Lớp bồi dưỡng tuyên truyền về thông tin đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế
cho các nhà báo Quảng Ngãi (Tổ chức tháng 10/2017). Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm
Từ “không” thành “có”
Ở Quảng Ngãi, trước năm 2013, vì thiếu nguồn kinh phí nên để tổ chức một vài lớp bồi dưỡng nghiệp vụ HNB phải xoay xở tìm nguồn tài trợ từ các cơ quan, đơn vị hoặc cắt chỗ này, bớt chỗ kia trong cái “hầu bao” vốn quá ít ỏi của mình.
Chia sẻ về những việc làm của đơn vị mình, nhà báo Hà Minh Đích - Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Chủ tịch HNB Quảng Ngãi bày tỏ: Lâu nay mỗi khi đề cập đến nhiệm vụ bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí, nhiều người nghĩ đây là công việc của tổ chức Hội Nhà báo. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Trước nhu cầu học tập ngày càng cao của hội viên, lãnh đạo HNB Quảng Ngãi suy nghĩ phải tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh để đưa công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên - nhà báo trở thành nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, bằng nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Lý lẽ thuyết phục lãnh đạo tỉnh là, ở địa phương, báo chí là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân; các hội viên - nhà báo sáng tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu thông tin của người dân, vì vậy, họ cần được tạo điều kiện để nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Một khi trình độ của phóng viên, biên tập viên nâng lên thì chất lượng hoạt động báo chí sẽ nâng lên, và như vậy công tác tuyên truyền sẽ phát huy được hiệu quả. Vì thế, nhiệm vụ này tỉnh phải cùng có trách nhiệm chăm lo chứ không chỉ đơn thuần là công việc riêng của Hội Nhà báo…
Cách đặt vấn đề của HNB Quảng Ngãi bước đầu nhận được sự đồng thuận, sự ủng hộ của các ngành hữu quan như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Tài chính, HNB Quảng Ngãi xin chủ trương lập Đề án để các ngành liên quan thẩm định, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt.
Cuối năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên - nhà báo giai đoạn 2013-2015. Kết quả, giai đoạn này, HNB tỉnh đã mở được 16 lớp cho 528 lượt hội viên, với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Kết thúc giai đoạn 1, HNB Quảng Ngãi tổ chức tổng kết, nêu rõ những việc làm được, những hạn chế cần khắc phục và tiếp tục trình kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Và đầu năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong 5 năm, HNB Quảng Ngãi được giao mở 26 lớp cho 1.550 lượt hội viên với kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Gặt “Quả ngọt”
Từ chỗ phải “ăn đong”, xoay xở tìm nguồn tài trợ để tổ chức các lớp bồi dưỡng, đến nay HNB Quảng Ngãi hoàn toàn chủ động về nguồn lực để triển khai hoạt động này. Từ chỗ công việc bồi dưỡng được coi là nhiệm vụ riêng của Hội Nhà báo, thì nay nhiệm vụ này được tỉnh “đặt hàng” để Hội tổ chức thường xuyên hàng năm.
Để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, hàng năm HNB chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT, lãnh đạo các cơ quan báo chí xác định nội dung các lớp bồi dưỡng. Từ nhu cầu chuyên môn của từng loại hình báo chí đã thống nhất chuyên đề cần bồi dưỡng, đối tượng bồi dưỡng, thời gian mở lớp. Để các lớp bồi dưỡng bảo đảm chất lượng - một tiêu chí hết sức quan trọng, đồng thời cũng là cách để Hội giữ uy tín với tỉnh, HNB Quảng Ngãi đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí (HNBVN) triển khai thực hiện.
Với đặc điểm hội viên vừa làm vừa học nên các lớp bồi dưỡng được tổ chức từ 3-5 ngày. Phần lớn giảng viên được Trung tâm Bồi dưỡng mời về giảng dạy tại Quảng Ngãi đều là những nhà báo, nhà sư phạm có uy tín, có kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú, đã từng “tác chiến” và thành công trong từng loại hình, từng thể loại cụ thể… đến từ các cơ quan báo chí lớn như VOV, VTV, HTV, Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Báo Tuổi trẻ... Kết hợp với lý thuyết, học viên được hướng dẫn thực hành ngay tại lớp học. Những kiến thức mới về nghiệp vụ báo chí được các giảng viên cập nhật kịp thời, bên cạnh đó những vấn đề nảy sinh trong quá trình tác nghiệp cũng được học viên đem ra trao đổi, mổ xẻ để cùng tìm biện pháp xử lý.
Hội Nhà báo Quảng Ngãi tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chuyên đề “Ngôn ngữ báo
chí - Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Ảnh: Đăng Lâm
Hiệu quả từ việc chú trọng công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên - nhà báo là nhận thức, kỹ năng tác nghiệp và tay nghề đội ngũ, chất lượng thông tin tuyên truyền trên báo chí của Quảng Ngãi được nâng lên rất nhiều. Hoạt động báo chí giành được tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự tin tưởng của người dân, xuất hiện thêm nhiều cây bút có bản sắc riêng đầy triển vọng… qua đó nâng dần tính chuyên nghiệp, phù hợp với xu thế báo chí hiện đại.
Kết quả rõ nét nhất là trong vòng 9 năm liên tiếp, Quảng Ngãi luôn có tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia, với đủ bộ giải thưởng từ Giải A đến giải Khuyến khích; bên cạnh đó là nhiều Giải ở các cuộc thi báo chí khác của T.Ư và địa phương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Minh Đích còn mong muốn, thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các lớp ngắn ngày, HNB Quảng Ngãi đang tính tới việc phối hợp mở lớp Trung cấp chính trị - hành chính cho hội viên - nhà báo; lựa chọn nhân sự để đưa một số phóng viên đi “học nghề” ở các cơ quan báo chí lớn về một khâu công việc cụ thể nào đó...
Có thể nói, những cách làm, chiến lược của HNB Quảng Ngãi trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đã tạo cho hội viên - nhà báo có điều kiện gắn học đi đôi với hành, thực sự là nơi trao truyền kiến thức và kinh nghiệm giữa những người làm báo; có “sân chơi” để thi thố tài năng, sáng tạo được nhiều tác phẩm báo chí có giá trị và việc tiếp tục gặt hái được những “quả ngọt” là điều không còn xa…
Theo Ngọc Lành/Báo Nhà báo và Công luận