Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Hồng Vinh.
Gần 10 năm trở lại đây, tôi lại biết và đọc một Nguyễn Hồng Vinh khác. Đó là tác giả của những bài thơ giàu cảm xúc trước nhân tình thế thái và tình đời, tình người; vừa sâu thẳm, vừa mênh mang.
Mới đây từ Hà Nội, Nguyễn Hồng Vinh gửi tặng tôi tập sách mới của ông, tập "Thơ và Dấu ấn cuộc đời" (NXB Văn học - 2018). Đúng như "lời thưa" mở đầu tập sách, ông cho biết, xuất bản tập sách này đúng dịp kỷ niệm tròn 50 năm ông bước vào nghề báo và 18 năm tham gia hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật. Tập sách khá đầy đặn, dày 431 trang được chia thành 2 phần: Phần 1 gồm 52 bài thơ Nguyễn Hồng Vinh sáng tác từ năm 2016 đến nay và phần 2 gồm 38 bài viết của nhiều cây viết thành danh giới thiệu thơ và phỏng vấn ông về những hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí.
Khác với những tác phẩm báo chí sắc sảo, nhạy bén và hừng hực hơi thở cuộc sống, thơ của Nguyễn Hồng Vinh tràn dâng cảm xúc, đau đáu nỗi niềm nhân tình thế thái và lãng mạn, du dương.
Không bàn đến những bài thơ xuất hiện trong 6 tập thơ trước, mở đầu là tập "Từ những nẻo đường" (NXB HNV - 2010), 52 bài thơ trong "Thơ và Dấu ấn cuộc đời" cho thấy sự chuyển về chất trong thơ của một nhà báo chuyên viết chính luận, phóng sự và một nhà quản lý báo chí - văn nghệ ở tầm vĩ mô. Dù có du dương, bay bổng nhưng thơ Nguyễn Hồng Vinh vẫn xoay quanh hai trục chính: Nhân tình thế thái và tình yêu.
Bìa tập thơ.
Là một nhà hoạt động chính trị với nhiều vị trí quan trọng, then chốt trong lĩnh vực báo chí - văn nghệ của đất nước, nhưng Nguyễn Hồng Vinh không tách khỏi đời thường. Tố chất của một phóng viên viết phóng sự và một nhà báo viết chuyên luận cho ông cách nhìn đa chiều. Một dịp giáp tết đến phòng làm việc của một cán bộ, ông nhận xét: "Cửa ra vào phòng sếp/Dấu chân đè dấu chân/Quà không còn chỗ đặt".
Và rồi nhà thơ bỗng thấy chạnh lòng khi nhìn xã hội có những người dùng một túi xách giá trên dưới 500 triệu đồng. Ông viết: "Có người một túi xách/Bằng mười nhà tặng Dân". Đau đáu nỗi niềm, nhà thơ ước ao nếu dùng số tiền ấy có thể làm được 10 căn nhà chia sẻ cho những người dân đang nghèo khó, không chỗ nương thân.
Và, với góc nhìn của một người từng trải, ông luận về hành vi của những người đang lợi dụng chức vụ vơ vét tiền bạc của nhân dân: "Ngẫm ra đều phù vân/Hão huyền và ảo tưởng/Chỉ tình người còn đọng/Giữa bộn bề trái ngang"...
Nguyễn Hồng Vinh đã từng sống và học tập ở nước Nga, nên hơn ai hết, ông có tình cảm đặc biệt với xứ sở Bạch dương - quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Những bài thơ về nước Nga của ông sâu thẳm nỗi niềm. Đó là các bài: Một thời nhớ mãi; Hoài niệm tháng 6; Nước Nga trong tôi; Hai trong một; Nhớ nước Nga... Những thăng trầm của nước Nga đã chạm vào trái tim mẫn cảm của nhà thơ. Nguyễn Hồng Vinh viết: "Bao thăng trầm dữ dội/Có lúc thắt tim ta". Dẫu vậy, ông vẫn có niềm tin: "Viếng Lênin vĩ đại/Trong chuyển vần thời cuộc/Tìm niềm tin từ đây" (Nhớ nước Nga)...
Thơ Nguyễn Hồng Vinh không chỉ là nỗi trăn trở nhân tình thế thái với một niềm tin sắt đá vào sự công bằng, chính trực mà còn da diết, thiết tha tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. Quả thực ở lĩnh vực này ta gặp một Nguyễn Hồng Vinh khác. Một người thơ rất trẻ, rất đời thường. Ông vui với hạnh phúc bình dị mà ai cũng có thể có được với cháu gái (Yêu sao cháu gái) với đồng nghiệp cao niên (Tuổi 90)... Ông hồi hộp, thổn thức với trái tim của người đang yêu: "Em vừa bay phương Nam/Hà thành bỗng mưa tầm tã/Trời sớm nay mây đen vần vũ/Xa một ngày mọi thứ đã hư không" (Lòng người - ai biết)...
Ông nói hộ những người yêu nhau mà không được ở bên nhau: "Chợt nhớ bó hồng tặng em sinh nhật/Và bài thơ xúc cảm nén dồn/Chợt biết em bên trời Tây tuyết trắng/Xuân này thăm thẳm nỗi cô đơn" (Bất chợt). Trái tim của nhà quản lý, chính khách ấy cũng đa đoan, bay bổng: "Chân trần em băng trong cát nóng/Vội vã đi xa/Để lại mênh mang hoang mạc"...
Nguyễn Hồng Vinh không nhận mình là nhà thơ, nhưng rõ ràng đọc thơ ông người ta vẫn nhận ra sự lấp lánh của những câu chữ nặng tình đời, tình người. Thơ là hạt sương đọng lại trên lá sen giữa trưa hè bỏng nắng. Thơ là sự thăng hoa của cảm xúc, là âm thanh bừng lên trên phím đàn... Đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh đâu đó ta nhận ra điều đó.
"Thơ và Dấu ấn cuộc đời" là đứa con tinh thần thứ 10 với gương mặt sáng sủa và tình cảm trong trẻo của ông.
Xin chúc mừng nhà báo lão thành - PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh bền bỉ nửa thế kỷ làm báo và ước mong được đọc những tác phẩm mới thấm đẫm tình đời, tình người của ông.
TP Hồ Chí Minh, tháng 6/2018
Theo Trần Thế Tuyển/Báo Hà Nội Mới