Ùn tắc giao thông (hình ảnh chỉ có tính minh họa)
Ý thức là thứ vô hình ở mỗi con người, không can thiệp bằng lực, nhưng lại cần xung lực lớn hơn mới hy vọng có thể thông tắc được.
Mấy ngày qua trời mưa bão ai cũng vội khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Thanh Hóa vốn đã tắc càng thêm tắc. Có những tuyến đường gần trường học, khu chung cư, đô thị mới, chợ, siêu thị... đã tắc đường tới vài chục phút vào đầu giờ sáng bởi ai cũng muốn đến trường, đến cơ quan cho kịp giờ, nhưng rồi đều phải đến chậm vì đã không có người chịu nhường.
Những biển báo, vạch kẻ phân chia làn đường, tuyến đường ưu tiên, tín hiệu giao thông vốn đã bị người tham gia giao thông xem nhẹ, trong sự hối thúc của mưa, của việc lo chậm giờ càng khiến bị xóa nhòa, chỉ còn thứ được “ưu tiên” duy nhất, đó là sự cố tình, liều lĩnh của người cầm lái, và hệ lụy là những lời chửi thề, sự xung đột trên đường phố.
Cũng có những người đi theo, nối đuôi nhau để đi sai đường vì không nhận thức được sự sai hoặc ý thức được nhưng không làm khác được. Đi chậm hoặc dừng lại sẽ bị phương tiện phía sau thúc còi. Cái tốt đang bị cái xấu gây áp lực khiến nó trở nên đơn độc trong sự chen chúc, hỗn loạn ở một số tuyến đường.
Ở nhiều diễn đàn người ta đang loay hoay cho những giải pháp mở đường mới, nâng cấp các tuyến đường trọng yếu. Một việc làm cần thiết, nhưng nó sẽ không mấy ý nghĩa nếu ý thức của người tham gia giao thông vẫn thế. Một câu hỏi đặt ra, bao giờ ý thức của người tham gia giao thông sẽ thông suốt; và trước khi thông tắc đường, nên chăng cần “thông tắc” ý thức của những người đi trên con đường ấy? Mật độ giao thông đông, nhưng nếu như nó được điều tiết hợp lý, có sự kiên nhẫn, lớn hơn là thể hiện nét văn hóa của người tham gia giao thông, thì không đến nỗi phải tắc đường như thế.
Một thói quen xấu của người tham gia giao thông ở Việt Nam, đó là ngay sau khi cầm trong tay giấy phép lái xe là dễ dàng quên đi Luật Giao thông đường bộ mà họ vừa trải qua một kỳ sát hạch. Họ hồn nhiên, dễ dãi chấp nhận một thứ luật của kẻ mạnh trên đường. Đi nhanh hơn với nhiều người không chỉ để tiết kiệm thời gian, còn nhằm thể hiện sự hơn người, cho thỏa thích tay chân.
Hạ tầng giao thông Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục được mở rộng, nhưng cấp bách hơn là phải có giải pháp hữu hiệu mở rộng suy nghĩ, “thông tắc” ý thức của người tham gia giao thông, để họ nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Lam Vũ