Công tác quy hoạch, thu hút cán bộ có năng lực, tâm huyết làm công tác Hội Nhà báo địa phương là một trong những vấn đề “nóng” được những người làm công tác Hội đặt ra tại nhiều kỳ Hội nghị toàn quốc của HNBVN.
LTS: Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2018 đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ là nhìn thẳng vào những hạn chế, khuyết điểm, xác định rõ các nguyên nhân, từ đó đề ra được những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động của các cấp HNB.
Bàn về câu chuyện điều kiện “cần” và “đủ” cho hoạt động của Hội Nhà báo (HNB) địa phương, Chủ tịch HNB tỉnh Quảng Ngãi Hà Minh Đích đã thẳng thắn nhìn nhận thực tế về công tác tổ chức cán bộ ở HNB địa phương hiện nay và có những hiến kế, giải pháp nhằm góp thêm một tiếng nói quan trọng trong việc tháo gỡ vấn đề này.
Ba vướng mắc lớn
Từ thực tiễn hoạt động, nhà báo Hà Minh Đích chỉ rõ: Giữa lúc cả hệ thống chính trị đang quyết liệt thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, HNB các cấp không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, đối với HNB các tỉnh, thành phố (gọi tắt là HNB địa phương) khi triển khai nhiệm vụ này lại gặp những khó khăn vướng mắc, cần thiết phải có ngay biện pháp để tháo gỡ.
Vướng mắc thứ nhất là trong công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt từ nguồn cán bộ chuyên trách. Trong Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành HNBVN khóa X có chủ trương: “Phối hợp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành T.Ư trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp Hội” (phấn đấu hoàn thành công việc này trong năm 2017).
Thực tế khi triển khai thực hiện nhiệm vụ này, nhiều Hội địa phương gặp vướng mắc, đó là, về phía T.Ư Hội chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo HNB tỉnh, thành phố, trong khi ở một số địa phương lại có những quy định quá khắt khe.
Chẳng hạn, ở Quảng Ngãi quy định: Người đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phải bảo đảm đủ tuổi để tham gia được hai khóa trở lên, ít nhất phải tham gia được trọn một khóa (ít nhất nam sinh năm 1965, nữ sinh năm 1970 trở lại đây); có trình độ đại học hệ chính quy hoặc thạc sĩ; cao cấp lý luận chính trị.
“Đối chiếu với thực tế đội ngũ cán bộ chuyên trách HNB địa phương hiện nay, phần đông khó đáp ứng được yêu cầu này. Cán bộ chuyên trách phần đông đều đã lớn tuổi, thậm chí nhiều người đã về hưu. Do nhiều nguyên nhân họ cũng được đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau, người học theo hệ chính quy, người vừa làm vừa học.
Nếu áp dụng tiêu chuẩn quy hoạch theo chủ trương của địa phương (như ở Quảng Ngãi) thì hầu hết cán bộ chuyên trách công tác Hội hiện nay không thể tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khóa tới. Trong khi đó, phần đông những cán bộ chuyên trách công tác Hội địa phương đều là những người đã có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy, có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, nếu không sử dụng đội ngũ này thì thật là lãng phí”, nhà báo Hà Minh Đích phân tích.
Vướng mắc thứ hai là trong việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý ở HNB địa phương. Hiện nay, tương tự như công tác quy hoạch, tiêu chuẩn này đối với HNB tỉnh cũng khó đáp ứng.
Thực tế, biên chế HNB tỉnh ít, số cán bộ sinh năm 1975 trở lại đây có trình độ đại học hệ chính quy cũng không nhiều, phần đông là cao đẳng hoặc đại học không chính quy. Nếu áp dụng tiêu chuẩn này, nhiều Hội địa phương không có nguồn cán bộ chuyên trách để bổ nhiệm các chức danh như Chánh, Phó Chánh văn phòng…
Thứ ba là vướng mắc trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao về công tác tại HNB địa phương. Theo Chủ tịch HNB Quảng Ngãi, có một thực tế là hiện nay thu nhập của cán bộ, nhân viên làm chuyên trách công tác Hội ở địa phương rất thấp.
Họ không được hưởng chế độ 25% phụ cấp công vụ như công chức ở khối chính quyền, càng không có 55% phụ cấp như người làm công tác ở khối Đảng. Phần lớn chỉ hưởng lương theo hệ số chuyên viên hoặc cán sự, ngoài ra không có nguồn thu nhập nào khác. Thu nhập thấp nên nhiều hội viên - nhà báo công tác tại các cơ quan báo chí địa phương không muốn chuyển sang làm công tác Hội, kể cả chuyển sang làm cán bộ lãnh đạo, quản lý như Chánh, Phó Chánh văn phòng hay Phó Chủ tịch Thường trực Hội, đó là chưa kể đến những người ngoài ngành… thì càng khó, càng hiếm.
Cần nhiều giải pháp tháo gỡ…
Nhà báo Hà Minh Đích cho biết, bộ máy HNB địa phương hiện nay được hình thành phổ biến theo cơ cấu: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các Chi hội cơ sở, các CLB, các ban chuyên môn. Giúp việc Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, điều hành mọi hoạt động của Hội có Văn phòng Hội với các chức danh Chánh, Phó Chánh văn phòng, kế toán, thủ quỹ, văn thư… với số lượng biên chế, lao động (chuyên trách) nơi nhiều nhất 7-8 người, ít nhất 1-2 người.
Mô hình cán bộ lãnh đạo chủ chốt của HNB địa phương đang tồn tại hai hình thức: Chủ tịch kiêm nhiệm và Chủ tịch chuyên trách. Nơi Chủ tịch kiêm nhiệm thường có Phó Chủ tịch chuyên trách, nơi Chủ tịch chuyên trách thì các Phó Chủ tịch thường kiêm nhiệm…
Từ thực tế và những vướng mắc này, nhà báo Hà Minh Đích đã đề xuất những giải pháp đồng bộ, quan trọng. Đó là T.Ư Hội nên sớm có hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo HNB địa phương; cho chủ trương (bằng văn bản) về tiêu chuẩn quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhiệm kỳ 2020-2025.
Riêng cán bộ chuyên trách công tác Hội đã có thời gian chuyên trách từ 5 năm trở lên, khi quy hoạch các chức danh Phó Chủ tịch, Chánh, Phó Chánh Văn phòng, về tiêu chuẩn chỉ nên có trình độ chuyên môn đại học, không phân biệt hệ chính quy tại chức, trung cấp lý luận chính trị; về độ tuổi cũng cần xem xét để sử dụng những cán bộ cao tuổi, có kinh nghiệm, tâm huyết, tiếp tục đóng góp xây dựng tổ chức Hội.
Bên cạnh đó, T.Ư Hội cần có tiếng nói can thiệp với Bộ, ngành liên quan để cán bộ chuyên trách ở các HNB địa phương được hưởng chế độ phụ cấp, ít nhất cũng bằng 25% như công chức ở khối chính quyền và tối thiểu cũng áp dụng với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực và Chánh, Phó Chánh văn phòng, có như vậy mới thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại các HNB địa phương. Nếu ngân sách không hỗ trợ khoản phụ cấp này thì nên có cơ chế để các Hội địa phương được chi phụ cấp từ nguồn kinh phí tự có của Hội, được thanh quyết toán một cách công khai, hợp pháp.
“Công tác tổ chức cán bộ có vị trí hết sức quan trọng đối với mọi tổ chức trong hệ thống chính trị. Thiết nghĩ, Trung ương Hội cần sớm có chủ trương để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HNB địa phương trong thời gian tới”, Chủ tịch HNB Quảng Ngãi nêu kiến nghị.
Lan Vi (ghi)/Báo Nhà báo & Công luận