Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet
Trước đó, lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em quy mô do Bộ LĐ, TB&XH tổ chức với sự trợ giúp từ sức mạnh của truyền thông đã chuyển tải thông điệp lớn lao vì con trẻ đến mọi người.
Nhưng như thế đã đủ chưa khi lâu nay phần lớn chúng ta mới chỉ dừng lại ở nhận thức mà chưa thật sự hành động hoặc hành động nhưng theo kiểu ngẫu hứng và mùa vụ?
Bình quân mỗi năm Việt Nam có trên 2.000 trẻ em thiệt mạng do đuối nước; nhiều tai nạn thương tích và bạo hành trẻ em xảy ra gây sự bàng hoàng.
Những con số xót xa, nhưng dường như mới chỉ kích động cảm xúc nhất thời, mà chưa thật sự hối thúc trách nhiệm dài lâu của bậc làm cha, làm mẹ.
Áp lực mưu sinh khiến nhiều người quên đi nghĩa vụ cũng như tình thương đích thực của mình đối với con trẻ. Họ thường đáp ứng về tiền bạc và dễ dàng cung cấp những tiện ích cho trẻ, và nghĩ rằng mình đã làm đúng, trẻ em chỉ cần có vậy.
Cách suy nghĩ cực đoan đã tác động nguy hiểm khiến nhiều đứa trẻ đang trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà mình, và trở nên khó dạy bảo hơn.
Năm nào cũng thế, cứ đến tháng sáu nhiều hoạt động cho trẻ lại được tổ chức. Nhưng dường như cũng cũng chỉ có thế, hết Thành hành động vì trẻ em, thậm chí chỉ qua Ngày Quốc tế thiếu nhi mọi việc lại trở về với nhịp sống gấp gáp thường nhật. Cơ quan đứng ra tổ chức hoạt động phần lớn vẫn nặng về hình thức, mà chưa thật sự xem đã phù hợp chưa, trẻ em đã nhận được gì từ hoạt động do mình tổ chức.
Hình ảnh nhiều đứa trẻ phải lầm lũi đến lớp, thậm chí phải đến lớp học từ rất sớm và ra về muộn giờ vì phải phụ thuộc vào giờ làm của người lớn không quá xa lạ trong những ngày đầu hè. Chúng phải chịu thiệt thòi ngày trong Tháng hành động vì trẻ em.
Những hình ảnh câu thúc chúng ta, và rõ ràng, chúng ta - những người lớn cần phải vượt lên cảm xúc nhất thời khi tiếp xúc được dòng tin về trẻ bị thương tích hoặc chợt xem được những clip về sự bạo hành con trẻ, để thường trực tình thương cho chúng.
Đừng khiến những đứa trẻ bị rơi vào hoàn cảnh “bội thực” trong niềm vui ngắn ngủi những ngày đầu hè, rồi lại tiếp tục bị thả nổi trong cuộc sống có quá nhiều cạm bẫy.
Cần lắm tinh thần, trách nhiệm, sự phối hợp thực sự giữa gia đình - nhà trường và xã hội bằng chính trái tim yêu thương của chúng ta, để Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật về trẻ em được thực thi hiệu quả.
Đó là một cách đầu tư khôn ngoan và trách nhiệm của chúng ta.
Cát Điền