Phải có sự “nuôi dưỡng” để nguồn thu từ xuất khẩu lao động thực sự bền vững
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Liên tiếp hai năm 2017, 2018 nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa bị Bộ LĐ, TB&XH thông báo ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc do có tới trên 30% số lao động hết hạn lao động không trở về nước.
Các địa phương phải “đóng cửa” xuất khẩu lao động sang thị trường này theo Văn bản số 1665/BLĐTBXH-QLLĐNN, ngày 4/5/2018 của Bộ LĐ, TB&XH là: T.P Thanh Hóa, các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn.
Những huyện này đã được “điểm mặt” trước đó nhưng ít được cải thiện.
Người lao động vì lòng tham, còn chính quyền địa phương và cơ quan quản lý lao động thì vì cái gì. Năng lực quản lý yếu hay tính thuyết phục trong vận động chưa cao?
Lực lượng lao động xuất khẩu những năm gần đây đã gửi về nước số tiền lớn, trước tiên cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ và người thân, sau đó góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhưng rõ ràng số tiền đem lại từ xuất khẩu lao động không phải là nguồn thu bền vững nếu khai thác không đúng cách, đúng quy định của pháp luật. Nó cần phải được “nuôi dưỡng” để trở thành nguồn thu ổn định. Những lao động khác có thể cùng tham gia, lao động hết hạn trở về nước cũng có thể tái xuất. Đó là tầm nhìn dài hạn nhưng không nhiều lao động lựa chọn. Họ thường chăm chú vào lợi ích trước mắt là bỏ ra ngoài để có thu nhập cao hơn hoặc hết hạn mà không về nước.
Đáng nói là, nguồn thu của người lao động cũng “che mắt” người thân của họ ở quê nhà nên rất ít người có tác động để lao động trở về nước. Ngược lại, họ còn cổ vũ, động viên người thân chấp nhận cuộc sống chui lủi ở xứ người một số năm để có tiền. Họ đang làm mất đi cơ hội của lao động khác, cũng làm xấu đi hình ảnh người Thanh Hóa ở nước ngoài.
Một thực trạng buồn, và phải nhận diện nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.
Để được đi làm việc ở nước ngoài nhiều lao động phải chi phí không nhỏ, trong đó có nhiều chi phí không chính thức nên thường có tâm lý cố ở lại để thu hồi vốn. Trở ngại lớn nữa là nỗi lo khi về nước khó tìm được việc làm phù hợp.
Sẽ có nhiều thị trường nữa cần lao động giá rẻ, nhưng cứ đà này, chưa chắc họ đã mặn mà với lao động Việt Nam.
Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý lao động, vai trò vận động, thuyết phục của thân nhân lao động ngoài nước là hết sức quan trọng. Nếu không thể hiện được một tầm nhìn dài hạn họ sẽ đánh mất đi tương lai xuất khẩu lao động của đất nước.
Lam Vũ