Thời gian qua, đội ngũ hội viên được rà soát một cách chính xác, đầy đủ nhằm tăng cường công tác quản lý.
Đánh giá khái quát về các mặt công tác, tình hình hoạt động của các cấp Hội Nhà báo trong cả nước, đồng chí Hà Thị Hồng Dương, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Công tác Hội cho biết, năm 2017 ghi dấu ấn bằng nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội.
Các cấp Hội Nhà báo đã bám sát chủ đề và nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo Việt Nam. Bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, hoạt động của các cấp Hội đạt kết quả khá đồng đều trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tích chung của Hội Nhà báo Việt Nam.
Hệ thống tổ chức Hội từ Trung ương xuống đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn. Các cấp Hội tiếp tục kiện toàn bộ máy, rà soát củng cố đội ngũ hội viên thông qua việc đổi, cấp thẻ hội viên giai đoạn 2016-2021.
Đồng chí Hà Thị Hồng Dương, Ủy viên Ban Chấp Hành, Trưởng Ban Công tác Hội.
Theo đồng chí Vũ Thị Hà, Phó trưởng Ban Công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng luôn được các cấp Hội quan tâm, coi đây là động lực của sự phát triển và là một trong những nội dung trọng tâm tại hội nghị triển khai công tác hội hàng năm.
Đồng chí Vũ Thị Hà, Phó trưởng Ban Công tác Hội.
Hội đồng thi đua khen thưởng của các cấp Hội được kiện toàn, hoạt động đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện quy định của pháp luật và Quy chế thi đua khen thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam.
Việc bình xét công tác thi đua khen thưởng được thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, tuân thủ đúng quy chế và văn bản hướng dẫn, không còn tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Hội đồng Thi đua -Khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam đã xem xét và quyết định tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 9 tập thể, tặng Bằng khen cho 33 tập thể và 152 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong năm 2017.
Bên cạnh đó, công tác Hội cũng còn một số tồn tại, nhược điểm. Theo đồng chí Phạm Trường Sơn, Trợ lý Ban Công tác hội, một số cấp hội và cơ quan báo chí vẫn chưa chủ động, sáng tạo trong đổi mới hoạt động Hội, chưa chú trọng đúng mức công tác bồi dưỡng chính trị chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo; còn để xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp đến mức phải kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên và khai trừ khỏi hội, một số hội viên bị khởi tố. Điều lệ Hội cho đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng chí Phạm Trường Sơn, Trợ lý Ban công tác Hội.
Về vấn đề kết nạp hội viên, mặc dù là công việc thường xuyên và được sự quan tâm của các cấp hội nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, có nhiều trường hợp đơn vị gửi hồ sơ thiếu công văn đề nghị, biên bản họp xét kết nạp (thiếu chữ ký của thư ký), danh sách trích ngang)…
Có trường hợp không đủ 3 năm làm báo. Mẫu Sơ yếu lý lịch ghi rõ “yêu cầu kê khai theo đúng mẫu trên” nhưng vẫn có trường hợp thiếu những thông tin yêu cầu về trình độ học vấn, phần xác nhận của Thủ trưởng cơ quan báo chí không ghi địa danh ngày/tháng/năm. Một số hồ sơ tẩy xóa, viết nhiều loại mực, nhờ người khác ký hộ…
Xác định rõ tầm quan trọng của việc cấp, đổi thẻ hội viên, Thường trực Thường vụ Hội đã chỉ đạo quyết liệt cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội nên công tác đổi thẻ được tiến hành nghiêm túc, bài bản kịp thời, hạn chế thấp nhất sai sót.
Điều quan trọng hơn là thông qua việc đổi thẻ đã cơ bản rà soát, sàng lọc được hội viên một cách chính xác, đầy đủ nhằm tăng cường công tác quản lý, nắm bắt tình hình đội ngũ hội viên.
Giai đoạn 2016-2021, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành quy định số 1090/QĐ-HNBVN, ngày 20/12/2016 quy định sử dụng thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; đồng thời xin ý kiến các nhà báo lão thành, các cấp Hội về thiết kế mẫu thể hội viên, đôn đốc các cấp Hội nộp hồ sơ đổi cấp thẻ đúng quy định.
Đến nay, việc đổi cấp thẻ đã hoàn tất, đáp ứng yêu cầu đề ra, đảm bảo tính minh bạch, công khai, không có đơn thư khiếu nại.
Nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn, mang tính xây dựng cao.
Hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn, chân thành mang tính xây dựng cao. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều đồng tình, cơ bản nhất trí với các nội dung trong Báo cáo của Ban Công tác Hội và góp ý thêm một số vấn đề cụ thể, gợi ý một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đề cập đến các vấn đề “nóng bỏng” hiện nay là vấn đề quản lý đội ngũ PV thường trú, vấn đề tinh giản biên chế và kinh phí hoạt động của Hội...
Theo các đại biểu, trong thời gian qua, ở một số cấp hội địa phương, liên chi hội, chi hội đã có hiện tượng một vài hội viên lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi; chất lượng phóng viên thường trú ở một số địa phương không đảm bảo.
Đã có tình trạng phóng viên thường trú liên kết với nhau gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín chung của nhà báo. Do đó, vấn đề quản lý bộ phận phóng viên thường trú, các cộng tác viên ở địa phương và các văn phòng đại diện của các báo, đài được đặ ra cấp thiết bởi những vụ việc sai phạm bị phát giác thời gian gần đây đang ở mức đáng báo động.
Cuối năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giới báo chí. Do đó, đẩy mạnh xử lý sai phạm để làm trong sạch nền báo chí, ngăn chặn các vi phạm nghiêm trọng hơn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Việc Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 7, khóa X vào tháng 12/2017 đã thống nhất chủ trương chuyển sinh hoạt của hội viên thường trú các cơ quan báo chí trung ương về Hội Nhà báo địa phương và Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định số 979/QĐ-HNBVN nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện, đội ngũ phóng viên thường trú tại địa phương được kỳ vọng sẽ góp phần “thanh lọc môi trường truyền thông”, tạo bước chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam.
Theo Ngọc Thành - Nguyễn Mạnh/Báo Nhà báo và Công luận