Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Phát triển Đảng viên vùng đồng bào công giáo (06/09/2017-14:36)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đồng bào công giáo, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác phát triển đảng viên là đồng bào công giáo; góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với vùng đồng bào có đạo, giữ vững mối quan hệ đoàn kết lương - giáo và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo AN- QP ở địa phương.

Chú trọng phát triển đảng viên vùng có đạo

Tính đến hết năm 2016, Thanh Hóa có 217.918 đảng viên, trong đó có 1.564 đảng viên gốc giáo. Xác định công tác phát triển đảng viên gốc giáo là nhân tố góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào có đạo, tạo nguồn tại chỗ, xóa được những thôn, làng, bản chưa có đảng viên và tổ chức Đảng, vì vậy, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người có đạo trong các tôn giáo. Họ khi đứng vào hàng ngũ của Đảng đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc tham gia phát triển KT-XH trở thành “hạt nhân” trong các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương.

Có thể nói, từ khi thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/T.Ư ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo; Quy định số 123-QĐ/T.Ư ngày 28/9/2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) “Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo”; công tác xây dựng tổ chức Đảng, bồi dưỡng tạo nguồn, phát triển đảng viên là quần chúng có đạo luôn được các cấp ủy quán triệt, thực hiện có hiệu quả ngay từ khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, sát với thực tiễn. Mỗi địa phương đã và đang có những cách làm riêng như ngày 23/6/2017, Huyện ủy Nông Cống ban hành đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên trên địa bàn huyện, đến năm 2020”; ngày 13/7/2016, BCH Đảng bộ huyện Tĩnh Gia ban hành Nghị quyết về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đến năm 2020”...

Tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo vẫn còn nhiều hạn chế: Một số cấp ủy chưa thật sự tích cực, chủ động trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, số lượng kết nạp đảng viên còn ít, chưa kết nạp những chức việc, chức sắc vào đảng; công tác quản lý, giao nhiệm vụ để thử thách ở một số nơi làm chưa tốt; các đoàn thể cơ sở chưa chủ động phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp những đoàn viên, hội viên ưu tú; một bộ phận cán bộ, đảng viên và đồng bào có đạo hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng về công tác tôn giáo còn có những hạn chế nhất định; một bộ phận quần chúng tín đồ còn băn khoăn khi đứng vào hàng ngũ của Đảng…

 Nga Điền xứ đạo bình yên.jpg
Xã Nga Điền, huyện Nga Sơn là một trong những địa phương có đông đồng
bào theo đạo công giáo và thực hiện có hiệu quả mô hình “Xứ đạo bình yên”.

Nói như Bí thư Đảng ủy xã Hải Châu (Tĩnh Gia) Bùi Hữu Do, công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào công giáo là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần sự khéo léo, đồng lòng của cả hệ thệ thống chính trị. Trong tổng 2.600 nhân khẩu là đồng bào theo đạo ở Hải Châu thì chỉ có 15 đảng viên. Nguyên nhân chủ yếu là trình độ giáo dân còn thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn kết nạp Đảng, vi phạm chính sách về dân số, phần lớn những người trẻ tuổi, có trình độ học vấn đi làm ăn xa, kết nạp đảng không bố trí, sắp xếp được việc làm ở địa phương.

Từ khó khăn trong công tác phát triển Đảng, Đảng bộ xã Hải Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động quần chúng tích cực tham gia các phong trào ở khu dân cư và trong vùng đồng bào có đạo, làm cầu nối đoàn kết tôn giáo, giữa đồng bào có đạo và không có đạo, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua đó, phát hiện những quần chúng ưu tú, tiêu biểu để tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ, tạo nguồn phát triển đảng viên là người có đạo. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào có đạo. Chỉ đạo chi ủy, chi bộ nơi có đông đồng bào theo đạo quan tâm gặp gỡ, trao đổi những khó khăn, thuận lợi trong công việc; gợi mở cho các đối tượng là người có đạo tâm sự những băn khoăn về giáo lý, giáo luật, tháo gỡ mặc cảm, ngại ngần khi phấn đấu, rèn luyện để đứng trong hàng ngũ của Đảng...

Xây dựng lực lượng cốt cán trong đồng bào công giáo

Nga Sơn là huyện có đông đồng bào theo đạo công giáo nhất tỉnh Thanh Hóa, với hơn 27.000 giáo dân chiếm khoảng 17% dân số, sống đan xen ở 55 khu dân cư của 12 xã (trong đó 4 xã có tỷ lệ giáo dân cao: Nga Phú, Nga Thái, Nga Điền, Nga Liên). Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện đã có nhiều chủ trương, thường xuyên quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân trên địa bàn huyện nói chung, ở vùng giáo nói riêng, tạo điều kiện để bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, ngày 28/1/2016 Huyện ủy Nga Sơn ban hành Đề án “Xây dựng lực lượng cốt cán vùng đồng bào có đạo Công giáo trên địa bàn huyện Nga Sơn”. Họ chính là những người cán bộ xã, đại biểu HĐND, trưởng các đoàn thể chính trị, xã hội, ban đoàn kết công giáo, bí thư chi bộ, trưởng thôn…, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động bà con giáo dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước”; kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình cơ sở, cùng với đồng bào công giáo đẩy mạnh sản xuất, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư; tích cực xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ lực lượng cốt cán cũng là “cánh tay đắc lực” trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là đối với đoàn viên, thanh niên, hội viên; lấy việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị là cơ sở nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên là người có đạo, tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của đoàn viên, hội viên; phát động các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào có đạo để phát hiện những quần chúng ưu tú, tham mưu, đề xuất kịp thời, thiết thực với các cấp ủy để tổ chức đảng xem xét kết nạp.

Đến nay, toàn huyện có 8.248 đảng viên, trong đó có 300 đảng viên gốc giáo; trong 6 tháng đầu năm 2017, kết nạp 115 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên gốc giáo. Mặc dù tỷ lệ đảng viên gốc giáo còn thấp so với tỷ lệ đảng viên toàn huyện, tuy nhiên số đảng viên gốc giáo hằng năm dần tăng lên so với những năm trước kia. Nhận thức của nhân dân ở vùng đồng bào có đạo về vị trí quan trọng của Đảng trong đời sống kinh tế, xã hội, về vai trò nòng cốt của đảng viên là người có đạo trong thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ngày một nâng lên.

Cầu nối giữa Đảng với đồng bào công giáo

Về xã Công Chính, huyện Nông Cống vào những ngày tháng 8, khi tất cả các chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã đang tiến hành đại hội. Là xã khó khăn của huyện, dân số trên 7.800 người, trong đó đồng bào theo đạo công giáo chiếm gần một nửa dân số. Đảng bộ xã Công Chính có 16 chi bộ trực thuộc tổng số 262 đảng viên, trong đó có 22 đảng viên gốc giáo. Mặc dù số lượng thấp so với số đảng viên toàn đảng bộ nhưng hầu hết đảng viên gốc giáo đều có tuổi đời khá trẻ, có trình độ học vấn. Thái Yên là thôn duy nhất có 100% đồng bào theo đạo công giáo. Đảng viên gốc giáo Hồ Văn Điệp năm nay mới 36 tuổi đã có 16 năm tuổi đảng và hơn 10 năm được cấp ủy, nhân dân tín nhiệm bầu chức Phó Bí thư Chi bộ Thái Yên. Vừa là Phó Bí thư Chi bộ thôn, vừa kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Công Chính, công việc khá bận rộn nhưng anh đã luôn phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương và tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện phong trào thi đua yêu nước “sống tốt đời, đẹp đạo”; “kính chúa, yêu nước”; chủ động phối hợp với cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể, phát huy dân chủ, tuyên truyền, vận động bà con vùng giáo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Vận động, tuyên truyền giới thiệu, bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú đứng vào đội ngũ của Đảng, hiện nay chi bộ Thái Yên hầu hết là đảng viên trẻ. Với cương vị là giám đốc HTX nông nghiệp, là đơn vị tham mưu cho UBND xã trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, anh Điệp vận động các thành viên tham gia góp vốn xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân về thủy lợi tưới tiêu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dự thính, dự báo phòng trừ sâu bệnh, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nhân dân yên tâm sản xuất. Đến nay bà con vùng giáo cũng như nhân dân trong xã dần chuyển từ hình thức canh tác truyền thống chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cơ giới hóa sản xuất, khép kín cả ba vụ/năm, nhiều mô hình trồng cây có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất được nhân rộng như ớt xuất khẩu, cây khoai tây, cây bí xanh, hành chăm.

 Đảng viên trẻ gốc giáo Hồ Văn Điệp.jpg
Đảng viên trẻ gốc giáo Hồ Văn Điệp vừa là Phó Bí thư chi bộ thôn Thái Yên,
vừa là Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Công Chính, huyện Nông Cống.

Có thể thấy, đảng viên là đồng bào công giáo đã và đang phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua tại địa phương; tạo sự phấn khởi trong quần chúng là người có đạo, góp phần ổn định sinh hoạt tôn giáo, ổn định chính trị - xã hội, là cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo.

Mới đây, Thanh Hóa đã tổ chức tổng kết phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời đẹp đạo” và biểu dương “người tốt việc tốt” trong đồng bào công giáo tỉnh Thanh Hóa lần thứ III, giai đoạn 2007 - 2017. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong đồng bào công giáo được tôn vinh, khen thưởng. Phần lớn trong số điển hình tiên tiến, họ đang đứng trong đội ngũ của Đảng, trong số ấy có đảng viên trẻ Hồ Văn Điệp.

Ngọc Huấn

Thanh Hóa được ví như hình ảnh thu nhỏ của đất nước, đạo Công giáo Thanh Hóa có trên 147.000 giáo dân, đang sinh sống tại 450 xã, phường, thị trấn thuộc 25 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Tập trung đông nhất ở: TP Thanh Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Thạch Thành, Yên Định, Nông Cống. Giáo phận Thanh Hóa có 1 Tòa Giám mục; 1 Dòng Mến Thánh giá với 4 cơ sở dòng; có 7 Giáo hạt, 60 Giáo xứ, 363 Giáo họ, với 60 nhà thờ xứ và 114 nhà thờ họ; có 1 Giám mục, 113 Linh mục, 288 tu sỹ.

 


 

Các tin khác:
  • Một chi bộ 15 năm liên tục đạt danh hiệu vững mạnh trong sạch (06/09/2017-14:34)
  • ‘Lửa’ Thành Công tôi luyện nên tập thể, cá nhân điển hình (06/09/2017-14:33)
  • Chuyện ‘Chi bộ lim xanh’ (06/09/2017-14:31)
  • Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa (06/09/2017-14:29)
  • Người Mông trên đỉnh Hin Phăng (06/09/2017-14:26)
  • Thanh Hóa sắp xếp trường, lớp học, giáo viên (06/09/2017-14:17)
  • Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (06/09/2017-14:12)
  • Kế hoạch Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) (06/09/2017-14:04)