Người dân vùng thiên tai cần được cứu trợ thực chất
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Chuyện lần tôi chúc mừng đội bóng được nhiều doanh nghiệp ủng hộ tiền, người đại diện chỉ cười, bảo: Vẫn đang chờ những đồng tiền thơm thảo. Doanh nghiệp trong lúc cao hứng đã đưa ra những con số tiền triệu, thậm chí vài chục triệu đồng ủng hộ đội bóng. Những con số được in bảng đỏ chữ vàng nổi bật trên sân cỏ trước rất đông khán giả, nhưng xong trận bóng nhiều doanh nghiệp quên luôn. Việc quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp đã hoàn thành. Tiền có sẽ chuyển, không chuyển cũng khó đòi, bởi chỉ là lời nói, có hợp đồng đâu.
Đội bóng không có tiền hỗ trợ của doanh nghiệp vẫn giành chiến thắng, nhưng người dân vùng thiên tai khó qua nỗi cơn khốn khó trước mắt nếu không có sự sẻ chia từ những tấm lòng vàng, nhưng bây giờ lại đang có nhiều tấm lòng được tính toán. Đằng sau danh thơm thảo là sự ồn ào đánh bóng tên tuổi.
Có câu của cho không bằng cách cho, cho thế nào để đồng tiền đến tay người được cho vừa phát huy được tác dụng, vừa thể hiện nét văn hóa mới cần. Nhưng đáng buồn, có những đoàn cứu trợ chưa đi cứu trợ đã trống dong cờ mở, trương lên những khẩu hiệu khá hay, cứ như nếu không có tấm băng rôn ấy thì người ta sẽ không biết đến “nghĩa cử” của mình. Những tấm bằn rôn dù hay đến đâu, của cho có lớn đến mấy, mà tấm lòng không trong sáng, thì cũng khó nói là trọn vẹn. Trong lúc khó khăn người vùng lũ lụt đâu có chú ý nhiều về hình thức. Sự hình thức người ta trương lên là cho người khác biết.
Tôi rất ấn tượng về những sư trụ trì chùa, những nhóm thiện nguyện đi về vùng sâu, vùng khó khăn, những bệnh viện để hỗ trợ thuốc men, khám bệnh miễn phí, phát cháo, tặng áo quần áo cũ quyên góp được. Họ đi trong im lặng, chẳng có truyền thông, cũng không có khẩu hiệu, ngay đến ăn đường cũng từ tiền túi. Một sự cao cả và trân trọng. Bây giờ có nhiều người, thậm chí có những doanh nhân đạo mạo, những doanh nghiệp lớn mượn chiếc áo từ thiện để phục vụ mục đích khác. Sự tính toán đang làm giảm đi ý nghĩa, giá trị của việc làm.
Mấy ngày nay ti vi và nhiều trang báo đưa tin đậm nét những chuyến cứu trợ của doang nghiệp vào một số tỉnh Miền Trung, trước đó là ở Mù Cang Chải vùng cao phía Bắc. Đằng sau sự cảm động cứ thấy bần thần. Đi cứu trợ có nhất thiết phải nhiều người đến thế không, đi kèm là chi phí. Tôi được một ngân hàng mời dự buổi tiếp đoàn cứu trợ từ Hà Nội vào Miền Trung dừng lại ăn trưa. Chỉ có một Phó Chủ tịch công đoàn, hai nhân viên, một lái xe, nhưng chiếc xe 16 chỗ ngồi kín nghế. Những chiếc ghế dành cho phóng viên đi theo đưa tin nhiều gấp ba, bốn lần người đi cứu trợ.
Truyền thông để vinh danh, nhân lên tấm lòng thơm thảo là việc cần, nhưng truyền thông có chủ định nhằm đánh bóng thương hiệu doanh nghiệp, thì khác nào trục lợi từ nỗi đau. Sẽ còn những chuyến hàng, món tiền doanh nghiệp trao cho đồng bào vùng lũ, rất quý và rất cần, nhưng bớt đi sự ồn ào, thì đồng tiền ấy sẽ giá trị hơn nhiều, ít nhất là về mặt tinh thần.
Anh Vũ