Hình ảnh chỉ có tính minh họa
CPI trung bình 8 tháng năm 2017 so với cùng kỳ 2016 chỉ tăng 3,8%, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng đối với hai nhóm hàng thiết yếu là giáo dục và y tế lại tăng rất cao: Giáo dục 10%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 11,5%; thuốc và dịch vụ y tế 47%, trong đó dịch vụ y tế tăng 64,8%.
Đây là loại hàng hoá gần như không thể mặc cả, nên người tiêu dùng không có sự lựa chọn khác. Với nhiều mặt hàng, khi tăng giá người tiêu dùng có thể ngừng tiêu dùng, nhưng họ lại không thể làm khác khi mà lo sợ sự chậm trễ có thể giết chết bệnh nhân hoặc khiến con cái mình bị hổng kiến thức.
Vì sao lại có đặc quyền một cách không chính thức trong hai lĩnh vực được xã hội kính trọng, tôn vinh, và đều gọi là thầy: Thầy giáo và thầy thuốc?
Hình ảnh về người thầy giáo tận tụy “chèo đò” đưa học sinh qua dòng sông tri thức, người thầy thuốc cứu chữa bệnh nhân bằng cả trái tim xưa nay vẫn luôn sống động, câu thúc lương tâm và trách nhiệm. Một xã hội khỏe mạnh, nhân ái và phát triển ngày càng cần có nhiều hơn những người thầy như thế. Nhưng xã hội lại đang phải đối mặt một thực tế là có những thầy thuốc nhẫn tâm bắt tay với nhà thuốc, đồng lõa với cơ sở y tế vô lương để kê những đơn thuốc, chỉ định những dịch vụ y tế chưa đến mức cần thiết để thu lợi mà không cần biết hoàn cảnh bệnh nhân thế nào. Có những người thầy giáo coi kiến thức của mình như một thứ “hàng hóa” để định lượng giá cả. Nhiều cơ sở giáo dục đưa ra những khoản thu vô lý, mức học phí “trên trời”... Đó là những tác nhân làm cho dịch vụ, vật tư, thiết bị y tế, giáo dục trở nên khan hiếm hơn dẫn đến giá cả bị đội lên.
Chúng ta có cơ quan quản lý thị trường, có quỹ bình ổn giá ở nhiều ngành hàng, nhưng khó để mà áp dụng được với dịch vụ y tế và giáo dục.
Chúng ta chỉ có thể bình ổn được giá cả trong lĩnh vực này bằng sự góp sức từ lương tâm người thầy, từ trách nhiệm của người quản lý ở hai ngành này. Nhưng khi mà cả xã hội đang trông đợi, thì liệu một số người có quyền trong việc này có muốn hay không, bởi với họ đó là đặc lợi.
Anh Vũ