Gặp nhau thường xuyên, cũng có thể nói là thân, thấu hiểu nhau, nhưng lần này nhận được lời mời của anh ra mắt sách ảnh "Lãng du cùng Phạm Công Thắng" mà tôi cứ rưng rưng mừng.
Cả đời theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh, nhiều tác phẩm nghệ thuật lừng danh, với hàng trăm giải thưởng trong nước và quốc tế..., song để có được sách ảnh như album tổng kết lại cuộc đời và sự nghiệp của mình, thì không phải nghệ sỹ nào cũng thực hiện được. Ấy thế mà NSNA Phạm Công Thắng làm được, thật mừng cho anh.
Lãng tử, tài hoa, say nghề là những từ ngắn nhất của đồng nghiệp khi nói về NSNA Phạm Công Thắng.
Một số bức ảnh của NSNA Phạm Công Thắng
Tôi từng dự 2 triển lãm ảnh để đời của NSNA Phạm Công Thắng, những bức ảnh của anh, dù đã xem nhiều lần nhưng mỗi lần “ngước nhìn” lại mang cảm xúc mới lạ, thấm thía, bởi sự đa dạng, đa chiều và đa tình trong từng góc chụp, tia sáng... Những đề tựa từng bức ảnh cũng được tác giả cẩn trọng trong từng câu chữ, tình tứ gợi mở và nâng tầm tác phẩm. Bất cứ bức ảnh nào của anh thoạt nhìn giản dị, mộc mạc đồng quê nhưng ngắm kỹ mới thấy khắc hoạ sâu sắc, mang dấu ấn thời gian, thời phận và thời đại. Mỗi bức ảnh là lát cắt của đời sống hiện thực đang chuyển động, mang lại cảm xúc cho người xem, tự nhiên và khoáng đạt như chính tính cách của tác giả.
Chỉ cách đây nửa thế kỷ, việc sở hữu chiếc máy ảnh là điều xa xỉ, chỉ dành cho giới thượng lưu. Ngay việc có được bức ảnh trong đời đã là sự may mắn.
Nghệ thuật nhiếp ảnh chưa bao giờ là dễ, dù ngày nay ai cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia và những nghệ danh đi kèm.
Một thời bố tôi từng là thợ chụp ảnh, vì thế khi mới 4-5 tuổi tôi đã tiếp xúc với máy ảnh, làm quan sát viên với tất cả công đoạn từ lắp phim, chụp, lẽo đẽo theo ông cụ tạo dáng và đạo cụ cho khách, vẽ phông ảnh, tới việc bám đít ông chui vào phòng tráng phim, rửa ảnh, rồi công đoạn tô màu ảnh. (Hồi ấy chỉ có ảnh đen trắng, dùng bút lông tô vẽ màu, thế là thành ảnh màu).
Lúc 5-6 tuổi tôi đã lôi chiếc cái máy ảnh zennith cũ ra phá tan tành, khiến cụ nổi giận nhưng không đòn roi vì ông lầm tưởng về tôi như một thần đồng chế tạo máy móc trong tương lai như kiểu Dnielo Barbaro ở thế kỷ XVI đã chế ra máy ảnh. Kết quả là cái máy đắt tiền ngày ấy trở thành đồ chơi yêu thích của tôi. Tôi hay cùng lũ trẻ dùng những đoạn phim hỏng để làm những chiếc xe đua bọ xít thần thánh. Nghĩa là, lấy một cái phim gấp hai thành phim đục lỗ thành hình bao diêm, dùng bìa cứng làm bánh xe, bắt con bọ xít vặt hết chân rồi dính nhựa đường bụng nó gắn với xe, lũ trẻ kẻ vạch làm đường đua cho những chiếc xe bọ xít đỉnh cao, đây chính là ý tưởng cho các phát minh ra dòng lamboghini về sau.
NSNA Phạm Công Thắng (bên trái ảnh) và tác giả
Ấn tượng nhất là phòng rửa phim, tối đen. Để có thể nhìn rõ hơn trong phòng tối, trên miệng bố tôi lúc nào cũng cắm điếu thuốc lá phì phèo, khi tráng ảnh cần xem độ non già của ảnh, ông lại rít thuốc để tàn đỏ rực lên ánh sáng đỏ lòm ma mị. Mùi nước rửa ảnh thì nồng nặc hoá chất, thum thủm và ngột ngạt vô cùng... Tôi thường chỉ chui được vào một lúc là đòi ra ngay vì... ngộp thở!
Với công nghệ hiện đại giờ đây, đã đưa nghệ thuật nhiếp ảnh tới gần công chúng hơn. Nhà nhà chụp ảnh, người người chụp ảnh... Nhiếp ảnh gia trở nên đông đảo và dễ dàng, nhưng ngược lại trở thành nghệ sỹ nhiếp ảnh thì không nhiều.
Công nghệ tân thời đã hỗ trợ tối đa cho con người, với những tiện ích và khả năng quảng bá... song cũng chính nó sàng lọc và khắt khe hơn khi tạo ra một tài năng nhiếp ảnh nghệ thuật.
Dựa dẫm và quá phụ thuộc vào công nghệ, muốn ăn xổi, nổi nhanh... thì không bao giờ chạm vào nghệ thuật. Tác phẩm nói lên tất cả, phơi bày tài năng, và mọi sự PR sẽ trở nên thô kệch nếu tác phẩm đó không có chỗ đứng trong lòng công chúng.
Lớp thế hệ như nghệ sỹ Phạm Công Thắng cũng đã thưa dần, và ít người theo đuổi bởi sự cần lao, miệt mài lao động, cũng như sự thẩm thấu của người xem ảnh cũng vơi dần bởi sự màu mè, ưa bóng bẩy, nặng hình thức... đang lên ngôi!
Bản thân tôi dù tiếp xúc nhiếp ảnh rất sớm nhưng lại thờ ơ và vô duyên đến lạ. Đến như bố tôi, một thời đam mê là thế mà kết quả đúng nghĩa chỉ là một thợ chụp ảnh kiếm rau cháo qua ngày...
Nghệ thuật nhiếp ảnh chưa bao giờ là đơn giản, phải có năng khiếu, phải có duyên, có nghiệp, và cả có... tiền mới theo được. Hơn thế, mỗi tác phẩm phải mang hơi thở của cuộc sống vốn mộc mạc và đơn giản, tĩnh mà động...
Với lẽ đó, xin dành sự trân quý ngưỡng mộ nói chung cho thế NSNA hào hoa, đa tình Phạm Công Thắng nói riêng những câu này:
"Có chàng nghệ sỹ Phạm Công
Thắng, Hoa Thanh quế nỗi lòng đầy vơi
Dọc ngang khắp bốn phương trời
Hồn theo mây gió một đời lãng du”...
Đỗ Xuân Hồng
Buổi ra mắt sách ảnh "Lãng du cùng Phạm Công Thắng" diễn ra vào 9h ngày 3/8/2017 tại Phòng triển lãm 45 Tràng tiền, Hà Nội. NSNA Phạm Công Thắng cũng sẽ có buổi giao lưu với khán giả vào 18h ngày 2/8 trên VTV2
|