Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số đang là vấn đề đang được hết sức lưu tâm
(ảnh chỉ có tính minh họa)
Nhìn ra sự cấp thiết ấy nên Luật Báo chí 2016 đã dành cả điều 8 của Chương I để quy định cho hoạt động của Hội Nhà báo và yêu cầu phải có quy định về đạo đức trong hoạt động báo chí ở thời kỳ mới.
Đó chính là sự tin cậy của Nhà nước với tổ chức Hội - đặc biệt ở góc độ đạo đức nghề nghiệp. Vậy vai trò của tổ chức Hội Nhà báo các cấp trong ngăn chặn xử lý vi phạm đạo đức báo chí đến đâu.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của phóng viên báo chí, giúp giảm thiểu tối đa vi phạm
Thực tế hoạt động xã hội thì ngành, nghề nào cũng cần có đạo đức để chế tài và nhắc nhở hoạt động của các thành viên. Nhưng với nghề báo, chính do sự lan tỏa, tầm ảnh hưởng, mà đạo đức trở nên quan trọng. Hơn nữa, báo chí là chữ nghĩa, là tư duy, là hành xử và thái độ của người viết, cho nên luật không thể quy định chi tiết, nhưng đạo đức thì bản thân mỗi con người đều có “tòa án” lương tâm của chính mình.
Thực hiện yêu cầu của luật pháp, năm 2016 Hội Nhà báo các cấp đã dành thời gian, công sức để góp ý xây dựng bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 10 điều, và nếu kết hợp cả những điều cấm của Luật Báo chí 2016 thì đủ điều kiện để xử lý tất cả các vi phạm.
Xin dành đôi dòng để nói về sự phát triển của báo chí hiện nay: Mặc dù đang thực hiện quy hoạch báo chí nhưng việc sáp nhập, tinh giản là nhỏ bé so với cấp phép ra đời. Mặc dù việc phát hành gặp nhiều khó khăn, nguồn thu bấp bênh nhưng số lượng tạp chí, báo điện tử ra đời không ngừng tăng. Vì sao vậy?
Mạng xã hội mặc nhiên đã thông tin cho báo chí. Báo mạng lên ngôi nhờ tương tác với mạng xã hội nên dễ làm hơn, kể cả việc kiếm tiền bất chính này cũng dễ dàng hơn. Những điều đáng nói ở trên không có gì bất thường, nó chỉ phản ánh xu thế phát triển của thông tin…
Trong cuộc song hành này, công chúng luôn cần một hoạt động báo chí có chất lượng, làm chủ mặt trận thông tin bằng tính chính xác, tin cậy, khách quan và trung thực, không những thế, báo chí chính thống đưa tin phải định hướng dư luận, tạo cho được môi trường thông tin lành mạnh. Vậy, mạng xã hội giúp phần thông tin, còn việc của báo chí là kiểm chứng và phản ánh.
Đến đây thấy xuất hiện khả năng đang hiện hữu và làm suy giảm uy tín của báo chí chính thống, đó là báo ăn theo, lười nhác và vi phạm đạo đức. Thể hiện ở mấy khía cạnh: đạo tin, ảnh mà không điều tra, xem xét tỷ mỷ tại nơi xảy ra sự kiện dẫn đến chủ quan, thiếu chính xác. Lấy tác phẩm của báo khác làm tác phẩm của báo mình. Để câu khách đã đặt tít giật gân, đăng tải rồi gỡ bỏ vì mục đích vụ lợi... Cũng vì mục đích kiếm tiền mà không ít tờ báo xa rời tôn chỉ mục đích như đã thể hiện trong giấy phép. Báo của nghành ít nói về ngành, tỷ lệ cân bằng khen - chê chênh lệch dẫn đến hình ảnh ngành và địa phương bị méo mó…
Vậy việc ngăn chặn các hành vi, việc làm để giảm thiểu tối đa việc vi phạm luật của cơ quan báo chí, nhà báo, hội viên nên bắt đầu như thế nào.
Thứ nhất, các cơ quan báo chí trên cơ sở quy hoạch, tôn chỉ, mục đích rà soát lại những điều còn thiếu, những chỗ còn chưa hợp lý. Cần tách bạch giữa hoạt động nội dung báo chí và hoạt động tạo nguồn thu để không làm ảnh hưởng đến sự công tâm trong phản ánh thông tin và quyền lợi của cơ quan báo chí và phẩm chất cán bộ, phóng viên. Đặt cử những phóng viên hoạt động độc lập cần có sự chọn lựa và giám sát thường xuyên.
Thứ hai, mỗi tòa soạn, đơn vị báo chí ngoài Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cần xây dựng các quy định, quy tắc hành nghề riêng của đơn vị vừa phù hợp, vừa ngăn chặn vi phạm.
Thứ ba, kiểm soát kỹ lưỡng tác phẩm của phóng viên sau khi tác nghiệp, cảnh giác với việc đạo tin, đạo nội dung, làm báo từ xa để tránh vi phạm trong quy định của các bộ luật khác.
Phòng tránh vẫn là yếu tố quan trọng và có tính quyết định, đây cũng là điểm yếu trong hoạt động báo chí thời gian qua.
Vai trò của tổ chức Hội Nhà báo các cấp trong ngăn chặn và xử lý vi phạm đạo đức báo chí.
Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã ban hành và thực hiện từ 1/1/2017. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện như thế nào, hiệu quả đến đâu còn là câu hỏi cho mỗi cơ quan báo chí, tổ chức Hội và từng hội viên... Đơn cử, qua rà soát, thẩm định để cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 cho thấy, tỷ lệ hội viên giảm đáng kể (khoảng 3.000 thẻ); qua thống kê các vụ nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức hoặc bị cản trở hành nghề thì số người là hội viên rất ít. Điều đó phản ánh một thực tế: Khâu quản lý hội viên chưa tốt, tổ chức kết nạp cho các nhà báo đủ điều kiện cũng chưa tốt, một khả năng nữa là phóng viên không tham gia hội để dễ hoạt động không trong sáng cũng là một nguyên nhân.
Để việc thực hiện luật và quy định đạo đức tốt hơn, chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành chỉ thị, cho thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp pháp luật và Điều lệ hội. Theo đó, hội đồng có 2 cấp: cấp trung ương và cấp tỉnh (gồm các Liên chi hội và chi hội trực thuộc Trung ương hội). Hội đồng bao gồm thành viên là lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, báo chí, Hội Nhà báo và các thành phần liên quan khác. Hệ thống Ban kiểm tra các cấp là cơ quan thường trực giúp Hội đồng thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động của Hội đồng. Công việc này phù hợp với Điều lệ Hội và nghề nghiệp.
Về cơ chế quản lý, xử lý như vậy đã có những tiến bộ và cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác giám sát thực hiện quy định đạo đức trong toàn bộ giới báo chí. Hiệu quả tùy thuộc vào chất lượng hoạt động của các cấp hội, các cơ quan báo chí. Cụ thể, Hội đồng cấp tỉnh, liên chi hội, chi hội sâu sát tại cơ sở. Mọi biểu hiện vi phạm đạo đức, pháp luật của người làm báo được ngăn chặn, cao hơn là xử lý. Đương nhiên, việc thành lập Hội đồng nhằm đảm bảo và bênh vực quyền hành nghề hợp pháp và chính đáng của hội viên, phóng viên, sau đó là sàng lọc từ chính đội ngũ những thành phần thoái hóa, biến chất làm tổn hại đến uy tín, nghề nghiệp.
Triển khai việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng là dịp tốt để các cấp hội rà soát đội ngũ. Cương quyết đưa ra khỏi hội những người thiếu các điều kiện và mời tham gia những viên chức báo chí tích cực để góp cho Hội Nhà báo ngày càng vững mạnh.
Trong hoạt động báo chí hiện nay, cần thiết có kinh tế báo chí. Các cơ quan báo chí cần có nguồn thu để duy trì và phát triển, đó là một thực tế. Để hoạt động báo chí trong sạch, liêm chính, các tổ chức thuộc Hội Nhà báo cần tham mưu với tòa soạn tách bạch giữa bộ phận quảng cáo, huy động tài trợ... với chuyên môn nghề nghệp. Cử phóng viên đi cơ sở, thường trú cơ sở là những hội viên tốt, yêu cầu bắt buộc tham gia sinh hoạt tại tổ chức Hội nhà báo địa phương theo quy định của Điều lệ hội và không làm kinh tế báo chí. Các tòa soạn, đơn vị liên doanh, liên kết, hợp tác trên cơ sở của các quy định, không coi việc hợp tác là điều kiện của tuyên truyền một chiều.
Hội Nhà báo và từng cơ quan báo chí quan tâm quản lý, giáo dục, nghiêm khắc trong xử lý vi phạm, chắc chắn hình ảnh báo chí Việt Nam dù trong thời đại bùng nổ thông tin cũng sẽ sáng ngời như truyền thống vốn có.
Phan Hữu Minh
Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam