Đúng 17h ngày 8/5, các nhà báo trong lễ phục đen - một quy định rất đặc trưng nhưng vẫn bị cho là “quá cứng nhắc” của Cannes - đã sẵn sàng vào vị trí tác nghiệp bởi nếu chậm chân, rất có thể họ sẽ không tạo cho mình “điểm rơi” tác nghiệp lý tưởng. Chỉ một tiếng sau đó, 18h, các ngôi sao tham dự LHP bắt đầu xuất hiện.
Lượng nhà báo đến tác nghiệp tại Cannes năm nay ước tính khoảng 160 người. Việc làm sao “chộp” được những khoảnh khắc đắt giá nhất của các ngôi sao luôn là thử thách lớn cho các tay máy tác nghiệp tại LHP.
Ngoài chuyện tác nghiệp trên thảm đỏ, một thay đổi lớn của liên hoan phim Cannes năm nay là không có buổi chiếu phim trước cho báo chí và các nhà phê bình điện ảnh như thường lệ. Buổi chiếu đó sẽ diễn ra đồng thời với buổi chiếu ra mắt phim tại nhà hát Lumier.
Chủ tịch LHP lý giải rằng quy định mới này sẽ tránh được việc khách mời xem phim bị ảnh hưởng bởi nhận định các nhà báo về bộ phim đó.
Ngoài chuyện tác nghiệp của giới báo chí, thảm đỏ của Cannes còn là “cuộc chiến” thu hút sự chú ý của giới truyền thông của các ngôi sao, đặc biệt là các ngôi sao nữ. Ai cũng khoác trên mình những bộ cánh bắt mắt nhất, tạo cho mình thần thái thu hút nhất.
Năm nay, dường như cả 5 châu lục xuất hiện trên thảm đỏ Cannes với những gương mặt gạo cội cùng những ngôi sao mới. Một trong những thay đổi lớn nhất tại liên hoan phim Cannes năm nay là lệnh cấm selfie trên thảm đỏ.
Những năm trước, Ban tổ chức cũng đã nhắc nhở các khách mời không nên tự cầm điện thoại chụp ảnh vì sẽ gây lộn xộn và kéo dài thời gian ở thảm đỏ, tuy nhiên không ai để tâm đến điều này nên năm nay họ đã quyết định ban lệnh cấm chính thức.
Thierry Fremaux - Chủ tịch liên hoan phim giải thích: “Bạn không đến Cannes để ngắm bản thân, bạn đến để xem phim. Trông ai đó lúc selfie luôn thực sự xấu xí”.
Ông cũng nhấn mạnh một lý do khác: “Đó còn là vấn đề kỹ thuật. Sẽ mất quá nhiều thời gian đi trên thảm đỏ khi họ chụp ảnh tự sướng và nhiều người có thể bị ngã vì họ không chú ý”.
Theo Hà Trang/Báo Nhà báo và Công luận