Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Loạt bài Hang Con Moong - Di sản văn hóa vô giá của nhân loại (28/08/2017-8:49)
    Tác phẩm Đoạt Giải A Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2016

(Bài 1): Giá trị trường tồn di tích khảo cổ học thời tiền sử hang Con Moong

Cuối tháng 11/2016, “Lễ đón nhận di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận” sẽ diễn ra. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH-VH của tỉnh. Với ý nghĩa khoa học và giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn, hang Con Moong được đánh giá là Di sản văn hóa vô giá của nhân loại.

42 năm - Một chặng đường

Hang Con Moong (tiếng Mường nghĩa là con thú) thuộc địa phận bản Mọ xưa, nay là thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, độ cao tuyệt đối 147m so với mực nước biển nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, niên đại khoảng 240 triệu năm. Độ dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m, hang Con Moong nổi bật với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều bí ẩn ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Di chỉ hang Con Moong được phát hiện năm 1974 và tiến hành khai quật, nghiên cứu 4 lần. Lần đầu tiên vào năm 1976, với diện tích 24m2, giữ lại 8m2 làm điểm tham quan nghiên cứu. Kết quả đã xác nhận sự phát triển liên tục của các kỹ nghệ công cụ đá thuộc các giai đoạn của thời đại Đá Việt Nam, góp phần soi sáng biến diễn của cuộc sống con người ở giai đoạn bản lề từ thời đại Đá cũ sang đầu thời đại Đá mới; từ săn bắt hái lượm sang nông nghiệp sơ khai, từ hồng hoang tiến đến văn minh. Hang Con Moong được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng là Di tích quốc gia tại Quyết định số 34 ngày 3/8/2007.

Đến năm 2008 - 2009, di tích - di chỉ khảo cổ học hang Con Moong tiếp tục được UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở VH,TT&DL phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam triển khai thực hiện khai quật, nghiên cứu về di chỉ hang Con Moong và các di tích phụ cận nhằm nghiên cứu, xác định các tiêu chí để xây dựng hồ sơ Di sản Văn hóa thế giới.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: Kết quả nghiên cứu mới nhất, các nhà khảo cổ đã thấy được độ sâu của hang Con Moong dày 9,5m. Đây không phải độ sâu thuần túy về mặt cơ học mà là độ sâu có dấu vết của con người sinh sống, có dấu vết của văn hóa. Đây là một trong số di chỉ có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Các nhà khoa học Úc khi lấy mẫu ở tầng trung của hang Con Moong cho kết quả khoảng 4 vạn năm, tăng gấp 3 lần so với những kết quả khai quật, nghiên cứu trước đó. Đây được xem là một trong những hang có cuộc sống của con người cổ nhất ở khu vực Đông Nam Á, cho thấy quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử. Di chỉ hang Con Moong và địa tầng của nó là chìa khóa để tìm hiểu diễn trình phát triển lịch sử văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với hệ thống các di tích khu vực Cúc Phương và khu vực Đông Nam Á.

 Hang_CM_01.jpg
Hang Con Moong là một trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học có tầng địa dày và được
bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và Đông Nam Á. (Ảnh tư liệu Viện Khảo cổ học Việt Nam)
 

 Hang_CM_cua_1.jpg

Câu chuyện lý thú về sự phát triển của con người

Vào cuối năm 2014, sau 5 mùa điền dã của các nhà khoa học, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế và công bố kết quả nghiên cứu khai quật hang Con Moong và các di tích phụ cận.

Giá trị lịch sử văn hóa nổi bật hang Con Moong chính là sự tương thích của con người với môi trường trong suốt hàng vạn năm qua và những thành tựu vĩ đại mà họ đạt được trong thung lũng đá vôi Cúc Phương. Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong và địa tầng của nó là chìa khóa để tìm hiểu diễn trình lịch sử văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với hệ thống các di tích khu vực Cúc Phương và trong khu vực Đông Nam Á.

Trong quá trình khai quật, nghiên cứu về hang Con Moong, năm 2010 - 2013, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện, khảo sát, khai quật và nghiên cứu một số hang động xung quanh khu vực hang Con Moong. Các nhà khảo cổ học Việt - Nga đã đi đến thống nhất nhận định: Con Moong là di tích cổ xưa nhất, có mối quan hệ nhất định với các di tích xung quanh.

Với ý nghĩa khoa học, giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn, hang Con Moong và các di tích phụ cận được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367 ngày 31/12/2015. Tiếp đó, xét đề nghị của Bộ VH,TT&DL tại Công văn số 1750 ngày 17/5/2016 và của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 35 ngày 20/4/2016 về chủ trương lập quy hoạch  tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, tại Công văn số 4097 ngày 30/5/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì lập quy hoạch tổng thể di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong; giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án quy hoạch tổng thể di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa của hang Con Moong và các di tích phụ cận, cùng những nét nguyên vẹn, hoang sơ, kỳ bí của quần thể Vườn quốc gia Cúc Phương. Đây được xem là một trong những điều kiện thuận lợi để UNESCO xem xét, công nhận hang Con Moong trở thành Di sản Văn hóa thế giới. Cùng với đó, cuộc sống của cư dân bản địa (dân tộc Mường), với những nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, giao tiếp sẽ là một trong những “điểm nhấn” để thu hút khách du lịch đến với nơi đây.





(Bài 2): Những người thầm lặng đi tìm lịch sử

Trên hành trình đi tới Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận có sự đóng góp quan trọng của các nhà khoa học, văn hóa - những người thầm lặng, gắn bó suốt hàng chục năm trời. Thậm chí, có những người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về di sản này.

Như một định mệnh...

Chiều cuối tháng 10/2016, trời hanh hao nắng, cái se lạnh chớm đông càng làm cho Hà Nội đẹp và bình yên hơn. Tôi tìm đến gia đình PGS.TS Nguyễn Khắc Sử trong một con ngõ nhỏ ở phố Trần Hưng Đạo, người đã dành trọn cuộc đời cho công tác khảo cổ, cũng như gần nửa thế kỷ nghiên cứu, khai quật hang Con Moong ở Thanh Hóa. Tôi được ông chia sẻ câu chuyện thú vị của ông đối với cuộc hành trình đến với hang Con Moong.

Ông nhớ lại: Tháng 11/1974, Đặng Thịnh Miên và Lê Đức Giang (hai cán bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương) được nhân dân báo có một kho ốc trong hang. Hai anh đã đến tận nơi, thu lượm thêm một số mảnh đá có vết ghè, sau đó báo cho Viện Khảo cổ học Việt Nam. Lúc ấy, tôi vừa từ chiến trường Tây Nguyên (B3) ra Hà Nội được vài ngày thì Viện trưởng lúc ấy là anh Phạm Huy Thông cử đi xác minh di tích hang động khảo cổ ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Và ngày 20/1/1975 ấy không bao giờ quên đối với tôi. Bởi đây là hang động đầu tiên trong cuộc đời làm khảo cổ mà tôi được đến xác minh đầu tiên.

Như một định mệnh, hang Con Moong gắn liền với tôi bằng cái nghề khảo cổ suốt gần nửa thế kỷ. Năm 1976, chúng tôi khai quật lần thứ nhất. Trên cơ sở kết quả khai quật và các bài nghiên cứu đầu tiên, chúng tôi hoàn thiện bài báo quan trọng, Giáo sư Phạm Huy Thông (Viện trưởng Viện Khảo cổ học lúc bấy giờ - PV) trình bày tại Hội nghị Tiền sử Thế giới lần thứ 9 ở Nise (Pháp). Bài này được dịch sang Tiếng Anh, công bố trong Viễn cảnh Châu Á. Nhờ đó, hang Con Moong ở Thanh Hóa sớm được các nhà nghiên cứu tiền sử Thế giới biết đến.

Năm 1979, tôi sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh về đề tài Văn hóa Sơn Vi, lấy hang Con Moong làm tư liệu nòng cốt cho Luận án Tiến sĩ được bảo vệ năm 1984. Trở về nước, tôi có cơ may khảo sát hang Con Moong và các di tích phụ cận. Viện sĩ Phạm Huy Thông, PGS. Hoàng Xuân Chinh và tôi quyết định công bố về hang này. Bản thảo được xây dựng vào các năm cuối thập kỷ 80 chưa xong thì Viện sĩ Phạm Huy Thông qua đời. Nhưng sách vẫn được xuất bản vào năm 1990. Công trình khoa học này được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh cho Viện sĩ Phạm Huy Thông.

 PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (bên phải) nghiên cứu tư liệu khai quật hang Con Moong. (ảnh PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cung cấp)..JPG
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Thời đại đồ đá,
Viện Khảo cổ học Việt Nam (bên phải) nghiên cứu tư liệu khai quật hang Con Moong
(Ảnh: PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cung cấp)

Trong các năm 2007 - 2009, chúng tôi trở lại khảo sát hang Con Moong và các di tích phụ cận, tìm hiểu tiêu chí cho xây dựng Hồ sơ Di sản Văn hóa Thế giới theo Quyết định của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL). Một lần làm việc với Viện sĩ A.Derevianko, tôi giới thiệu hang Con Moong để đưa vào chương trình hợp tác Việt - Nga. Sau chuyến khảo sát nhiều di tích ở Việt Nam, đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Nga đồng ý chọn hang Con Moong và các di tích phụ cận làm điểm hợp tác khai quật, nghiên cứu.

Suốt trong chương trình hợp tác của đoàn khảo cổ học Việt - Nga, chúng tôi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt bà con nhân dân xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Họ đã dành cho đoàn rất nhiều tình cảm, nơi ăn, nghỉ chu đáo và cùng tham gia vào quá trình tìm hiểu, khai quật hang Con Moong và các di tích phụ cận.

Phát huy giá trị di tích: Góc nhìn từ các nhà khoa học

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị hang Con Moong, trước hết chúng ta phải hiểu được những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của hang Con Moong là gì? Giá trị lịch sử văn hóa nổi bật hang Con Moong chính là sự tương thích của con người với môi trường trong suốt hàng vạn năm qua và những thành tựu vĩ đại mà họ đạt được trong thung lũng đá vôi Cúc Phương. Kết quả khai quật hang Con Moong và các di tích phụ cận đã bổ sung tư liệu nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển văn hóa cộng đồng cư dân tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á. Hang Con Moong và các di tích phụ cận xứng đáng xây dựng Hồ sơ Di sản Văn hóa Thế giới.

Muốn thế, chúng ta cần xây dựng một lộ trình khảo sát, khai quật thêm các di tích xung quang hang Con Moong, gắn các di tích tiền sử hang động ở đây với đa dạng sinh học khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương và du lịch sinh thái dân tộc Mường Thanh Hóa.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam thì phát huy giá trị di sản không chỉ riêng các nhà quản lý mà phải kéo được cộng đồng đến để họ thấy được giá trị di sản và cần phải có trách nhiệm bảo vệ nhằm đem lại lợi ích cho họ. Di sản chỉ tồn tại khi cộng đồng muốn giữ. Hang Con Moong và các di tích phụ cận phải có kế hoạch cụ thể trong việc khoanh vùng, bảo tồn đồng thời có kế hoạch phát triển giá trị di tích. Chúng ta hoàn toàn có thể quy hoạch khu vực hang Con Moong kết hợp du lịch khảo cổ với du lịch văn hóa, du lịch khám phá. Hình thành công viên văn hóa để khách du lịch thấy được công việc các nhà khoa học, tái hiện cuộc sống thực sự con người nguyên thủy, thể hiện bằng hiện vật, hoạt động cụ thể.

Đồng thời xây dựng hệ thống bảo tàng, trưng bày hiện vật tại chỗ, trong đó có khu phát triển khảo cổ cộng đồng để mọi người đến tham quan, có thể tự mình tái hiện cuộc sống người xưa như bắt cá, săn bắt, trồng trọt. Mỗi người dân nơi đây đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, mỗi gia đình nơi đây đều có thể trở thành nhà hàng, khách sạn để phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Viện Hàn Lâm khoa học Nga xuất bản cuốn hang Con Moong bằng 3 thứ tiếng (Anh - Nga -Việt). Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn nhằm tuyên truyền, quảng bá về di chỉ khảo cổ học hang Con Moong và các di tích phụ cận một cách đầy đủ, khoa học nhất.

Còn PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện Văn hóa Nghệ thuật, nguyên Cục phó, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH,TT&DL chia sẻ: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì lập Quy hoạch tổng thể Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong. Trên cơ sở khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt cần bảo vệ nguyên trạng mặt bằng, không gian văn hóa và cảnh quan môi trường trong toàn khu vực có di tích; thành lập Trung tâm bảo tồn Di tích khảo cổ hang Con Moong.

Trước mắt, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xã, đường nối các di tích trong khu vực, đặc biệt làm đường nối các di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận để tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng gắn kết với di tích văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh địa phương; tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân địa phương và các vùng phụ cận ý nghĩa, trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tư liệu, tài liệu để hình thành bộ hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.





(Bài 3): Bảo tồn và phát huy giá trị hang Con Moong xứng tầm Di tích Quốc gia đặc biệt

Hang Con Moong và các di tích phụ cận được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015 và chuẩn bị lễ công bố, đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 23/11/2016. Phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh) về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích hang Con Moong.

 IMG_22618.JPG

- Di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Thanh Hóa. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện?

Di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận thuộc thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, sau sự kiện Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (năm 2011), Khu Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Lam Kinh và Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Khu Di tích Bà Triệu được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2012 và 2014). Đây là mốc son xác định rõ vị trí của di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận, của đất và người xứ Thanh trong dòng chảy lịch sử dân tộc và là thành công có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên hành trình để di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận tiến tới được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới.

Giá trị nổi bật nhất của hang Con Moong chính là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ, với ba nền văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung. Hang Con Moong là một điển hình nổi bật về việc định cư truyền thống của loài người, từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.

Việc phát hiện một di chỉ khảo cổ học có tính liên tục được thể hiện qua các tầng - lớp văn hóa rõ ràng, kéo dài qua nhiều thời đại để nghiên cứu tiến trình của lịch sử nhân loại như hang Con Moong và các di tích phụ cận là rất hiếm và quý giá. Có thể xem đây là ví dụ điển hình tiêu biểu của sự định cư hang động truyền thống lâu dài, ổn định của nhân loại từ khoảng 60 nghìn năm trước; minh chứng cho thấy sự tác động của con người đến môi trường tự nhiên trong một khu hệ thực vật đặc sắc ở Việt Nam mà hiện nay vẫn còn lưu lại ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

Cụm di tích khảo cổ hang Con Moong là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Từ cụm di tích này, chúng ta cũng biết được đời sống kinh tế, xã hội của các công xã thị tộc phát triển qua các thời kỳ khác nhau của các nền văn hóa và của lịch sử. Sự có mặt của các loại hình hiện vật thu được qua các cuộc khai quật khảo cổ tại di tích chứng tỏ người nguyên thủy trong các nền văn hoá đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Hang Con Moong và các di tích phụ cận được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt là sự khẳng định đối với những giá trị to lớn nói trên của di tích. Đồng thời là sự ghi nhận đối với nỗ lực, cố gắng, những đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.

- Thưa đồng chí, đến nay công tác chuẩn bị của tỉnh Thanh Hóa đối với Lễ đón bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận như thế nào?

Như đã khẳng định, di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Với ý nghĩa đó, Lễ công bố và đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Đến nay công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, đảm bảo việc tổ chức trang trọng, ý nghĩa, hiệu quả, tiết kiệm.

- Là một trong những tỉnh có số lượng di tích rất lớn, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận gắn với phát triển KT - XH của tỉnh, Thanh Hóa đã có giải pháp, phương án như thế nào thưa đồng chí?

Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận hội tụ giá trị lịch sử, khảo cổ, giá trị nhân văn vô cùng quý giá, là tiềm năng du lịch to lớn cần được phát huy, khai thác thật tốt để phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển KT - XH địa phương. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa xác định, việc bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Hang Con Moong và các di tích phụ cận gắn với phát triển KT- XH của tỉnh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thanh Hóa tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

- Giao Sở VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, đề xuất phương án quản lý phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong.

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tranh thủ kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và ý kiến của các chuyên gia khảo cổ học trong và ngoài nước để nghiên cứu, làm rõ giá trị di tích Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trong những năm tới.

- Thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển du lịch tỉnh Thanh, nhằm phục vụ phát triển KT - XH của địa phương và định hướng bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa có trên địa bàn các xã, thị trấn.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng giá trị văn hóa lịch sử, khoa học của di tích với cách làm sáng tạo, phát huy toàn diện giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, để nơi đây trở thành điểm đến có sức thu hút lớn du khách trong và ngoài nước.

- Lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận sau khi nhiệm vụ Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức cắm mốc giới quy hoạch di tích và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận...

- Trên cơ sở khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo vệ nguyên trạng mặt bằng, không gian văn hóa và cảnh quan môi trường trong toàn khu vực có di tích. Việc trước mắt phải thực hiện ngay là cấm tất cả những tác động nhân tạo đến cảnh quan, môi trường khu vực di tích đã xếp hạng; tiến hành các dự án nâng cấp đường giao thông hiện có từ trung tâm huyện đến di tích, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân địa phương và các vùng phụ cận ý nghĩa, trách nhiệm và nghĩa vụ,... trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích hang Con Moong…

- Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tìm nguồn vốn đầu tư thực hiện bảo quản các tầng văn hóa đã xuất lộ của di chỉ, tìm nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế để thực hiện dự án trưng bày khảo cổ học tại di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận. Có hình thức khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp tích cực đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.

- Xin đồng chí cho biết, di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được tỉnh Thanh Hóa hướng tới lộ trình công nhận Di sản văn hóa thế giới như thế nào?

Di tích hang Con Moong đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) đưa vào danh mục dự kiến đăng ký Di sản Văn hóa Thế giới, và ngay từ năm 2006, Bộ VH-TT đã có công văn về việc triển khai lập hồ sơ khoa học cho di sản này. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là thành công có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên hành trình của hang Con Moong tiến tới di sản văn hóa thế giới. Hành trình tiến tới di sản văn hóa thế giới của hang Con Moong và các di tích phụ cận đã ngắn dần, nhưng không hề đơn giản. Trước mắt, Thanh Hóa cần phải tiến hành triển khai thực hiện một số công việc như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đặc biệt là Viện Khảo cổ học; Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hoàn thiện báo cáo kết quả khai quật khảo cổ 5 năm của Chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận (giai đoạn 2010 - 2014), báo cáo Bộ VH,TT&DL và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nhanh chóng tiến hành các bước cụ thể để hoàn chỉnh hồ sơ khoa học di tích đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

- Xin cảm ơn đồng chí!





(Bài cuối): Niềm vui và trách nhiệm

Chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Thạch Thành đúng ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11. Cũng trong ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa này, tại TTVH huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và di tích phụ cận. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là niềm tự hào để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và xã Thành Yên, huyện Thạch Thành nói riêng thêm niềm tin và hi vọng vào sự đổi thay trong tương lai của miền quê nghèo.

Vinh dự lớn, trách nhiệm cao

Có mặt trong lễ đón nhận từ rất sớm, bà Đinh Thị Rạm, thôn Thành Trung, xã Thành Yên không giấu nổi niềm tự hào cho biết: “Đây là niềm vui, niềm tự hào đối với cán bộ và người dân địa phương. Đối với bản thân, tôi không thể quên dấu mốc đặc biệt quan trọng của địa phương mình vào năm 1976. Đó là năm các nhà khoa học bắt đầu tiến hành khai quật hang Con Moong. Lúc đấy tôi đang ở độ tuổi đôi mươi và cũng như rất nhiều bà con ở đây luôn theo sát và tạo mọi điều kiện cho đoàn từ nơi ăn, chỗ ở và những công việc khác do đoàn nhờ giúp đỡ”.

Niềm tự hào và ý thức trong việc bảo tồn di tích đã được mỗi người dân truyền lại nguyên vẹn từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là ý thức trách nhiệm. Anh Đinh Văn Tân - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thành Yên cho biết: Với ý thức của mỗi đoàn viên, hàng tháng chúng tôi đều bố trí thời gian, thường xuyên lên quét dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ đường đi lại trên hang, bảo vệ hang. Cùng với chính quyền địa phương, Đoàn sẽ tiếp tục là cánh tay đắc lực để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn nữa về di tích đến mọi người dân trong và ngoài vùng, để mọi người hiểu, biết hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của hang Con Moong.

IMG_1321.JPG 

Hiện nay, khu vực hang Con Moong được đầu tư xây dựng hệ thống tường rào từ chân núi lên hang, cây cầu mới bắc qua suối vừa được đưa vào sử dụng giúp du khách, người dân vào thăm hang dễ dàng hơn. Một ngày được làm du khách ở đây, chúng tôi đã khám phá được bao điều bổ ích. Đó là những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú với hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang còn gần như nguyên vẹn, với nhiều loại cây gỗ quý, có đường kính lớn. Ngoài ra, đến đây du khách còn được thưởng thức các món đặc sản như: ốc suối, chấu chôm, cá niếc, măng đắng, dê núi, lợn rừng, gà đồi; được biết nghề làm hương đen được người dân gìn giữ từ nhiều đời và đang được phát triển.

Ông Trương Văn Gương - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho biết: "Trong định hướng phát triển KT-XH, Thành Yên chú trọng đến tiềm năng sẵn có của địa phương, xây dựng lộ trình phát triển du lịch sinh thái - lịch sử. Tuy nhiên, để những đặc sản của địa phương được nhiều người biết thì bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, cán bộ và nhân dân từ nhiều năm nay vẫn đang mong chờ một con đường để đi lại thuận lợi hơn".

Và những hy vọng...

Tại lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định: Việc hang Con Moong và các di tích phụ cận được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt là sự khẳng định những giá trị to lớn của di tích. Đồng thời đây cũng là sự ghi nhận đối với nỗ lực, cố gắng, những đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc”.

 IMG_1246.JPG

Cùng chung niềm vui trong lễ đón nhận, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Việc công nhận và tôn vinh Di tích Quốc gia đặc biệt hôm nay có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển du lịch Thanh Hóa, tạo ra sản phẩm du lịch mới, đó là du lịch di sản văn hóa, kết nối và hình thành tour, tuyến du lịch di sản văn hóa của khu vực Bắc Trung bộ nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng; phát triển tou, tuyến du lịch khám phá di sản văn hóa, gắn với du lịch cộng đồng miền núi. Đồng thời là cơ sở triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030, nhằm phục vụ phát triển KT-XH của địa phương, định hướng bảo tồn, lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa với các chương trình phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM... theo hướng bền vững, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đề nghị Sở VH,TT&DL phối hợp với UBND huyện Thạch Thành, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận; tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch tổng thể khi được Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở kêu gọi đầu tư; xây dựng, triển khai, thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận, gắn các di tích liên quan của Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) để nơi đây dần trở thành trung tâm văn hóa khảo cổ, làm điểm đến du lịch hấp dẫn và ý nghĩa.

“Cùng với đó tiếp tục nghiên cứu, củng cố, bổ sung tư liệu, tài liệu để hình thành bộ hồ sơ khoa học, đệ trình UNESSCO công nhận Di tích hang Con Moong là di sản văn hoá  thế giới khi đủ điều kiện. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên nâng cấp hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã, đường nối các di tích trong khu vực, đặc biệt là đường nối di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận, để tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, gắn kết với di tích văn hoá tâm linh, danh lam - thắng cảnh... trên địa bàn huyện Thạch Thành và vùng lân cận” - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh.

Thu Thủy - Ngọc Huấn


 

Các tin khác:
  • Loạt bài: Phát triển đảng viên và chi bộ ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa (28/08/2017-8:09)
  • Loạt bài: Những tuyến sông không bình yên (28/08/2017-8:06)
  • Loạt bài: Phát triển du lịch làng nghề (28/08/2017-8:05)
  • Loạt bài: Sầm Sơn tai tiếng và nổi tiếng (28/08/2017-8:01)
  • Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn (23/08/2017-16:30)
  • Loạt bài: Nỗi lo sông Mã bị "bức tử" (23/08/2017-16:17)
  • Loạt bài: nghệ nhân dân gian - cả đời tâm huyết vì nghề (23/08/2017-9:19)
  • Loạt bài: Vì sự bình yên nơi phên dậu quốc gia (23/08/2017-8:19)
  • Trả lại thần hiệu đích thực cho một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia (23/08/2017-8:15)
  • Lạnh người nhìn cô trò bồng bế nhau vượt thượng nguồn sông Âm (23/08/2017-8:04)