Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Để đường dây “nóng” không bị “lạnh” (13/09/2018-8:07)
    (NLBTH) - Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa công khai đường dây “nóng” tiếp nhận thông tin người dân phản ánh lạm thu và dạy thêm trái quy định được người dân đón đợi và hy vọng. Việc làm này thể hiện quan điểm rất rõ ràng và mạnh mẽ của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đối với vấn nạn đã tồn tại nhiều năm.

Cơ quan quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh cần công sinh sức mạnh để môi trường sư phạm không còn bị nhuốm màu vật chất (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Về lý thuyết là thế, nhưng để việc làm này phát huy tác dụng thật sự thì phải cần đến một sự cộng sinh trách nhiệm. Sự phối hợp của phụ huynh học sinh và toàn xã hội đối với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo sẽ tạo ra sức mạnh để “tổng tấn công” vào các trường học, ở mỗi giáo viên đang “ủ” căn bạo bệnh lạm thu và dạy thêm trái quy định khi năm học mới vừa bắt đầu. Đẩy lùi được căn bệnh này phụ huynh sẽ không phải chi phí những khoản tiền vô lý, Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng lấy lại được hình ảnh của mình.

Nhưng đó mới là giả định, một sự mong muốn. Trên thực tế, có những phác đồ rất mạnh nhưng đã không đủ sức tấn công bệnh vì thiếu sự kiên quyết trong quá trình điều trị. Có những bản thiết kế, những đồ án đẹp như mơ, nhưng đã không thể trở thành hiện thực vì thiếu sự ủng hộ, tham gia của các bên liên quan.

Điều này rất có thể xảy ra khi mà việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về lạm thu và dạy thêm trái quy định sẽ tấn công vào lợi ích của một số nhà trường và một bộ phận giáo viên. Họ sẽ phòng vệ, thậm chí tìm đủ cách để chống lại, trong đó không loại trừ việc có thể sẽ có một sự thỏa hiệp giữa nhà trường, giữa giáo viên với phụ huynh học sinh.

Việc thiết lập đường dây “nóng” để cung cấp và tiếp nhận thông tin về những vấn nạn trong Ngành Giáo dục và Đào tạo đã được một số tỉnh, thành phố thực hiện, nhưng có một thực tế là thông tin phản ánh không nhiều, thường nặc danh, chung chung không đủ cơ sở để giải quyết, xử lý.

Nhìn chung, phụ huynh vẫn có tâm lý sợ cung cấp thông tin liên quan đến những người đang trực tiếp dạy con em mình hoặc phản ánh thông tin sẽ làm ảnh hưởng đến chủ trương, lợi ích của nhà trường nơi con mình đang học sẽ không có lợi cho con em mình. Họ thường chỉ bày tỏ bức xúc ở những nơi ồn ào, nhưng khi được đề nghị cung cấp thông tin một cách chính thức họ lại thường né tránh.

Thiết lập đường dây “nóng” để tiếp nhận thông tin làm cơ sở xử lý sai phạm là cần thiết. Nhưng để đường dây “nóng” không rơi vào tình trạng đường dây “lạnh”, thì cả phụ huynh học sinh và cơ quan quản lý giáo dục phải thật sự đồng hành, cùng “cộng sinh” trách nhiệm để cùng hưởng lợi.

Lam Vũ

 

 

 

Các tin khác:
  • Ngăn chặn sự tự tung, tự tác (11/09/2018-7:44)
  • Căn cốt vẫn là đổi mới người thầy (10/09/2018-10:15)
  • Phẩm hạnh lao dốc (09/09/2018-12:07)
  • Thắp lửa tình người… (05/09/2018-10:02)
  • Một câu hỏi cũ (04/09/2018-9:39)
  • Hài hòa giới tính và dân tộc (31/08/2018-8:27)
  • Xoá rào cản nhỏ, để thực hiện quyết tâm lớn (28/08/2018-8:20)
  • Tiết chế cảm xúc (27/08/2018-14:17)
  • Nhất quán với người tài (24/08/2018-9:26)
  • Niềm tin tự tâm mình (21/08/2018-7:55)