Nguồn: Internet
Nhanh chóng đến nỗi, “đúng quy trình” trở thành từ khóa giễu nhại đầy hài hước. “Quy trình” nào cho lòng tin? Có lẽ là câu hỏi nhiều chua xót nhưng cũng là thực tế mà Đảng và Nhà nước nhìn nhận, để rồi, bắt tay vào xây dựng lại một “quy trình” thật sự cho lòng tin!
Những năm gần đây, hàng loạt các sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ được công luận và báo chí phanh phui. Những vụ việc đình đám “cả họ làm quan” có ở nhiều địa phương, bộ ngành trên khắp cả nước như: Mỹ Đức (Hà Nội), Hải Dương, Hà Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ… Lợi dụng vị trí, chức vụ, bổ nhiệm người thân vào những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước nở rộ như nấm sau mưa.
Tại Đồng Tháp, ông Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình còn “dám” bổ nhiệm con trai vào vị trí phó trưởng khoa dù mới làm việc 6 tháng và mắc bệnh động kinh. Không hiểu, nếu xảy ra thiệt hại về người trong quá trình can thiệp y khoa thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Hay sẽ lại là một giải thích “đúng quy trình” như một số vụ việc đã từng xảy ra?
Nhiều vụ việc hiển hiện những bất thường khó tin trong việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ nữ trưởng phòng của Sở Xây dựng Thanh Hóa, vụ ông Cục trưởng Cục thuế Bà Rịa – Vũng Tàu bổ nhiệm… vợ vào vị trí lãnh đạo cấp phó.
Tất cả những vụ việc nói trên đều “đúng quy trình” cho đến khi phát hiện sai phạm.
Phát hiện sai phạm rồi nhưng việc xử lý các sai phạm ấy lại thực hiện ở mức nhẹ như “kiểm điểm nghiêm túc”, “khiển trách”… Thậm chí, xử lý “vuốt đuôi” như ở Thanh Hóa: Khi tiến hành kỷ luật còn không tìm được tung tích người bị kỷ luật.
Có trường hợp như ông Phạm Thế Dũng – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – khi trả lời báo Tuổi trẻ trước câu hỏi “có can thiệp vào quá trình bổ nhiệm người nhà không”, ông Dũng nói: “Tôi cũng đã kỹ đến mức là tờ quyết định bổ nhiệm tôi không ký, mà giao cho cấp dưới ký”.
Sự “đúng quy trình” gặp ở nhiều nơi nhưng thẳng thắn thừa nhận việc lợi dụng quy trình đến mức tinh vi như ông Dũng chắc chỉ có một.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá các sai phạm của ông Phạm Thế Dũng là “nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật”, thì ông trả lời ráo hoảnh: “Tôi nghỉ hưu hai năm rồi, giờ họ muốn xử sao thì xử”.
“Xử sao thì xử” – Một tuyên bố dõng dạc và rất rõ ràng. Vậy là các sai phạm trước đây như ván đã đóng thuyền, xử làm sao khi người tiền nhiệm hạ cánh an toàn. Phải chăng, các lãnh đạo tiền nhiệm dám làm sai vì tin rằng lớp cán bộ sau mình sẽ không dám “bắn súng lục vào quá khứ”?
Ở đâu cũng thấy lí lẽ về “đúng quy trình” sừng sững như một hằng số bất biến. Vậy tại sao công luận, nhân dân vẫn bức xúc? Vì sao những sai phạm ngày một nghiêm trọng vẫn dần lộ diện? Nếu quy trình sai thì phải sửa quy trình. Nếu quy trình không sai thì chắc chắn cái sai nằm ở yếu tố con người – nhất là ở những người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc và công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Nếu những con người – cán bộ không sửa mình ngay thì không lâu nữa, sẽ đến một lúc người ta quen thuộc với khái niệm “đúng quy trình” đến mức không còn ngạc nhiên trước sai trái, không còn phẫn nộ trước bất công. Đấy là lúc nhân dân mất lòng tin vào bộ máy công quyền. Từ lâu, Đảng ta đã xác định lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần. Công tác xây dựng Đảng luôn gắn liền, không tách rời với công tác tổ chức cán bộ.
Kể từ Đại hội XII của Đảng tới nay, nhân dân cả nước đã được chứng kiến quyết tâm của Đảng làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp từ Trung ương xuống tới địa phương. Qua 18 kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã lần lượt đưa ra xử lý nhiều người đứng đầu thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; một số cán bộ lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương đã bị kỷ luật cách chức hoặc cảnh cáo kể cả khi đã về hưu.
Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 vừa khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị này rất được chờ đợi bởi Trung ương sẽ bàn thảo đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nội dung chương trình của Hội nghị Trung ương lần này đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, vừa cơ bản vừa cấp bách, liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội hàng năm, đổi mới phát triển xã hội, đổi mới chính trị, đồng bộ với đổi mới phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng. Tất cả đều là những vấn đề quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cả nước, được xã hội đặc biệt quan tâm và kỳ vọng.
Người dân cả nước đang kỳ vọng đó sẽ là một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ mà thời gian qua việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao chỉ là những giọt nước tràn ly cho sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận đảng viên. Chống tham nhũng, tổ chức cán bộ vào thời điểm này quá “chín”rồi, nếu không làm cuộc cách mạng này thì “lò” có cháy nữa cũng sẽ không thể đốt hết được “củi tươi”. Vẫn tin, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, làm quyết liệt, thì vấn đề khó đến đâu cũng có thể giải quyết được, kể cả câu chuyện bắt tay vào xây dựng lại, một quy trình cho lòng tin của người dân vào thể chế!
Theo Tử Hưng/ Báo Công Luận