để tạo ra sự đồng thuận cao trong đội ngũ của mình, chúng tôi đang cho xây dựng quy định này như những khế ước riêng nội bộ để anh em thảo luận và tạo ra sự thống nhất. Bên cạnh đó cũng luôn lắng nghe phản ánh của bạn đọc, đồng nghiệp để kịp thời điều chỉnh, hạn chế những hành vi tiêu cực của cán bộ PV trên MXH. Việc xây dựng quy ước chung này là một việc làm cấp thiết mà chúng tôi đang cố gắng hoàn thành sớm.

Theo Khoa An/Báo Nhà báo và Công luận


 

Các tin khác:
  • Cái gì bền vững sẽ là bền vững… (03/01/2017-6:37)
  • Sinh động, sát thực tế đời sống (31/12/2016-8:54)
  • “Dăm hôm lại đau tim một lần…” (23/12/2016-9:50)
  • Phải viết làm sao để chạm tới trái tim độc giả?! (17/12/2016-7:46)
  • Tôi thích ảnh gắn với cuộc sống (15/12/2016-7:43)
  • Đừng để con số ảo đánh bại giá trị thực (12/12/2016-17:22)
  • Nhà báo Cao Kim: Giản dị, mực thước với đời, với nghề (12/12/2016-17:19)
  • Nhà báo Nguyễn Thanh Cải: Viết như vội trả nợ một thời làm báo (12/12/2016-17:16)
  • “Canh tác thông minh”, chương trình truyền hình nhiều ý nghĩa thiết thực (01/12/2016-15:46)
  • Chụp ảnh báo chí: tưởng dễ mà khó! (30/11/2016-8:31)