Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
“Hoa hồng” hay tiền hối lộ? (06/09/2017-16:25)
    Tình trạng bác sĩ nhận tiền của doanh nghiệp dược để kê đơn, giúp tiêu thụ thuốc của doanh nghiệp đó đã diễn ra từ nhiều năm nay, bị dư luận xã hội lên án. Sau khi vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty VN Pharma được xét xử, dư luận một lần nữa “nóng” lên chuyện bác sĩ nhận tiền “hoa hồng”, đòi hỏi không thể tồn tại tình trạng vì quyền lợi của doanh nghiệp mà bác sĩ kê thuốc đắt, thuốc kém chất lượng cho người bệnh.

Ảnh minh họa

Một số ý kiến cho rằng, việc bác sĩ kê đơn nhận lợi ích vật chất từ doanh nghiệp dược không có gì đáng bàn, đáng lên án bởi đây là khoản “hoa hồng” của bác sĩ, như “hoa hồng” của một số các ngành nghề khác. Có người còn đề xuất nên sử dụng số tiền này một cách phù hợp như hỗ trợ đời sống nhân viên y tế khó khăn, nghiên cứu khoa học để phát minh các phương pháp chữa bệnh mới.... Thiết nghĩ, đang có sự hiểu sai khái niệm “hoa hồng” trong thực tế.

Theo từ điển Tiếng Việt thì thì “hoa hồng” là tiền tính phần trăm chịu cho người đứng giữa trong việc mua bán. Pháp luật cũng quy định, cho phép chế độ tiền “hoa hồng” đối với người trung gian, người môi giới trong một số giao dịch như bán bảo hiểm, môi giới bất động sản, bán vé, môi giới xuất khẩu... Tiền “hoa hồng” là tiền trả công hoặc các chi phí hoạt động cho người bán hàng, người môi giới bán hàng, vì thế đó là tiền “sạch”.

Nhưng với bác sĩ, tiền hoặc các lợi ích vật chất khác như đi du lịch, mời tham gia lớp đào tạo... do các công ty dược, nhà thuốc đem lại với mục đích bác sĩ kê đơn tiêu thụ các sản phẩm thuốc của mình, thì không thể đánh đồng đó là tiền “hoa hồng” được. Thầy thuốc là người thực hiện khám, chữa bệnh chứ không phải là trung gian, môi giới cho các hãng dược để được hưởng tiền phần trăm.

Pháp luật không có quy định “hoa hồng” trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, kê đơn thuốc. Một thực tế không quá khó hiểu là, thuốc càng có vấn đề về chất lượng, ít cạnh tranh thì nhà kinh doanh càng cần tác động tới giới điều trị để bán hàng nhanh; bác sĩ khi đã bị doanh nghiệp tác động thì lợi ích của người bệnh không được đặt lên hàng đầu. Các chi phí cho bác sĩ kê đơn được tính vào giá thuốc, đẩy giá lên cao và người bệnh gánh chịu các chi phí ấy. Rõ ràng, đồng tiền mà bác sĩ nhận được từ việc làm nói trên không “sạch” như “hoa hồng” của các giao dịch được pháp luật cho phép. Do đó, cần gọi đúng bản chất của khoản chi phí mà doanh nghiệp dược chi cho bác sĩ kê đơn là tiêu cực phí, là tiền hối lộ.

Vì sức khỏe và chi phí của người bệnh, trong đó, có rất nhiều người bệnh có cuộc sống khó khăn, vất vả, ngành y tế cần có giải pháp loại bỏ tệ “hoa hồng” trong việc kê đơn của bác sĩ.

Theo Minh Phương/Báo Nhân Dân

 

Các tin khác:
  • Nói không thực chất (04/09/2017-9:17)
  • Một giờ, và một sự chờ đợi (31/08/2017-17:00)
  • Không thể ảo tưởng quyền lực (28/08/2017-8:43)
  • Một sự thiếu hụt kiến thức hay sự dễ dãi đáng trách? (26/08/2017-18:18)
  • Cần từ bỏ tư duy “đất cấm” và “trời riêng” (25/08/2017-9:02)
  • Lòng tự trọng và sự kính trọng (21/08/2017-16:28)
  • Cần phải căng sức, gồng mình (18/08/2017-8:10)
  • Điểm mờ của văn hóa báo chí (16/08/2017-7:56)
  • An toàn lao động không chỉ là khẩu hiệu (14/08/2017-22:00)
  • Đi nhanh, và đi xa... (14/08/2017-9:06)