Bài 1: Đê điều – hành lang an toàn cần được bảo vệ
Đê tả sông Chu qua xã Thọ Trường (Thọ Xuân) được đầu tư xây dựng kiên cố.
Ảnh: Linh Trường
Trên địa bàn tỉnh có 30 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài gần 1.900 km, trong đó có 21 tuyến có thể đưa vào khai thác phục vụ giao thông vận tải thủy với chiều dài khoảng 1.170 km. Tuy nhiên, vấn đề khai thác cát ở một số tuyến sông thiếu quy hoạch, khai thác trái phép đã làm sạt lở, hư hỏng các con đê hàng chục tỷ đồng. Nhiều nơi, các đối tượng “cát tặc” còn lộng hành, thách thức các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa bị xử lý. Gần đây, nhiều tai, tệ nạn như bài bạc, buôn lậu... đã tràn xuống các dòng sông, trở thành vấn đề nhức nhối.
Từ xa xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng công việc đắp đê trị thủy, điều tiết nước sản xuất. Ngoài đấu tranh chống ngoại xâm, lịch sử phát triển của dân tộc luôn gắn liền với quá trình chống thiên tai để bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó có việc kiên cố đê sông, đào đắp các tuyến sông mới. Tại Thanh Hóa, sông Nhà Lê (còn gọi là kênh Nhà Lê) được nhà Tiền Lê cho đào để phát triển hệ thống giao thông đường thủy và điều tiết nước tưới phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt của nhân dân mà đến tận hôm nay vẫn còn phát huy tác dụng... Ngay từ khi giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một trong những việc đầu tiên được Bác Hồ triển khai là ra Sắc lệnh số 70/SL ngày 22–5-1946, thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê để chỉ đạo công tác hộ đê, kiên cố hóa đê điều nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, việc phòng ngừa lụt, bão là tối quan trọng, nơi nào thực hiện tốt việc phòng ngừa, có phương án phòng chống lụt, bão chu đáo thì đến khi có lụt, bão xảy ra đều có khả năng ứng phó kịp thời. Theo đó, việc khắc phục hậu quả bão lụt sẽ được nhanh, sớm ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất.
Các sông ở Thanh Hóa đều bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc và Tây Bắc, lòng sông hẹp, độ dốc lớn, chảy quanh co, uốn khúc nên khả năng sạt lở, vỡ đê cao hơn nhiều địa phương khác. Thống kê từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương có tổng chiều dài đê lớn nhất cả nước với 1.008 km, đang góp phần bảo vệ cho 17 huyện, thị xã, thành phố với 450 xã, trong đó có 296 xã có đê đi qua. Dân số được bảo vệ bởi các con đê khoảng 2,8 triệu người, bằng 2/3 dân số cả tỉnh. Những vùng được bảo vệ bởi hệ thống đê lớn trong tỉnh lại chính là những trọng điểm trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh và các địa phương.
Xác định được tầm quan trọng của việc bảo vệ đê điều, những năm gần đây, tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đã không ngừng nỗ lực để kiên cố các con đê. Thống kê từ năm 2007 đến nay, trên các tuyến đê sông lớn (từ cấp III đến cấp I) của tỉnh đã có 105,6 km đê được tu bổ, nâng cấp; làm mới 42,5 km kè, 115 cống dưới đê (cả đê sông, đê biển). Về tu bổ, nâng cấp hệ thống đê, kè biển theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14–3-2006 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã thi công hoàn thành 70,2 km/94 km đê, kè biển, cửa sông; hiện đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp 23,8 km đê, kè còn lại. Các trọng điểm xung yếu về đê, kè, cống trên đê dần được khắc khục đã góp phần phục vụ tốt hơn công tác phòng chống lụt bão. Việc tu bổ nâng cấp các tuyến đê cũng góp phần để các địa phương và người dân ven sông kết hợp phát triển giao thông, cải thiện cảnh quan môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tuyến đê được đầu tư khang trang như đê tả sông Chu đoạn qua huyện Thọ Xuân và đoạn từ cầu Vạn Hà đi xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa)... trở thành tuyến giao thông thuận lợi cho người dân trong vùng, góp phần bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp, sự an toàn cho hàng chục nghìn hộ dân an cư.
Ngoài những thành quả đáng ghi nhận trong công tác kiên cố hóa và bảo vệ đê điều, hiện trạng đê trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn đáng lo ngại. Khá nhiều đoạn đê kè yếu, cần được tu bổ, nâng cấp để bảo đảm yêu cầu phòng chống lụt bão và an toàn cho nhân dân. Nhiều đoạn đê được đắp trên nền đất yếu sình lầy, thân đê được đắp bằng nhiều loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu, nhiều đoạn đê cao trên 5m, nên khi có mưa lũ dễ xảy ra sạt trượt... Đối với hệ thống đê sông con của tỉnh, mới có một số tuyến đê được tu bổ trong những năm gần đây đạt tiêu chuẩn chống lũ như đê tả, hữu sông Bưởi; đê tả Cầu Chày; đê tả Thị Long; đê hữu sông Yên, tả sông Nhơm... Hàng chục đoạn đê còn lại chưa đủ cao trình chống lũ, không có chiều cao gia tăng an toàn hoặc có chiều cao gia tăng thấp hơn 0,3 m; mặt đê nhỏ, mái dốc, nhiều đoạn đê sát sông nhưng chưa được kè, mái đê sạt lở nhiều, đặc biệt là các tuyến đê sông Hoạt, sông Hoàng, hữu sông Nhơm, sông Lạch Bạng... Những khu vực sông nhỏ chưa được an toàn này, khi có mưa từ 300 mm trở lên trong một thời gian ngắn từ 1- 2 ngày, đều có nguy cơ bị tràn.
Qua đó thấy rằng, công tác bảo vệ, kiên cố hóa đê điều của Thanh Hóa trong thời gian tới vẫn còn là việc làm rất quan trọng, phải chú trọng triển khai thường xuyên, liên tục. Mọi hoạt động xâm hại, gây hư hỏng đê điều như hút cát trái phép, vận chuyển cát trên đê... đều phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.
Bài 2: Tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm và những tai, tệ nạn trên sông
Tàu không đăng ký, đăng kiểm, không biển kiểm soát hoạt động trên sông Mã,
đoạn qua xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa). Ảnh: Xuân Cường
Tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), những tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều tuyến sông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa kiểm soát hết tình hình; phương tiện tàu thuyền chưa đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động còn nhiều...?
Dọc theo tuyến sông Mã, sông Chu qua địa bàn TP Thanh Hóa, các huyện: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân; sông Lèn qua địa bàn các huyện: Hậu Lộc, Hà Trung... có hàng trăm tàu thuyền, chủ yếu là vỏ sắt, công suất nhỏ và đa phần trong số đó hoạt động khai thác, vận chuyển cát nhưng không đăng ký, đăng kiểm và không có biển kiểm soát. Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 15–1–2016 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải (GT-VT) phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 12, UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, đo đạc, xác định các thông số kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa trên địa bàn. Tuy nhiên, đến hết tháng 8 – 2016, mới xác định được thông số của 539 phương tiện; trong khi đó, theo dự kiến số phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa đăng ký, đăng kiểm khoảng 800 phương tiện? Sở GT-VT đã phân nhóm phương tiện dựa theo kích thước như chiều dài, chiều rộng, chiều cao mạn, tổng công suất máy chính... báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Cục Đăng kiểm Việt Nam để tiến hành đăng ký, đăng kiểm. Mặt khác, Sở GT-VT tạo điều kiện thuận lợi để các đăng kiểm viên đến từng địa phương thực hiện công tác kiểm định cho các phương tiện thủy nội địa hết hạn đăng kiểm. Ngoài ra, sở cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc kiểm tra cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ đào tạo, sát hạch của các cơ sở đào tạo để thực hiện đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, đến hết tháng 2–2014, đã đào tạo thuyền trưởng hạng 3 cho 219 người, bằng thuyền trưởng hạng 3 hạn chế cho 19 người, chứng chỉ chuyên môn 627 người, giấy chứng nhận đã học giao thông đường thủy nội địa cho 124 người. Tuy nhiên, từ tháng 3 – 2014 đến nay, do nhu cầu đăng ký học của nhân dân trong tỉnh không nhiều nên các cơ sở đào tạo không tổ chức được lớp nào?
Đồng chí Lê Văn Lương, Phó Chánh thanh tra Sở GT-VT, cho biết: thực hiện chỉ đạo của Sở GT-VT, thanh tra sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về công tác đăng ký, đăng kiểm nhằm quản lý có hiệu quả các phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, phối hợp với Phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các phương tiện thủy chưa đăng ký, đăng kiểm.
Đi đôi với việc quản lý phương tiện, xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT, an ninh trật tự đường thủy nội địa là nhiệm vụ trọng tâm, các lực lượng chức năng, nòng cốt là Phòng Cảnh sát Đường thủy, Thanh tra Sở GT-VT tập trung tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đường thủy nội địa đến với người dân, nhất là những người làm nghề sông nước. Đồng thời, gắn việc triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” với xây dựng, nhân rộng mô hình tự quản về ATGT trên các tuyến đường thủy nội địa. Thông qua đó nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân, góp phần bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, tai, tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, các tai, tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc, khai thác cát trái phép có chiều hướng hoạt động mạnh trên các tuyến sông. 9 tháng đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát Đường thủy đã phát hiện, xử lý 7 vụ khai thác cát trái phép, 4 vụ vi phạm pháp luật khác... Các vụ điển hình, như: ngày 5-5-2016, phòng đã bắt, xử lý vụ: tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề; 2 đối tượng Lê Văn Cường, sinh năm 1990 và Mai Văn Toản, sinh năm 1980, đều ở xã Nga An, huyện Nga Sơn; vật chứng thu được 12,880 triệu đồng, 15 bảng lô đề thể hiện số tiền 762,424 triệu đồng... Ngày 16-8-2016, tại xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, phòng kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 30S-4191 do ông Nguyễn Văn Minh điều khiển chở 87 khúc gỗ chưa rõ nguồn gốc xuất xứ; qua kiểm tra, đối tượng không xuất trình được giấy tờ pháp lý có liên quan đến số gỗ, phòng đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 2 xử lý theo quy định.
Phòng Cảnh sát Đường thủy cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh; công an các huyện, thị xã, thành phố để nắm chắc tình hình ATGT, an ninh trật tự đường thủy nội địa. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn. Huy động lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động của các bến đò ngang. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, như chở quá số người theo quy định, không trang bị dụng cụ nổi cứu sinh khi đi đò, phương tiện không bảo đảm an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện theo quy định; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, chưa đăng ký, đăng kiểm... Thực tế hoạt động lĩnh vực đường thủy nội địa cho thấy, các tai, tệ nạn, nhất là khai thác cát trái phép vẫn xảy ra nhiều và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Phương tiện đường thủy chưa đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện chưa có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn nhưng vẫn điều khiển phương tiện vẫn còn nhiều. Các phương tiện chở khách ngang sông thiếu trang thiết bị an toàn, chở quá số người theo quy định... Trong khi đó quản lý Nhà nước lĩnh vực này vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thiếu đồng bộ. Việc bàn giao các mỏ cát cho chủ mỏ thông qua đấu thầu nhưng không thực hiện cắm mốc trên bờ, dưới sông không có phao tiêu. Nơi tạm giữ phương tiện thủy chưa có dẫn đến khó khăn cho việc xử lý phương tiện thủy vi phạm. Lực lượng cảnh sát đường thủy chưa được đầu tư phương tiện để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ven biển...
Bài 3: Nhức nhối việc khai thác cát
Nhộn nhịp tàu khai thác cát trên sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hóa.
Ảnh: Linh Trường
Từ nhiều năm qua, tình hình khai thác cát trái phép tại các dòng sông trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp. Hậu quả là hàng chục tuyến đê lớn nhỏ bị hư hỏng, những bãi bồi ven sông tan hoang bởi hoạt động hút và vận chuyển cát.
Những ngày trung tuần tháng 10, phóng viên Báo Thanh Hóa đã phối hợp với Phòng PX 15 (Công an tỉnh) tiến hành thâm nhập thực tế dọc các tuyến sông Chu, sông Mã, sông Bưởi, sông Lèn và nhiều sông nhỏ khác trên địa bàn tỉnh. Việc khai thác cát diễn ra cả ngày lẫn đêm. Chưa kể hoạt động khai thác lén lút, ngay cả những đoạn đã được quy hoạch mỏ và cấp phép khai thác, đa phần các chủ mỏ thường để dành, cho các tàu vươn vòi hút ở các khu vực lân cận mỏ, thậm chí rình rập để cắm vòi hút vào sát chân đê, bãi bồi – nếu ở đó có nhiều cát. Chính quyền nhiều xã có sông chảy qua thì bàn quan coi như không phải việc của mình, còn lực lượng chức năng thì không đủ lực lượng, phương tiện để rải khắp nơi.
Tại các huyện Vĩnh Lộc và Yên Định, công an huyện của hai địa phương này đã tích cực phối hợp, điều các xuồng cao tốc tuần tra trên sông Bưởi và sông Mã cùng chúng tôi. Xuôi dòng sông Bưởi, rồi ngược sông Mã gần chục cây số qua địa bàn huyện Vĩnh Lộc và Yên Định, chúng tôi bắt gặp khoảng 30 – 40 tàu vỏ xi măng cốt thép không đăng ký, đăng kiểm, được trang bị máy móc và hệ thống vòi hút cát dàn khắp các mặt sông. Hàng chục tàu khác thường nằm “nghi binh” ven sông, chỉ chờ tình hình tạm lắng hoặc vắng bóng lực lượng chức năng là sẵn sàng vươn vòi “rút ruột” các lòng sông bất cứ khi nào. Thiếu tá Đinh Trọng Hiền, Phó Trưởng Công an huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Quá trình đấu tranh ngăn chặn các đối tượng hút cát trái phép gặp rất nhiều khó khăn bởi họ thường hút trong đêm, giữa trưa hoặc lợi dụng những thời điểm lực lượng chức năng thường không có mặt như trời mưa... Hơn nữa, các tàu thường khai thác trên địa bàn giáp ranh giữa Vĩnh Lộc và Yên Định nên khi có “động tĩnh”, các đối tượng thường chạy sang phía sông huyện Yên Định nên công an huyện Vĩnh Lộc cũng không xử lý được nếu không có sự phối hợp. Để bắt giữ được các tàu hút cát trái phép này, rạng sáng ngày 4–10, công an hai huyện Vĩnh Lộc và Yên Định đã phối hợp, triển khai hơn 20 chiến sĩ thuộc các đội công an kinh tế và công an môi trường, tiến hành mật phục trên tuyến sông Mã giáp ranh hai huyện, bắt giữ 4 tàu hút cát trái phép giữa sông Mã đoạn ngang hai xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) và Yên Thái (Yên Định).
Gần đây nhất, nạn khai thác cát trái phép trên sông Mã đoạn qua các xã Hoằng Hợp, Hoằng Giang và Hoằng Khánh (Hoằng Hóa) đang làm sạt lở nhiều bãi bồi đất sản xuất nông nghiệp. Ông Đặng Hoàng Dũng, bí thư chi bộ đội 7, thôn Hữu Khánh (xã Hoằng Khánh) cho biết: Hoạt động khai thác cát trái phép đã diễn ra ở đây từ rất lâu, gây bức xúc cho chính quyền và nhân dân địa phương. Các đối tượng phần lớn là từ nơi khác đến, lợi dụng đêm tối, cắm sát vòi vào gần bờ đê để hút, gây sạt lở nhiều đoạn. Nhiều đêm, tiếng ồn của hàng chục máy nổ kêu vang trời, nhiều hộ dân sinh sống gần sông không thể ngủ yên. Quá bức xúc trước hoạt động vi phạm pháp luật kéo dài này, vừa qua, UBND xã Hoằng Khánh đã triển khai lực lượng gồm cán bộ xã và thôn, công an xã, nhiều dân quân địa phương đi đẩy đuổi và truy bắt tàu hút cát trái phép trong đêm. Khi đến mép sông, các đối tượng khai thác cát trái phép đã dùng đèn pha công suất lớn soi thẳng vào mặt, đe dọa sẽ “xử lý” những người nào “dám” bắt tàu.
Cũng trong quá trình thâm nhập tìm hiểu dọc 2 tuyến sông này, chúng tôi ghi nhận nhiều điểm sạt bãi bồi không hề nhỏ, mất nhiều ha đất canh tác nông nghiệp của nông dân hai bên sông mỗi năm. Nhiều phần bãi bồi trồng mía của nông dân xã Yên Thái đã và đang đổ sụp xuống sông do hút cát, có đoạn điểm sạt cao tới 3 – 4 m. Trên khắp các bãi bồi, triền đê sông Bưởi qua các xã Vĩnh Khang, Vĩnh Hòa đều xuất hiện nhiều điểm sạt, tiến gần vào thân đê... Đó cũng là tình trạng chung ở hầu khắp các triền đê trên địa bàn tỉnh chứ không riêng những đoạn qua Vĩnh Lộc và Yên Định. Nông dân nhiều nơi như xã Hoằng Lý (TP Thanh Hóa), Hoằng Khánh (Hoằng Hóa), Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa)... vẫn bất lực nhìn hoa màu, đất canh tác của mình đổ sụp theo dòng nước. Việc khai thác cát quá mức (kể cả các mỏ được cấp phép), thiếu tầm nhìn lâu dài sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng này. Theo một số tài liệu, hiện nguồn tài nguyên cát sông của Thanh Hóa đã bị khai thác khoảng 1/2 trữ lượng, trong khi các đập thủy điện trên thượng nguồn đã chặn phần lớn lượng phù sa hàng năm so với trước đây. Cứ đà khai thác này, chỉ ít năm nữa, nguồn tài nguyên qua hàng triệu năm mới tái tạo này sẽ không còn nữa, các thế hệ sau sẽ không còn nguồn cát cho xây dựng, kiến thiết phát triển. Trong công trình nghiên cứu “Tác động của hồ chứa đối với sạt lở bờ sông, biển tỉnh Thanh Hóa” của PGS, TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), có nêu: Mỗi năm, lượng phù sa về đồng bằng Thanh Hóa khoảng 1,8 triệu tấn, hiện đã bị các hồ thủy điện chặn lại gần một nửa. Theo đó, lượng cát về ít đi trong khi hoạt động hút cát quá mức khiến sông ngày càng sâu thêm, dễ gây sạt lở bờ sông...
Bên cạnh khai thác, hoạt động vận chuyển cát bằng xe ô tô tải cũng làm hư hại nhiều tuyến đê. Đáng nói nhất là nhiều chủ mỏ cát trên sông Chu thuộc các huyện Thọ Xuân và Thiệu Hóa hiện đang dùng chính đê tả dòng sông này làm đường vận chuyển cát. Trên tuyến đường liên xã từ đê sông Chu thuộc xã Hạnh Phúc qua xã Xuân Thành, thị trấn Thọ Xuân để về các huyện phía Nam của tỉnh, chỉ trong vòng nửa giờ giữa trưa, chúng tôi ghi nhận hàng chục lượt xe ô tô tải lớn nhỏ qua lại. Phần lớn các xe loại 7,5 tấn nhưng đều chở cát ướt đầy vun qua thành thùng, với tổng trọng lượng chừng 15 – 17 tấn. Đê hữu sông Chu từ huyện Thọ Xuân đi về phía huyện Thiệu Hóa cũng xuất hiện hàng trăm ổ voi và những hố sâu trên mặt đê liên tiếp xuất hiện. Trên đoạn đê qua xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa), xuất hiện nhiều “ao”, hố sâu cả nửa mét trên mặt đê. Những đoạn đê tan hoang với mặt bê tông vỡ vụn, tách rời nhau tạo thành “bẫy người” rộng chừng 20 – 30 cm.
Hoạt động khai thác và vận chuyển cát trái phép vẫn cứ “lộng hành” như thách thức pháp luật trong thời gian dài. Dư luận đặt câu hỏi, liệu các địa phương có sông, các ngành có liên quan, các lực lượng chức năng đã nỗ lực hết mình trong việc triển khai các giải pháp dẹp bỏ? Có hay không việc “tiếp tay”, làm ngơ, triển khai tuần tra ngăn chặn lấy lệ mang tính chất đối phó của các lực lượng chức năng và các địa phương khi có chỉ đạo hoặc khi dư luận lên tiếng quá nhiều?
Bài cuối: Trả lại bình yên cho các tuyến sông
Tàu thuyền hoạt động trên sông Lèn, đoạn qua huyện Hậu Lộc. Ảnh: Xuân Cường
Thời gian qua, các ngành, các địa phương, các đơn vị có liên quan, lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), lập lại trật tự trong hoạt động đường sông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở các tuyến sông trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều vi phạm, như khai thác cát trái phép, cờ bạc... Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp, lực lượng chức năng... trong công tác quản lý ở các tuyến sông trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình đi tìm hiểu để viết loạt bài những tuyến sông không bình yên, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều người dân, chính quyền một số xã nơi có các tuyến sông đi qua, cho thấy họ rất bức xúc với những vi phạm về khai thác cát trái phép làm sạt lở đất bãi sản xuất ven sông, nhà ở của nhân dân...; xe ô tô vận chuyển cát quá tải trọng làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông, hư hỏng đê. Hơn nữa, việc khai thác, bơm hút cát, vận chuyển cát làm ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, nhất là vào ban đêm... Các tai, tệ nạn xã hội, như cờ bạc xuất hiện ngày càng nhiều và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhưng hiện tại, các ngành, các cấp, lực lượng chức năng chưa có biện pháp phối hợp có hiệu quả để xử lý nghiêm những vi phạm này. Điển hình như: ngày 21-9-2016, xã Hoằng Lý (TP Thanh Hóa) đã bắt quả tang 2 phương tiện thủy khai thác cát trái phép trên sông Lạch Trường, thuộc địa bàn thôn 7. Trong đó có 1 phương tiện mới bị bắt giữ, xử lý ngày 12-9-2016 vì khai thác cát trái phép trên sông Lạch Trường. Tại thời điểm tạm giữ phương tiện, người dân địa phương đã tập trung khá đông vì bức xúc bởi tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa có giải pháp để giải quyết triệt để. Tiếp đó không lâu, ngày 23-9-2016, tại ngã ba sông Bưởi và sông Mã, Công an huyện Vĩnh Lộc và Công an xã Vĩnh Hòa đã phối hợp bắt giữ 6 phương tiện thủy đang hút cát trái phép trên lưu vực sông Bưởi. Qua kiểm tra, các phương tiện này đều không có đăng ký, đăng kiểm, chủ phương tiện không có giấy tờ; người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ theo quy định. Ngoài ra, nhiều bãi tập kết cát trái phép ở ven các tuyến sông ở nhiều địa phương đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý nghiêm minh. Rồi đến các vụ tai, tệ nạn xã hội nhất là cờ bạc xảy ra ngày càng nhiều gây bất bình trong nhân dân.
Ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Thời gian qua, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với các địa phương có tuyến sông, kênh đi qua lập kế hoạch để quản lý, khai thác cát phục vụ cho san lấp mặt bằng, xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức đấu thầu và hiện có 25 mỏ cát được cấp phép khai thác còn hiệu lực; 44 đơn vị thuê đất ven một số tuyến sông, kênh làm bãi tập kết cát. Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị được cấp phép khai thác mỏ cát nhưng vi phạm các quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, tập kết, kinh doanh cát trái phép.
Để khắc phục tình trạng khai thác và tập kết cát trái phép trên địa bàn, ngày 23–9–2016, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành Văn bản số 387 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn”. Theo đó, huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành, liên tục tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông. Ông Lê Anh Thắng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa, cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã phát hiện và xử phạt hàng chục trường hợp khai thác và tập kết cát trái phép với tổng số tiền phạt vi phạm 103 triệu đồng. Tại huyện Vĩnh Lộc, thực hiện chỉ đạo siết chặt hoạt động khai thác cát, sỏi trên các dòng sông qua địa bàn của Chủ tịch UBND huyện theo Quyết định 1247, từ ngày 20-9-2016 đến nay, công an huyện đã triển khai tuần tra, kiểm soát và đã phát hiện, bắt 9 vụ khai thác cát trái phép; xử phạt các đối tượng vi phạm hơn 170 triệu đồng. Tình hình khai thác cát trên sông Bưởi và sông Mã qua địa bàn huyện tạm thời lắng xuống.
Ngoài huyện Thiệu Hóa và huyện Vĩnh Lộc; được biết, thời gian qua, một số địa phương khác có tuyến sông, kênh đi qua, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp đấu tranh, xử phạt... để loại bỏ những vi phạm. Tuy nhiên, chưa có sự phối hợp thống nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao nên hiệu quả chưa cao.
Đại diện lãnh đạo một số ngành, địa phương, đơn vị có liên quan..., đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể cho việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Nếu quá thời gian theo lộ trình, phương tiện nào không thực hiện đăng ký, đăng kiểm; không bảo đảm an toàn kỹ thuật thì xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật và kiên quyết dừng hoạt động. Thông qua kết quả đăng ký, đăng kiểm, đưa vào quản lý phương tiện, lao động làm nghề trên các tàu thuyền chặt chẽ từ cơ sở. Các mỏ cát được cấp phép, việc bàn giao cho đơn vị, cá nhân trúng thầu khai thác phải có sự chứng kiến của các ngành có liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương, đơn vị có liên quan (Phòng Cảnh sát đường thủy, Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải...). Đồng thời, cắm mốc chỉ giới mỏ cát được phép khai thác ở trên bờ, lắp đặt phao tiêu dưới lòng sông để góp phần thực hiện có hiệu quả việc quản lý, xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương rà soát, kiểm tra hóa đơn (mua vào, bán ra) của các đơn vị hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát trên địa bàn; tránh tình trạng các đơn vị thuê đất làm bãi tập kết, kinh doanh nhưng mua cát không có nguồn gốc hợp pháp dẫn đến tiếp tay cho các đối tượng khai thác cát trái phép. Các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương, các lực lượng chức năng phối hợp có hiệu quả trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép, khai thác cát gây ô nhiễm môi trường, xe ô tô chở cát quá tải (kể cả lái xe, chủ mỏ và bãi tập kết bán cát cho xe quá tải).
Nhóm PV Kinh tế