Chủ tịch HNB Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,
Sở Thông tin & Truyền thông Thái Nguyên chủ trì cuộc giao ban báo chí tháng 3/2018
Phát huy tích cực vai trò, tiếng nói của Hội
Với vị thế địa chính trị, Thái Nguyên là trung tâm vùng, có khá nhiều vấn đề được báo chí khai thác. Trung bình, hàng tháng có gần 1.000 bài báo liên quan đến tỉnh Thái Nguyên. Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong mấy năm trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên đã có bộ phận tổng hợp thông tin báo chí ngày, để nhanh chóng chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh, báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và trả lời các cơ quan báo chí theo quy định.
Từ tháng 8/2016, Hội Nhà báo Thái Nguyên cũng đã được tỉnh Thái Nguyên giao để phối hợp xử lý các thông tin báo chí nêu về tỉnh Thái Nguyên; trong đó, Hội Nhà báo tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, các sở ngành, kiểm tra và xử lý các thông tin nêu trên báo chí. Và cũng từ năm 2016 đến nay, Hội Nhà báo tỉnh là một trong những cơ quan chính thức được tham dự các phiên họp của UBND tỉnh để cùng các sở, ngành nắm các thông tin về tỉnh tại phiên họp hàng tháng của UBND tỉnh. Qua đó, Hội được tham gia trực tiếp vào các vụ việc ngay từ ban đầu, nắm kỹ thông tin và xử lý một cách hiệu quả vụ việc.
Đặc biệt, từ tháng 5/2017, cùng với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Thái Nguyên là cơ quan đồng chủ trì các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tháng của tỉnh.“Đây là điểm rất mới trong hoạt động của Hội Nhà báo Thái Nguyên so với những năm trước đây. Cũng là cơ sở để Hội Nhà báo Thái Nguyên làm tốt hơn nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên trong điều kiện làm báo hiện nay”, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, nhấn mạnh.
Thực tế, trong thời gian qua, Hội Nhà báo Thái Nguyên đã có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, các nhà báo, phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật; đặc biệt là những hội viên bị đe dọa trong khi tác nghiệp.
Ví dụ: Ngày 6/11/2016, tại xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đã xảy ra việc hai phóng viên Đặng Văn Nghịnh (SN 1981) và Nguyễn Anh Tuấn (SN 1983), hiện công tác tại phòng Thời sự, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Thái Nguyên bị hành hung khi đang tác nghiệp, ghi hình về tình trạng khai thác cát sỏi trên địa bàn.
Sau khi sự việc xảy ra, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản báo cáo Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Công an tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ sự việc, góp phần giữ gìn trật tự an ninh xã hội và bảo vệ các nhà báo khi tác nghiệp. Ngay sau đó, lãnh đạo Hội đã đến thăm hỏi, động viên các nhà báo bị hành hung. Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có yêu cầu xử lý nghiêm hành vi hành hung nhà báo...
Góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện nhiệm vụ thuận lợi, an toàn, hiệu quả
Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập trước đó, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí ở nước ta. Theo Luật Báo chí năm 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm, là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
HNB Thái Nguyên tổ chức hội nghị quán triệt, học tập Luật Báo chí 2016, góp ý Quy định đạo
đức nghề nghiệp người làm báo VN (tháng 9/2016)
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm, các quy định đó được thực thi có hiệu quả, nghiêm minh hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Luật Báo chí; Là việc giữ nghiêm kỷ cương phép nước, là việc các cơ quan hữu trách có khẩn trương, làm hết trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc nhà báo bị xâm hại, hành hung, cản trở khi tác nghiệp? Thực tế thời gian qua xảy ra không ít các vụ việc hành hung, đe dọa, cản trở nhà báo tác nghiệp.
Thực tế cho thấy không ít nhà báo và cả người dân trong xã hội chưa thực sự nắm rõ những hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động báo chí, nên trước mỗi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Hội sẽ bình tĩnh xem xét từ cả hai phía. Phía thứ nhất là xem các cơ sở đối xử với nhà báo đã đúng chưa, thứ hai là nhà báo tác nghiệp ở cơ sở có đúng quy định hay không, bởi trong nhiều vụ hành hung nhà báo cũng có phần do phóng viên tác nghiệp chưa có kinh nghiệm, chưa có kỹ năng xử lý tình huống, chưa thực sự hiểu luật nên tác nghiệp chưa chuẩn.
Nhằm bảo vệ và tạo điều kiện cho phóng viên hoạt động nghiệp vụ đúng quy định của pháp luật, Hội Nhà báo Thái Nguyên và Sở Thông tin- Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị toàn tỉnh quán triệt tuyên truyền sâu rộng về Luật Báo chí, Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm nguồn thông tin chính thống, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện nhiệm vụ thuận lợi, an toàn, hiệu quả.
Thông qua các hội nghị này, các cán bộ chủ chốt và chuyên môn làm công tác phát ngôn, quan hệ báo chí của các sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Thái Nguyên đã nắm được các quy định, những điểm mới của Luật Báo chí, cùng văn bản Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực báo chí; Hội Nhà báo đã đồng thời thông tin về các quy định đạo đức nghề nghiệp, các vấn đề bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp tại cơ sở… Hội cũng đã ban hành văn bản tới các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề nghị phối hợp khi gặp những tình huống ứng xử chưa phù hợp với các phóng viên, nhà báo tới các đơn vị, địa phương để tác nghiệp lấy thông tin.
Đồng thời, với việc lên tiếng kịp thời bảo vệ quyền lợi, tính mạng, sức khỏe của hội viên, phóng viên, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tấn công, cản trở nhà báo hoạt động, chia sẻ những khó khăn mà nhà báo gặp phải trong quá trình tác nghiệp, Hội Nhà báo Thái Nguyên cũng hết sức coi trọng việc quán triệt cho hội viên Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Lãnh đạo HNB Thái Nguyên cùng các hội viên đi thực tế tại khu vực sản xuất, chế
biến chè ở xã La Bằng, huyện Đại Từ.
Cũng theo Chủ tịch HNB Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm, nhằm tiếp tục làm tốt công tác chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên trong điều kiện làm báo hiện nay, Hội Nhà báo Thái Nguyên sẽ tăng cường phối hợp tốt với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh về việc tiếp nhận xử lý những thông tin nhạy cảm, bức xúc mà báo chí nêu. Bên cạnh đó, với việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp sẽ góp phần cho làm cho công tác giám sát về đạo đức nghề nghiệp sẽ được quan tâm hơn trước.
“Thời gian tới, Hội Nhà báo Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ cho hội viên; thực hiện có hiệu quả vai trò và ảnh hưởng của Hội trong việc tạo điều kiện cho các nhà báo - hội viên hành nghề theo đúng định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Trong đó, Hội chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, mời các nhà báo có nhiều kinh nghiệm ở Trung ương truyền đạt kỹ năng, kiến thức tác nghiệp trên các lĩnh vực cho nhà báo, hội viên, nhất là những nhà báo trẻ, mới vào nghề… Tạo thêm các diễn đàn để cho các nhà báo, hội viên trao đổi tâm tư và kinh nghiệm hành nghề.”, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên chia sẻ.
TheoBảo An/ Báo Nhà báo & Công luận