Xin đừng để gánh nặng lạm thu đè lên sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi học trò
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Mấy năm nay các cơ quan quản lý giáo dục ở Thanh Hóa, từ cấp sở đến cấp phòng đều quyết tâm với việc chống lạm thu, đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy định rõ các khoản được phép thu trong trường học. Tuy nhiên, không bằng cách này thì cách kia, lạm thu vẫn âm ỉ trong trường học, việc chống lạm thu cơ bản, và ở nhiều nơi thành ra chỉ tồn tại trên giấy, khiến dư luận càng trở nên bức xúc.
Đã có một số cán bộ trường học bị xử lý kỷ luật do liên quan đến lạm thu và được hy vọng sẽ “đánh động” đến những cán bộ khác, nhưng bởi nhiều lý do, lạm thu không ở dạng này thì sẽ tồn tại ở dạng kia, vẫn mặc nhiên tồn tại trong học đường. Thiếu các khoản thu không chính thức trong trường học giống như món canh không có gia vị, nên gần như chẳng cán bộ quản lý trường học nào muốn thế. Kinh phí hành chính cấp cho trường học không nhiều, thiếu các khoản thu lạm này sẽ rất khó khăn cho quan hệ của trường.
Dẫu vậy, đây là một vấn đề xã hội liên quan đến rất nhiều người, tác động đến nhiều gia đình, lạm thu trong trường học vì thế cần phải chấm dứt dưới mọi hình thức, trước tiên để phù hợp với những quy định trong ngành, lớn hơn nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ sở giáo dục, sự tôn trọng của phụ huynh học sinh. Chủ trương chống lạm thu cần có một nhận thức đầy đủ, sự đồng lòng, hơn thế phải được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt, luôn có sự quan tâm, giám sát của cơ quan quản lý giáo dục, của chính quyền địa phương, sự tham gia của đại diện phụ huynh học sinh.
Không lạm thu có thể sẽ khó khăn hơn cho nhà trường trong việc đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, cải thiện môi trường giáo dục, nhưng bù lại, nhà trường, giáo viên trong trường có được niềm tin, có sự tôn trọng từ xã hội.
Một môi trường giáo dục lý tưởng còn gì hơn là được xã hội nhìn vào bằng một sự kính trọng. Mà muốn vậy các thầy, các cô phải nghiêm túc nói không với lạm thu, dẫu biết rằng lạm thu một thời đã như gia vị của nhà bếp.
Anh Vũ