Hình ảnh chỉ có tính minh họa
Khi nhà cao tầng dược xây lắp nhiều hơn, vấn đề an toàn lao động càng phải được quan tâm, công tác kiểm tra, giám sát phải chặt hơn. Tuy nhiên không phải lúc nào và ở đâu vấn đề này cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình.
Khu nhà cao tầng thuộc dự án Vincom ở vị trí trung tâm thành phố Thanh Hóa mỗi ngày có nhiều người qua lại, nhiều người đứng nhìn, không hẳn bởi tòa nhà hiện đại, mà còn bởi tác phong chuyên nghiệp của đơn vị thi công. Tại đây khu đất thực hiện dự án được che chắn tách biệt hẳn với bên ngoài, có lưới bảo vệ, tòa nhà vươn cao đến đâu lưới che chắn đến đó vừa đảm bảo an toàn cho công nhân thi công vừa đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, ở thành phố Thanh Hóa việc thi công như thế không nhiều. Thời gian qua nhiều tòa nhà cao tầng ra đời, nhiều tòa nhà đang thi công, nhưng việc chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ thường bị đơn vị thi công xem nhẹ.
Những tòa nhà này thường năm ở khu thương mại, khu dân cư đông đúc nên việc kinh doanh và tham giao thông của người dân rất lớn. Đã không ít người bất bình vì tạp chất từ việc thi công nhà cao tầng cản trở sinh hoạt hàng ngày của họ từ bữa ăn sáng, ly cà phê trên phố, bụi bẩn đồ đạc đến lo sợ phương tiện giao thông bị hư hỏng do vật liệu va đập khi đậu đỗ ở những không gian chung.
Có những hộ gia đình lên tiếng về sự vi phạm nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn phớt lờ, để lại rất nhiều suy nghĩ, trong đó có cả suy nghĩ về việc liệu có sự “chống lưng” nào đó từ cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn lao động và phòng chống chảy nổ cũng như quản lý đô thị.
Thông tư số 04/2017/TT-BXD, ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng đã quy định chi tiết về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng. Trước đó Thông tư số 22/2010/TT-BXD cũng quy định rõ những yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn trong thi công.
Ở mỗi công trường đều có những khẩu hiệu với nội dung “Tính mạng con người là trên hết” hay “Chấp hành nghiêm túc vệ sinh an toàn lao động và phòng chống chảy nổ”... Khẩu hiệu là vậy, nhưng dường như nó được viết lên vì sự bắt buộc, còn thực hiện như thế nào lại tùy ý. Đơn vị thi công vì tiết kiệm vật tư, trang thiết bị mà tính toán để bỏ qua, người lao động vì không nhận thức hết mức độ nguy hiểm, vì áp lực mưu sinh nên dễ dàng chấp nhận.
An toàn lao động rõ ràng không chỉ là sự hô hào theo kiểu khẩu hiệu mà phải thấm sâu vào nhận thức để điều chỉnh hành vi của người có trách nhiệm mới là điều cần.
Bên cạnh quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn lao động dường như vẫn còn một thứ lệ, và nó dễ dàng được chấp nhận.
Anh Vũ