Hình ảnh chỉ có tính minh họa
Không biết có phải vì chiếc ghế quá to so với chiếc xe gom rác không, hay bởi đó không phải là địa bàn thuộc chức phận của họ.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện đã được đưa trên chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt Nam cách đây ít ngày về một đoạn đường ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh rác ngập ngày này qua ngày khác, bởi đoạn đường này cùng lúc thuộc sự quản lý của hai cơ quan. Trên lề đường thuộc Công ty môi trường địa phương, còn dưới lòng đường lại thuộc về một đơn vị quản lý, duy tu đường bộ, thành ra đoạn đường trở thành “cha chung” và không ai muốn “khóc” cả. Đoạn đường này không biết có phải trong tình cảnh tương tự hay không, nhưng rõ ràng chiếc ghế sa lông mút phế thải tồn tại nhiều ngày, không chỉ cản trở giao thông, mà còn rất phản cảm.
Trên báo từng thông tin việc một người dân vứt túi rác ra đường và bị phạt tới cả triệu đồng. Đó là điều không lạ, bởi Nghị định 155/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có hiệu lực thi hành tới hơn tháng nay. Điều lạ là dù pháp luật đã có hiệu lực thi hành nhưng ở nhiều nơi lực lượng quản lý đô thị chưa coi đó là điều phải làm, mà vẫn ứng xử theo thói quen tình cảm. Thế nhưng khi mà rác thải tùy tiện đã thành tập quán, ăn sâu vào lối sống của cư dân đô thị, thì việc nhắc nhở sẽ chẳng mấy tác dụng. Đó là điều chắc chắn.
Cách đây vài năm một số phường ở thành phố Thanh Hóa đã ra quân bảo vệ môi trường, và được xem như một chiến dịch có chiều sâu khi chính quyền phường mua các thùng đựng rác bán đến tận các hộ dân. Rác được chứa vào thùng, để trước nhà chờ xe rác tới. Một nét đẹp của đô thị không chỉ về môi trường, mà còn là hình ảnh. Thế nhưng chiếc thùng đựng rác được gắn tên “thùng xin rác” cũng chẳng phát huy tác dụng được bao lâu. Rác theo thói quen của lối sống vẫn vô tư thải ra môi trường, ra đường phố và những nơi có thể đem theo mùi xú uế, đem theo mầm bệnh cho những khu dân cư.
Một Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có và hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng chức năng, nhiều nơi cũng đã làm mạnh, thực hiện nghiêm, nhưng vì sao vẫn là điều khó khăn ở nhiều khu dân cư tại thành phố Thanh Hóa. Điều đó phải chăng đang phản ánh sự yếu ớt của cơ quan chức năng trong bộ máy chính quyền đô thị?
Người vứt rác thải ra môi trường chẳng biết những thứ rác rưởi ấy rồi sẽ đi đâu. Nhiều người quản lý vệ sinh môi trường có lẽ cũng không quá quan tâm đến, thế nên những thứ rác như chiếc ghế sa lông mút kia cứ thế, chỏng chơ trên một đoạn đường đẹp nhiều ngày, âu cũng là điều dễ hiểu.
Anh Vũ