Nguồn nước thải chưa qua xử lý hồn nhiên thải ra môi trường (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Theo giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thanh Hóa từ tháng 1/2016 đến nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã phát hiện rất nhiều vi phạm.
Thảo luận tại kỳ họp, nhiều ý kiến cũng thể hiện sự bất bình khi có nhiều doanh nghiệp vi phạm xả thải ra môi trường nhưng chưa bị xử lý thích đáng.
Những doanh nghiệp này ngày càng trở nên “nhờn” luật hơn, họ sẵn sàng chấp nhận bị phạt, bị đóng cửa tạm thời để sau khi được hoạt động trở lại tiếp tục xả thải ra môi trường.
Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chỉ ra sự bất cập trong công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền và cơ quan chức năng. Lúc nào kiểm tra gắt gao thì doanh nghiệp xả thải ít và “đúng luồng”, kiểm tra ít thì xả thải nhiều và “ngoài luồng”. Thậm chí đoàn chưa đi kiểm tra doanh nghiệp đã biết bao giờ đoàn sẽ đến.
Bây giờ nhiều doanh nghiệp có hai đường ống xả thải, và họ biết phải sử dụng như thế nào trong từng hoàn cảnh. Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát hiện gần như doanh nghiệp nào cũng vi phạm ở những mức độ khác nhau. Và qua giám sát cũng nhận diện rõ thêm tình trạng thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý của một số chính quyền địa phương.
Dường như bên cạnh sự bất lực trong xử lý vi phạm xả thải ra môi trường, một số địa phương đang chấp nhận “đánh đổi”. Họ thường chỉ xử phạt hoặc tạm dừng hoạt động của doanh nghiệp vi phạm, sau đó lại cho hoạt động tiếp. Doanh nghiệp vi phạm quy định về môi trường nhưng cũng chính là nơi tạo việc làm và thực hiện nhiều nghĩa vụ cho địa phương. Lựa chọn này cho thấy chúng ta đang quá quan tâm đến cái lợi trước mắt, thể hiện tầm nhìn ngắn hạn và tiêu cực.
Theo Kế hoạch hành động số 135/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, thì tổng nhu cầu vốn cho sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020 là 4.630 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay mới bố trí được 1.067 tỷ đồng, đạt 23%, là con số không nhiều so với yêu cầu gắt gao đặt ra về đảm bảo môi trường hiện nay.
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế là vấn đề được thảo luận và đặt ra cấp bách tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Một quyết tâm chính trị rõ ràng, nhưng để thực hiện nghiêm túc và hiệu quả thì vẫn cần có thời gian và sự thay đổi về nhận thức.
Lam Vũ