Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Một sự thiếu hụt kiến thức hay sự dễ dãi đáng trách? (26/08/2017-18:18)
    (NLBTH0 - Viết để đọc, nhưng viết như thế nào lại là cả một sự nhận thức. Nói ngọng có thể do yếu tố địa phương, nhưng viết sai, nếu không phải cố tình, thì chỉ có thể bởi một điều, đó là sự thiếu hụt về kiến thức. Và rất lấy làm tiếc khi đang có nhiều người Việt thể hiện sự thiếu hụt đó.

Gần đây trong chương trình truyền hình trực tiếp trận bóng đá có sự tham gia của Đội bóng đá Thanh Hóa, khi máy quay hướng lên khán đài của cổ động viên Thanh Hóa, một ấn tượng rõ nét, đó là rực một màu vàng. Thế nhưng còn có một điều ấn tượng hơn, đó là băng rôn mà cổ động viên Bóng đá Thanh Hóa đem theo có dòng chữ: “Cơn lốc vàng Thanh Hóa”. 

Nhìn qua thì thấy đó là một điều bình thường, những người yêu bóng đá đang muốn hình tượng hóa sức mạnh của đội bóng áo vàng trên sân cỏ cũng như những cổ động viên áo vàng trên khán đài. Tuy nhiên, điều đáng nói là trên băng rôn này đã viết hoa 3 chữ: “Cơn Lốc Vàng”, nhưng địa danh gắn với “cơn lốc vàng”, sản sinh ra những người đang tạo nên cái được gọi là “cơn lốc vàng” ấy lại chỉ được viết thường là: “thanh hóa”.

Trong môn học chính tả ở bậc tiểu học danh từ riêng đã được quy định bắt buộc phải viết hoa, nhưng người viết, người sử dụng băng rôn dường như đã quên mất điều này.

 Chuyện tùy tiện trong cách viết bây giờ đã phổ biến thành căn bệnh. Nhiều băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu, biển quảng cáo, biển hiệu trên đường phố, thậm chí ngay cả trong một số văn bản của cơ quan Nhà nước hay bắn chữ trên truyền hình, việc tùy tiện viết hoa cũng khá phổ biến. Hoặc là tất cả những chữ đều được viết hoa hoặc hứng lên với từ nào, thì người ta viết hoa từ đó, và nó cũng dễ dàng được người đọc, người xem chấp nhận.

Còn có hình ảnh khá hài hước, trong bảng nội quy ở một công viên có viết tên cơ quan ban hành pháp lệnh gắn liền với quy định tại công viên này, nhưng lại bị viết thường như một danh từ chung, trong khi đó tại một điều quy định cấm chó, mèo thả rông trong công viên, thì lại được viết hoa thành: “Chó, Mèo” như một sự trang trọng dành riêng cho loài vật này. Nơi này có nhiều người qua lại, nhưng không hiểu vì lý do gì nó vẫn vô tư tồn tại. Người ta không phát hiện ra cái sai, hay mặc nhiên chấp nhận nó như một phần tất yếu trong đời sống có nhiều gấp gáp hiện nay.

 Bản sắc văn hóa dân tộc bên cạnh trang phục, phong tục, tập quán, văn học - nghệ thuật... còn là giọng nói, chữ viết, và đó chính là sự tự hào của mỗi đất nước, mỗi dân tộc trong tiến trình hội nhập. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, còn là phương tiện để phát triển kinh tế, thắt chặt ngoại giao. Có điều đáng tiếc là cách sử dụng ngôn ngữ viết của khá nhiều người đang trở nên quá dễ dãi.

 Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Cần từ bỏ tư duy “đất cấm” và “trời riêng” (25/08/2017-9:02)
  • Lòng tự trọng và sự kính trọng (21/08/2017-16:28)
  • Cần phải căng sức, gồng mình (18/08/2017-8:10)
  • Điểm mờ của văn hóa báo chí (16/08/2017-7:56)
  • An toàn lao động không chỉ là khẩu hiệu (14/08/2017-22:00)
  • Đi nhanh, và đi xa... (14/08/2017-9:06)
  • Giữ “vàng” đúng cách (11/08/2017-7:17)
  • Lòng tin đang bị đánh cắp... (08/08/2017-8:05)
  • Tháo “nút thắt” cho kinh tế tư nhân (07/08/2017-7:47)
  • Mạng xã hội và thông tin hữu ích (02/08/2017-7:36)