Nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật quý như Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam cũng
thưa vắng khách (ảnh minh họa, từ Báo Thanh niên)
Hiện vật ở bảo tàng mang ngôn ngữ riêng, chứa đựng những giá trị lịch sử, thông điệp của cha ông. Muốn biết lịch sử của quốc gia, mỗi ngành, địa phương, người ta thường đến bảo tàng.
Ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam - nơi lưu giữ hiện vật thuộc hàng quốc bảo nhiều nhất nước du khách có thể thưởng thức trong tĩnh lặng, thì khách đến Bảo tàng Louvre phải xếp hàng chờ đến lượt, mà ở đây giá vé cũng không hề rẻ, trong khi phần đa bảo tàng ở ta giá vé vào cửa đôi khi không bằng gói xôi sáng. Ngoại trừ Bảo tàng Hồ Chí Minh người xem đến bằng sự tôn kính lãnh tụ, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút được lượng khách nước ngoài, còn cơ bản vắng khách. Bảo tàng cấp tỉnh dù đặt ở vị trí đắc địa, miễn phí vào cửa vẫn lâm cảnh đìu hiu. Bộ máy ở bảo tàng phải trông vào “bầu sữa” ngân sách, nguồn thu chủ yếu từ cho thuê dịch vụ ăn uống, tập kết cây cảnh, giữ xe, mà lẽ ra không gian văn hóa ấy phải là nơi cung cấp đồ lưu niệm cho khách, quảng bá văn hóa phẩm liên quan đến bảo tàng. Điều đó đã nhiều người nghĩ đến, nhưng vấn đề là làm ra sẽ bán cho ai khi ở nhiều bảo tàng lượng khách mỗi năm chỉ trên dưới nghìn người.
Bảo tàng được xem là thiết chế quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa. Đầu tư cho bảo tàng cần, nhưng cần thiết hơn phải phát huy tác dụng của nó. Gần đây có nhiều ý kiến trái chiều khi chủ trương xây mới một siêu bảo tàng với giá lên tới 11 nghìn tỷ đồng thay cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ở Thanh Hóa cũng có chủ trương xây bảo tàng mới quy mô hơn thay cho Bảo tàng ở trung tâm thành phố. Để có số kinh phí ấy rõ ràng phải tăng thu thuế, phí...
Bên trong bảo tàng là những cổ vật khó định giá thành tiền. Phát huy tốt những cổ vật ấy không chỉ đem lại nguồn thu từ phát hành vé, còn đem lại giá trị lớn hơn trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, địa phương. Làm tốt điều đó có đầu tư nghìn tỷ đồng cũng đáng, còn cứ cảnh đìu hiu hiện tại thì một tỷ bỏ ra cho bảo tàng e cũng là đắt.
Tôi học nghề bảo tàng, từng làm ở bảo tàng, nhưng rồi lại rẽ ngang đi làm báo bởi không chịu được sự tĩnh lặng, nao buồn từ lớp bụi thời gian trên cổ vật ở đây. Đã đến lúc thay đổi tư duy để kéo khách đến với bảo tàng, phát huy được công năng của thiết chế này trước khi tính đến sự đầu tư lớn hơn từ Nhà nước.
Lam Vũ