Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Để hạn chế bớt việc… “con gà tức nhau tiếng gáy” (23/09/2018-8:04)
    (NLBTH) - Thành phố Thanh Hóa đang tạo ra sự thay đổi đáng kể thói quen của người dân trên địa bàn khi không tổ chức diễu hành, rước đèn và mô hình con giống trên các tuyến phố, bắt đầu từ trung thu năm nay.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Thành phố chỉ tổ chức chương trình văn nghệ và trao quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó vươn lên học giỏi tại Nhà hát Lam Sơn. Các phường, xã căn cứ thực tế chỉ đạo các phố, thôn tổ chức vui trung thu cho các cháu thiếu nhi tại các nhà văn hóa phố, thôn hoặc một điểm tập trung trên địa bàn.

Nhiều năm nay, cùng với việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em trên địa bàn dân cư, các phố thường tổ chức diễu hành với số đông người tham gia trên các tuyến phố dẫn đến ách tắc giao thông.

Đáng nói, với tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhiều phố đua nhau tổ chức các đoàn rước đèn và con giống với số đông người, phương tiện tham gia. Có những người tham gia đoàn rước ăn mặc, trang trí phản cảm. Một số người quá khích lợi dụng diễu hành để gây rối, thể hiện sự ăn thua...

Việc đua nhau tổ chức trung thu cũng gây ra sự tốn kém, lãng phí. Nhiều tổ dân phố vận động nhân dân đóng góp quá mức. Có đoàn múa lân sư rồng vào nhà dân xin tiền như một kiểu áp đặt.
Tổ chức trung thu cho con trẻ thể hiện sự quan tâm của người lớn. Nhưng lạm dụng trung thu để tổ chức các hoạt động một cách thái quá, duy ý chí, thể hiện sự áp đặt của người lớn, khiến cho đêm hội giảm giá trị và ý nghĩa.

Trả lại sân khấu đêm hội trăng rằm cho con trẻ, để chúng được sống thật với những gì mà lứa tuổi chúng mong muốn là sự cần thiết.

Thế nhưng bởi những bởi nhiều lý do, gồm cả việc thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, định hướng của cơ quan văn hóa và tổ chức đoàn - đội, đã khiến đêm hội trăng rằm ở nhiều nơi đang có xu hướng thương mại hóa và lệch chuẩn.

Việc từng bước đưa đêm hội trăng rằm trở về đúng nghĩa góp phần lập lại trật tự giao thông, đảm bảo mỹ quan đô thị, và an toàn, tiết kiệm bằng việc không tổ chức diễu hành rước đèn và mô hình con giống trên các tuyến phố cho thấy bước chuyển về ý thức, thay đổi trong cách chỉ đạo của thành phố Thanh Hóa.

Biết rằng việc rước đèn và mô hình con giống trên phố đã thành nếp mỗi dịp trung thu, nhưng cần phải thay đổi để thành phố văn minh hơn. Một sự thay đổi thói quen cần thiết, vì sự ổn định và phát triển của thành phố, bởi vậy cần nhận được sự ủng hộ của các phố, thôn và đông đảo người dân.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Trăng sáng trên vùng lũ (21/09/2018-18:34)
  • Lựa chọn… con đường cụt! (17/09/2018-9:00)
  • Cấm món khoái khẩu và chuyện văn hóa ứng xử của người Việt (16/09/2018-8:37)
  • Để đường dây “nóng” không bị “lạnh” (13/09/2018-8:07)
  • Ngăn chặn sự tự tung, tự tác (11/09/2018-7:44)
  • Căn cốt vẫn là đổi mới người thầy (10/09/2018-10:15)
  • Phẩm hạnh lao dốc (09/09/2018-12:07)
  • Thắp lửa tình người… (05/09/2018-10:02)
  • Một câu hỏi cũ (04/09/2018-9:39)
  • Hài hòa giới tính và dân tộc (31/08/2018-8:27)