Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Lại gây tranh cãi việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với quán cà phê (07/06/2017-8:08)
    Sau việc thực hiện thu tiền tác quyền âm nhạc qua ti vi gây ồn ào dư luận và phải tạm dừng, vừa qua, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lại tiếp tục gây tranh cãi khi tiến hành thu tiền với quán cà phê.
Nhiều chủ quán cà phê bày tỏ sự bất đồng khi VCPMC tiến hành thu tiền tác
quyền tại các quán (ảnh minh họa).
 
Gần đây, rất nhiều chủ quán đã bày tỏ sự không đồng thuận việc VCPMC tiến hành thu tiền tác quyền âm nhạc. Một số chủ quán cà phê yêu cầu đơn vị này phải đưa giấy ủy quyền của tác giả thì mới hợp tác trong việc này.

Chiều 5-6, trả lời báo chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC giải thích rằng, việc chủ các quán cà phê đòi trung tâm phải trưng giấy ủy quyền của tác giả là không cần thiết bởi trung tâm đại diện cho gần 4.000 tác giả trong nước, ký hợp đồng song phương với hơn 60 tổ chức nước ngoài (khoảng 4 triệu tác giả trên thế giới). Đơn vị quán cà phê nào có ý kiến, VCPMC sẵn sàng đối thoại, có thể mời đến văn phòng để xem giấy ủy quyền.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết thêm, VCPMC có bản quy định về mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc, áp dụng từ 1-10-2015. Theo đó, mức nhuận bút tác phẩm được tính theo năm đối với nhà hàng, quán cà phê - giải khát. Trường hợp cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ ngồi/năm… Giám đốc của VCPMC cũng khẳng định, việc chia các mức thu như vậy đã được tính toán hợp lý và công bằng đối với cả những quán cà phê kinh doanh ở thành phố lẫn vùng nông thôn, miền núi.


Nhạc sĩ Phó Đức Phương trao đổi với báo giới.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, hiện nay nhiều chủ quán cà phê không chịu hợp tác do chưa hiểu rõ quy định. Theo đó, quán cà phê, quán bar, những nơi kinh doanh dịch vụ có âm nhạc là hiển nhiên sẽ thu tiền tác quyền âm nhạc. Thực tế, VCPMC bắt đầu thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê từ năm 2002. Hiện tại, Trung tâm thu được hàng nghìn quán ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác. Năm 2016, số tiền tác quyền thu được ở các quán cà phê là 2.865 tỷ đồng của 607 đơn vị kinh doanh; 5 tháng đầu năm 2017, Trung tâm thu được 1.070 tỷ đồng của 123 đơn vị kinh doanh.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng lý giải tiền thu tác quyền âm nhạc không phải là thu phí mà là tiền nhuận bút, thù lao. Căn cứ công văn số 1714/BTC-CST ngày 31-1-2007 của Bộ Tài chính trả lời về việc tiền nhuận bút thù lao (tiền tác quyền) không phải là phí và lệ phí nên Bộ Tài chính không quy định mức giá mà chủ yếu là thỏa thuận giữa đơn vị sử dụng và các chủ sở hữu quyền tác giả. 

Trước những phản ứng từ phía các chủ quán cà phê, phía VCPMC khẳng định, để bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ, người sáng tác, VCPMC sẽ cương quyết thu tiền tác quyền âm nhạc tại các quán cà phê, không có chuyện dừng lại.

Theo Hoàng Lân/Hà Nội Mới

 

Các tin khác:
  • Những ‘con gà vàng’ ở miền Tây Thanh Hóa (01/06/2017-7:25)
  • Hè này lên thăm Pù Luông (29/05/2017-16:32)
  • Thành tích giết chết văn hóa làng (28/05/2017-8:37)
  • Thêm 12 di sản phi vật thể quốc gia mới (12/05/2017-15:16)
  • Những kỷ vật báo chí của nhà báo Huỳnh Hùng Lý (12/05/2017-15:11)
  • Trao giải cuộc thi ảnh: “Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp 2016” (05/05/2017-15:52)
  • Góp phần tôn vinh văn hóa đọc ở xứ Thanh (18/04/2017-15:21)
  • Những cuốn sách quý giá của gia đình nhà báo Huỳnh Hùng Lý (13/04/2017-12:01)
  • Hạnh Loan - Ẩn số thú vị của làng văn Hà Tĩnh (06/04/2017-10:21)
  • Sẽ thu phí bản quyền âm nhạc tại các cơ sở karaoke từ tháng 7 (30/03/2017-17:50)