Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
‘Lửa’ Thành Công tôi luyện nên tập thể, cá nhân điển hình (06/09/2017-14:33)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Vinh dự được nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm HTX Thành Công Phạm Xuân Khang luôn khắc ghi, làm theo lời Bác Hồ dạy. Cùng với phong trào “ba nhất” trong quân đội, các điển hình: Trống Bắc Lý, gió Đại Phong, sóng Duyên Hải... lửa Thành Công đã tôi luyện nên bản lĩnh người đứng đầu, cùng tập thể phát huy truyền thống đơn vị lá cờ đầu thủ công nghiệp toàn miền Bắc.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công mở ra cơ hội lớn cho thanh niên Phạm Xuân Khang cùng thế hệ thanh niên bấy giờ dấn thân theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Làm thợ điện ở trường lục quân, rồi cùng đoàn cán bộ, dân công hành quân lên Việt Bắc, tham gia, phục vụ chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, tháng 10 năm 1950, Phạm Xuân Khang được kết nạp Đảng. Về địa phương, ông công tác ở Văn phòng Thị ủy Thanh Hóa, rồi được luân chuyển xuống cơ sở làm Bí thư, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính khu phố 6, thị xã Thanh Hóa. Sau thời kỳ khôi phục kinh tế, cải tạo XHCN ở miền bắc, cuối năm 1959, ông được Thị ủy giao trách nhiệm vận động, tập hợp các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể xây dựng HTX Thành Công. Từ chỗ có 16 người chuyên sửa chữa xe đạp, HTX phát triển nhanh, thu hút gần 400 lao động làm việc ở bốn phân xưởng, chuyên rèn đúc nông cụ, máy chế biến thức ăn gia súc, chế tác khung, sườn, tiện phụ tùng xe đạp, xe cải tiến.

Đã 56 năm trôi qua ông Phạm Xuân Khang, Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm HTX Cơ khí Thành Công ngày ấy vẫn còn nhớ như in sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời ông: Khoảng 10 giờ ngày 11 tháng 12 năm 1961 ông nhận được thông báo có khách Trung ương đến thăm HTX. Vừa thông tin đến các đồng chí trong Ban quản trị HTX cùng đón khách, đã thấy đoàn xe ô tô dừng trước cổng. Mới gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi, chú nào là Phạm Xuân Khang. Ông vội xưng danh và dẫn đoàn công tác đi thăm các phân xưởng đúc, phân xưởng rèn, phân xưởng tiện, dừng xem các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người tháo dép cao su, ngồi trò chuyện với ban chủ nhiệm, các xã viên HTX về tình hình sản xuất, giải pháp tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp; thực hành quản lý dân chủ để xã viên được bàn bạc, thực hiện kế hoạch sản xuất; giải quyết hài hòa quan hệ: Nhà nước-HTX-Người lao động cùng có lợi; xây dựng các tổ chức, nhất là xây dựng chi bộ, đảng viên “bốn tốt”. Bác Hồ căn dặn các thành viên Ban quản trị HTX phải gương mẫu, chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho xã viên; tiếp tục củng cố nhà mẫu giáo, nhà trẻ, bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.

 anh 5, Bac Hồ tham HTX vo khí Thành Công.JPG

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm HTX Cơ khí Thành Công. (Ảnh TL nhân vật cung cấp)

Vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, các đảng viên, thành viên Ban quản trị cùng tập thể xã viên HTX Cơ khí Thành Công nỗ lực vượt khó, thi đua lao động, không ngừng cải tiến kỹ thuật, sản xuất an toàn, bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm; luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra đi đôi với không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Ngoài học phong cách sâu sát cơ sở, gần gũi quần chúng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của xã viên, ông Khang luôn khắc ghi, làm theo căn dặn của Bác Hồ về quản lý, thực hành dân chủ, phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức làm chủ của xã viên trong xây dựng, phát triển HTX. Ông được triệu tập, báo cáo phương thức xây dựng HTX từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ sửa chữa sang sản xuất nông cụ, máy cải tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp, bổ sung thực tiễn sinh động trong phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương trên diễn đàn Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa III. Tháng 5 năm 1962, tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ ba, HTX Cơ khí Thành Công được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Cờ Đơn vị dẫn đầu ngành thủ công nghiệp toàn miền Bắc; ông Phạm Xuân Khang được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong phong trào thi đua rộng khắp, toàn diện với các điển hình: “Duyên Hải” trong công nghiệp, “Đại Phong” trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, “Bắc Lý” trong giáo dục; lửa “Thành Công” đã tôi luyện nên bản lĩnh người đứng đầu cùng tập thể điển hình ngành tiểu thủ công nghiệp, đồng hành cùng phong trào “ba nhất” trong lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Báo cáo những việc đã làm được, nghe Bác Hồ trao đổi, bản thân ông Phạm Xuân Khang càng tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX, tổ chức sản xuất hiệu quả, làm theo lời dạy của Bác Hồ. Ông cùng tập thể chi ủy, Ban Quản trị HTX Cơ khí Thành Công quán triệt rõ nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Ông Phạm Xuân Khang còn được gặp Bác Hồ khi Người triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt vào ngày 27 tháng 3 năm 1964, biểu thị quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam. Sau hội nghị ông Khang cùng các đại biểu quyết tâm cụ thể hóa lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại diễn đàn thành hiện thực: Mỗi người phải làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt, thực hiện đánh cho “Mỹ cút, Ngụy nhào”. Tháng 4 năm 1966, ông Phạm Xuân Khang tham dự hội nghị tổng kết phong trào thi đua xây dựng chi bộ “bốn tốt” toàn miền Bắc và có may mắn gặp Bác Hồ lần cuối tại hội nghị này. Những đánh giá, định hướng của Người về công tác xây dựng Đảng, về xây dựng đảng viên bốn tốt, chi bộ bốn tốt tiếp tục được vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả trong xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, đề cao trách nhiệm nêu gương của mỗi chi ủy viên, các đảng viên, thành viên Ban Quản trị HTX Cơ khí Thành Công.

Ông Khang bộc bạch, mỗi lần gặp Bác Hồ, ông được tiếp thêm nghị lực, niềm tin, vững vàng hơn trong thực tiễn lao động, sản xuất, công tác, lãnh đạo, điều hành. Ông nỗ lực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành “ cần”, “kiệm”, “liêm chính”, thường xuyên tự kiểm điểm, chủ động khắc phục yếu kém, hoàn thiện mình, nêu gương cho quần chúng noi theo. Lửa Thành Công trong xây dựng CNXH ở miền Bắc tiếp tục được ông cùng tập thể kế thừa, phát huy trong những năm xây dựng, phát triển Xí nghiệp dụng cụ TDTT, trăn trở vượt khó đi lên trong thời kỳ đổi mới.

 anh1, ong Khang cung vo xem anh tu lieu.JPG

Ông Khang cùng vợ xem ảnh tư liệu về những lần được gặp Bác Hồ.

Năm nay đã 86 tuổi đời, 67 năm tuổi Đảng, hiện cư trú ở số nhà 105.O Nguyễn Trãi, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, ông Phạm Xuân Khang luôn tự giác, tích cực tham gia các hoạt động ở khu phố; nêu gương tuổi cao, chí càng cao cho con cháu học tập, noi theo. Ông vẫn tham gia học tập, quán triệt các nghị quyết, dự các buổi sinh hoạt chuyên đề để nắm bắt tình hình quê hương, đất nước, những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; đề cao trách nhiệm của người đảng viên trong công tác vận động quần chúng, quán triệt đến các thành viên trong gia đình, các hộ cùng khu phố không xây dựng, cơi nới trái phép, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh; chung tay làm vệ sinh môi trường, quét dọn vỉa hè, bảo vệ cây xanh, xây dựng khu phố, tuyến phố xanh-sạch-đẹp. Từng xây dựng, khẳng định vai trò, vị trí của HTX trong thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH, đấu tranh thống nhất nước nhà, ông kỳ vọng kinh tế tập thể tiếp tục củng cố, phát huy trong thời kỳ CNH-HĐH quê hương, đất nước.

Bí thư Chi bộ 10, Đảng bộ phường Ba Đình, TP Thanh Hóa Phạm Thị Cậy thông tin thêm: Đồng chí Phạm Xuân Khang luôn gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện các chủ trương lớn của Thành ủy như: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức cộng đồng trong cán bộ, đảng viên và người dân thành phố; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, tội phạm trộm cắp, trong công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với các chủ trương của chi ủy, hoạt động cụ thể ở khu phố, đảng viên Phạm Xuân Khang tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình, nhân dân khu phố xây dựng quỹ an ninh xã hội, xây dựng nhà văn hóa, chỉnh trang khuôn viên sinh hoạt cộng đồng, quan tâm trợ giúp hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, góp sức, đồng lòng xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện. Nhiều năm qua chi bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, phố 10 giữ vững danh hiệu phố văn hóa. Trong thành tích chung tổ chức cơ sở đảng, nhân dân trong phố, có đóng góp của mỗi đảng viên. Phố 10 hiện tập trung trợ giúp một hộ thoát nghèo để đạt 100% tiêu chí phố kiểu mẫu, góp phần cùng tập thể phường Ba Đình phấn đấu đạt danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Theo Mai Luận/Báo VH&ĐS


 

Các tin khác:
  • Chuyện ‘Chi bộ lim xanh’ (06/09/2017-14:31)
  • Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa (06/09/2017-14:29)
  • Người Mông trên đỉnh Hin Phăng (06/09/2017-14:26)
  • Thanh Hóa sắp xếp trường, lớp học, giáo viên (06/09/2017-14:17)
  • Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (06/09/2017-14:12)
  • Kế hoạch Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) (06/09/2017-14:04)