Hiện tại, cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu, vừa yếu, nhưng số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa.
Vừa thiếu vừa yếu
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều than thở thiếu và yếu. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần khách sạn giao tế Nghệ An cho biết, dù có gần 150 nhân sự nhưng công ty vẫn thiếu người làm, nhất là những người được đào tạo về chuyên môn. Ngay thời điểm này công ty đang tuyển dụng thêm 30 lao động cho các vị trí như: bồi bàn, lễ tân và kỹ thuật bếp nhưng chỉ có 5 lao động đến nộp hồ sơ và hầu hết là trái ngành và chưa qua đào tạo.
"Điều đáng nói là trong số 50% lao động tại công ty có bằng đào tạo đúng chuyên ngành nhưng hàng năm công ty vẫn phải phối hợp để tổ chức bồi dưỡng hoặc đào tạo lại theo đúng yêu cầu thực tế của công việc", bà Ánh cho biết.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Trung tâm điều hành hướng dẫn viên Việt Nam - Công ty Vietravel chia sẻ, trung tâm hiện có khoảng 110 hướng dẫn viên đang làm việc chính thức và hơn 1.000 hướng dẫn viên cộng tác.
Là đơn vị cung ứng nguồn nhân lực dẫn đầu trong toàn ngành, nhưng trung tâm cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu người khi vào mùa cao điểm. Cùng tâm trạng này, đại diện Công ty cổ phần lữ hành quốc tế Thái Sơn Travel cho biết, trong những dịp cao điểm mùa du lịch tháng 5 đến tháng 8, tình trạng khan hiếm nhân lực diễn ra thường xuyên.
"Để lấp chỗ trống này, không riêng gì công ty chúng tôi, nhiều công ty lữ hành buộc phải thuê đội ngũ cộng tác viên tại các điểm đến trong tour du lịch hoặc thuê sinh viên theo mùa vụ", bà Hương chia sẻ.
Thực tế cho thấy việc thiếu nguồn nhân lực cũng khác nhau theo vùng miền. Do các cơ sở đào tạo du lịch tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Tp.HCM, nên các khu vực miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nhân lực khá hạn chế.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá: chất lượng nguồn nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long yếu nhất so với các vùng khác. Hầu hết các doanh nghiệp, người dân làm dịch vụ du lịch tự phát, tự rút kinh nghiệm. Một số doanh nghiệp cử nhân viên đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nhưng "một đi không trở lại" do các nơi khác thu hút nhân tài.
Theo nghiên cứu khảo sát nguồn nhân lực du lịch tại 3 tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang năm 2015 của dự án EU, lĩnh vực lưu trú và lữ hành đang thiếu hụt nguồn lao động có đủ năng lực. Ông Hoàng Nhân Chính - Chuyên gia kỹ thuật của dự án nhấn mạnh, chỉ có khoảng 15-20% số nhân viên thực sự đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn của ngành du lịch, 50-60% đáp ứng được một phần và còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Cần linh hoạt và ứng dụng công nghệ mới
Theo Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng tương tự. Thực tế, mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch.
Dự báo thời gian tới tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 25 - 35%/năm và theo kế hoạch đến năm 2020, ngành kinh tế xanh cần khoảng trên 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng nghìn lao động lĩnh vực du lịch tàu biển.
Hiện nay, hàng loạt khách sạn 4, 5 sao liên tục được các doanh nghiệp lớn đầu tư đưa vào hoạt động như VinGroup, SunGroup, FLC, Saigontourist... Cùng với đó, nhiều thương hiệu quốc tế hàng đầu về bất động sản du lịch như Accor, JW Marriott, Hyatt, InterContinental, Four Seasons... đã và đang rốt ráo tăng thêm thị phần tại Việt Nam.
Vì thế, nguồn lao động chất lượng cao được "săn đón" quyết liệt; đầu ra từ các trường đào tạo chuyên ngành du lịch gần như không đủ cung cấp cho thị trường thời điểm này và cả những năm tới. Để khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đào tạo, cấp thẻ và tăng cường số lượng hướng dẫn viên.
Mặt khác, có những biện pháp linh hoạt, không cứng nhắc trong công tác quản lý, đào tạo và cấp thẻ cho hướng dẫn viên. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch cũng đã khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ mới trong việc cung cấp dịch vụ, thông tin điểm đến cho du khách...
Theo Vneconomy