Hình ảnh chỉ có tính minh họa
Thông tin trên báo chí cho biết ở tây chó có sổ theo dõi dạng như lý lịch của người, trong đó ghi đầy đủ thông tin về nguồn gốc, chủng loại, di cư, tình trạng sức khỏe và lịch tiêm phòng. Nhiều nước còn quy định cấm thả súc vật như chó trên đường giao thông. Súc vật gây tai nạn thì chủ sở hữu của nó sẽ bị phạt.
Còn ở ta, có những người đã vào tuổi trưởng thành vẫn chưa một lần đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe, thì nói gì đến chó. Chó đơn giản chỉ là súc vật để trông nhà, và giết thịt, không được nâng niu như ở tây, nên nhiều khi chó được thả rông và cắn bậy trên đường.
Bởi nhận thức và thói quen trong nuôi, thả súc vật của nhiều gia đình nên con chó ở ta dễ có cơ hội càn quấy, và chủ nhân của chó cũng dễ dàng phủi tay với hậu quả mà con chó thuộc sở hữu của mình gây ra hoặc cố tình bắt vạ cho con chó, dù con chó của mình đã gây ra hậu quả với người đi đường.
Có câu chuyện lái xe của một cơ quan đưa lãnh đạo đi công tác ở huyện, sau khi cán chết con chó chạy ngang đường vẫn phải tiếp tục chạy xe cho lãnh đạo kịp giờ họp, đã bị chủ sở hữu con chó đuổi theo vào tận UBND huyện nơi xe dừng để bắt đền. Còn có lái xe chạy tuyến cố định khi về bị đoàn người chặn lại với lý do lúc đi xe của anh để rơi đồ vật khiến làm chết con vịt đi trên đường. Dù lái xe khăng khăng trên xe anh ta không để rơi thứ gì, nhưng sau những cãi vã vẫn phải miễn cưỡng móc tiền để “mua” con vịt đã chết, dù biết quốc lộ không phải là đường dành cho vịt đi.
Chuyện bắt đền ở Việt Nam có vẻ như chưa thuộc về lý, mà còn nặng về lệ, bởi thế súc vật cứ vô tư được thả ra đường, cho dù đó là đường cao tốc hay những con đường nội đô tấp nập xe cộ.
Có lần gặp đàn bò vừa đi vừa “ngắm” phố trên đường Bà Triệu, thành phố Thanh Hóa nhiều xe ô tô cũng buộc phải dừng lại để “ngắm” phố cùng đàn bò, người đồng hành của tôi đã thốt lên là phải dạy luật cho bò. Điều đó đương nhiên là không được, bởi bò không phải là người. Sự ngu dốt và bảo thủ đều được người ta ví là dốt như bò, mà lại đòi đem luật dạy cho bò, thì quả là hài hước. Nhưng sự hài hước đó cũng có cái lý của nó. Yêu cầu dạy cho bò những thực ra là dạy cho người chăn bò về ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Người chăn bò hiểu biết hơn con bò nhưng vẫn cố tình vi phạm khi cho bò đi trên phần đường của phương tiện cơ giới, thậm chí cố tình cản trở phương tiện giao thông, thì đúng là cũng dốt chẳng khác gì con bò, và cần phải dậy.
Quanh câu chuyện về những con chó, con bò, con vịt trên đường, sự ứng xử từ chủ sở hữu của chúng và nhận thức pháp luật thật còn nhiều điều để nói cho dù chúng ta đã có nhiều chiến dịch truyền thông về an toàn giao thông. Sự “lệch pha” đang khiến cho giao thông thêm phức tạp, người tham gia giao thông ấm ức và bực tức.
An Nhiên