Do thiếu hiểu biết, nhiều khách lễ đang làm tầm thường đi chốn tâm linh (ảnh chỉ có tính minh họa)
Phật chỉ thờ ở chùa, không có trong đền, trong phủ để vào đền, vào phủ niệm Nam mô... Việc làm giống như đến nhà ai đó mà lại gọi hàng xóm của họ mở cửa cho mình.
Đầu năm lên chùa cũng gặp không ít người khấn phật đi kèm cầu xin về vật chất. Triết lý nhà phật khuyên chúng sinh không được tham sân si, bởi thế phật cũng chẳng có gì ngoài lòng từ bi, bác ái để cho họ cả. Lên chùa cúng phật cốt cầu mong bình an, sức khỏe. Phật không phải người trông kho để ban phát tài lộc. Đem lòng tham vào cửa phật là sự mạo phạm.
Ở những nơi tâm linh mọi trật tự đều phải tuân theo quy định, và thường được các ban quản lý di tích hướng dẫn cụ thể. Nhưng dường như điều đó không nhiều người biết đến hoặc để ý đến, người ta thường đem lễ vật theo suy nghĩ cá nhân lên chùa, đốt vàng mã ở chùa mà không cần biết đến quy định vào chùa phải dùng đồ chay, và cũng không cần biết quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấm đốt vàng mã trong chùa.
Đến chốn tâm linh cốt ở cái tâm, nhưng chỉ cái tâm thôi là chưa đủ. Có tấm lòng cũng cần phải có hiểu biết để tránh đi sự mạo phạm.
Bây giờ người đi lễ ngày một nhiều hơn, nhưng dường như văn hóa, sự hiểu biết của người đi lễ lại ít đi và tầm thường hơn. Nhiều người đi lễ có chủ định, có sự hiểu biết, nhưng cũng không ít người đi theo kiểu thấy thiên hạ đi mình cũng đi, người khác khấn gì mình khấn nấy, một người làm sai cả đám đông sai theo. Tâm lý chạy theo đám đông đang chi phối khách lễ, khiến họ không chỉ mất công, mất của, còn làm mất cả sự thanh tịnh ở chốn tôn nghiêm.
Mỗi người có một đức tin, một tấm lòng, và nó cần được đặt đúng chỗ, làm đúng cách, thể hiện sự hiểu biết, chứ không phải là sự a dua, vô thức.
Tâm lý đám đông và sự thiếu hiểu biết của nhiều người đi lễ đang gây ra biết bao sự lãng phí, nạn kẹt xe, móc túi, lợi dụng tín ngưỡng để vụ lợi.
Xung quanh dòng chảy lễ hội mùa xuân có nhiều chuyện liên quan đến văn hóa ứng xử, văn hóa tâm linh khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Anh Vũ