Người di lễ hội có ý thức môi trường sẽ sạch hơn (ảnh chỉ có tính minh họa)
Trong dòng người ồn ã đi bộ lên đỉnh non thiêng có nhiều du khách đã tùy tiện đi tiểu tiện, thậm chí cả đại tiện ra rừng thông bên đường dù gần đó có nhà vệ sinh công cộng. Nhưng tôi lại bắt gặp một du khách khác với số đông kia, anh vào nhà vệ sinh công cộng để xả thải. Tôi nhìn anh bằng ánh mắt thiện cảm, chỉ tiếc rằng sự thiện cảm ấy không lưu được quá lâu.
Ngay sau khi xả thải anh đã có sự xung đột với người thu phí ở đây. Người thu phí nhất mực đòi 5.000 đồng cho một lượt đi vệ sinh, còn vị khách kia kiên quyết chỉ trả 2.000 đồng như mức thu ở những điểm vệ sinh công cộng khác.
Người thu phí giải thích phải đưa nước lên nhà vệ sinh để khách dùng nên mức thu lên tới 5.000 đồng. Còn vị khách lại khẳng định trong nhà vệ sinh không có nước, mà có anh cũng chưa dùng, bởi có thấy ai đi vệ sinh xong dội nước đâu, nên anh trả 2.000 đồng là được.
Ai cũng có cái lý của mình, và đều khăng khăng để bảo vệ điều đó, dù giá trị của đồng tiền phải trả không nhiều so với sự hào phóng mà những khách lễ sẵn sàng chi trả cho nhiều dịch vụ ở những lễ hội.
Sự tranh cãi khiến nhiều người đi lễ đứng nhìn tạo ra sự ùn ứ giao thông. Kết thúc tranh luận, vị khách móc ra 3.000 đồng bỏ vào thùng thu phí vệ sinh kèm theo câu nói: Thế là lịch sự lắm rồi đấy nhé. Ở đây toàn là cây, có thể đi vệ sinh ở bất cứ đâu. Vào đây cho là may lắm rồi, còn bắt chẹt.
Vị khách kia nói đúng, bởi anh có thể giống nhiều người đi lễ mà tôi gặp, đó là chạy vào bất cứ chỗ nào ở hai bên đường để phóng uế, bởi đó là cây cỏ, chỉ cần khuất mắt là được. Thậm chí nhiều người chẳng cần phải che chắn, cứ thế vô tư xả thải trong mình ra ven đường. Quy định xử phạt việc xả thải ra môi trường trong đó có việc đi vệ sinh tùy tiện ở nơi công cộng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017. Trên phương tiện thông tin đại chúng quy định này được tuyên truyền rất nhiều, nhưng dường như nó chưa được mấy người chú ý.
Người đi lễ chùa, vào đền, phủ cốt ở sự thanh tịnh. Với việc phóng uế bừa bãi ở nơi linh thiêng như thế liệu có chấp nhận được không. Điều đó không chỉ vi phạm pháp luật về môi trường còn tạo ra sự phản cảm. Người có nhận thức đang thể hiện sự lịch sự bằng việc tôn trọng pháp luật về môi trường như vị khách kia. Nhưng sự lịch sự ấy cần thể hiện đúng cách và phù hợp hoàn cảnh để tránh đi sự xung đột. Vị khách kia không xả thải ra nơi công cộng, nhưng lại phóng ra tiếng ồn ở nơi tôn nghiêm gây phân tâm cho người đi lễ, liệu đã là người lịch sự đúng nghĩa hay chưa?
Sự lịch sự kiểu nửa mùa của du khách cùng với tư duy tiểu nông trong kinh doanh ở nơi công cộng đang khiến cho những quy định của pháp luật về môi trường gặp khó khăn khi đi vào cuộc sống.
Anh Vũ