Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet
Gần gũi bởi nghe xong ai cũng biết câu nói đó ám chỉ sự bất hợp lý trong chính sách đãi ngộ cán bộ và phân công lao động ở một số cơ quan, đơn vị.
Còn xa xôi bởi điều này nghe đã thành quen, nhưng việc khắc phục, sữa chữa thì ít chuyển biến. Nhiều người đấu tranh bất thành, vì u uất đã chấp nhận cởi bỏ “chiếc áo” công chức để gia nhập khối kinh tế dân doanh.
Câu chuyện một Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh viết đơn xin nghỉ việc để ra ngoài thành lập doanh nghiệp mấy năm trước ít nhiều gieo vào lòng chúng ta những hoài nghi.
Gần đây thì lại có tới 40 người thuộc loại tài năng ở thành phố Đà Nẵng xin nghỉ việc, tiếp tục dấy lên nỗi lo về sự “chảy máu” chất xám.
Những câu hỏi được đặt ra, nhưng cơ bản rơi vào im lặng. Ngay cả những người tài, người có năng lực cũng im lặng, vì biết đâu lúc nào đó sẽ đến lượt mình phải viết đơn xin nghỉ việc. Tài năng, nhưng vẫn cần phải… “im lặng là vàng” để chờ đợi sự may mắn được cấp trên để ý, được “tạo điều kiện” để cống hiến tài năng! Một thực trạng buồn, và sự thiệt thòi lớn nhất thuộc về Nhà nước.
Bây giờ thì không cần phải im lặng chờ thời nữa. Sau Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII), câu chuyện dùng người, sử dụng người có năng lực và trả lương theo năng lực, vị trí việc làm của cán bộ được bàn nhiều nhất, rất nhiều người chờ đợi và hy vọng. Một làn “gió mới”, dù mới chỉ bắt đầu, nhưng cảm giác cái “mát” đã đâu đó rất gần.
Lâu nay việc trả lương cho cán bộ sống lâu thành lão, không bị kỷ luật thì cứ thế, đến hẹn lại tăng. Ai khéo ăn, khéo ở thì trước sau gì cũng có “ghế” để ngồi gây bức xúc ở nhiều cơ quan.
Một cán bộ làm công tác tổ chức mà tôi biết đã tỏ ra bực mình về chuyện một chuyên viên ở cơ quan anh cứ đầu giờ đến pha nước chè, loanh quanh đến lưng chừng buổi lại cắp ô về, mỗi tháng lĩnh gần gần 10 triệu đồng tiền lương. Còn anh, vì biết nhiều việc, lại trẻ tuổi, nhanh nhẹn nên được cấp trên “tin tưởng” giao bất cứ việc gì có thể, lương tháng chỉ hơn 5 triệu. Sự bất hợp lý xảy ra ở ngay cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ, thì đương nhiên sự bất bình là điều khó tránh khỏi ở nhiều cơ quan khác.
Giảm biên chế, tăng lương, sử dụng người tài, người làm được việc… Toàn những thứ xa xôi một thời, nhưng bây giờ thì đã rất gần sau khi Trung ương thảo luận rất kỹ, bàn sâu và đã ban hành thành nghị quyết, vấn đề chỉ còn là thời gian, cách tổ chức thực hiện như thế nào. Và lúc ấy - chắc chắn rồi, anh cán bộ tổ chức trẻ kia sẽ rất vui. Nhiều người cũng sẽ rất vui, bởi đó là sự công bằng, và đến lúc nào đó câu nói: “Cày cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống” cũng dần bị lãng quên, mà chỉ còn “đường sữa” dành cho người làm được việc. Nhất định rồi!
An Nhiên