Chỉ vận động thôi, có ngăn được những quầy thịt chó bán nhan nhản trên đường?
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Hương ước làng tôi hồi ấy quy định người dân không nói bậy, gây rối, kích động dẫn đến chia rẽ đoàn kết dân làng, nhưng không ghi rõ vi phạm thì sẽ bị xử lý đến mức nào, mà thiên về vận động người dân thực hiện sao cho tốt.
Nếu có những quy định cụ thể và chặt chẽ thì chị người làng tôi đâu dám tùy tiện viết lên bảng tin. Lần ấy ông chủ nhiệm hợp tác xã cậy quyền đã nhờ dân quân xã trói chị, bắt đứng cạnh bản tin. Ông chủ nhiệm hợp tác xã bị kỷ luật mất chức sau đó, còn người vi phạm cũng mất danh dự. Một quy định nặng tính vận động đã được hiểu theo những khía cạnh khác nhau dẫn đến những cách ứng xử khác nhau.
Mấy hôm này nghe chuyện UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản khuyến cáo, vận động người dân trên địa bàn không sử dụng thịt chó khiến tôi nhớ lại bản hương ước của làng mình. Một quy định có phần định tính, mà lẽ ra nó phải được lượng hóa thành những quy định rõ ràng theo hướng luật định, thì việc giải quyết cũng dễ dàng hơn.
Chó là gia súc gây bệnh dại, nuôi nhốt không đúng cách dễ dẫn đến tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, làm mất trật tự công cộng. Sử dụng thịt chó nhiều cũng khiến gia tăng nạn trộm cắp chó với những hệ lụy đáng tiếc. Để khắc phục tình trạng này cần phải luật hóa thành những quy định cụ thể mới hy vọng ngăn chặn.
Ở nhiều nước việc nuôi và giết mổ chó đã bị cấm và được tôn trọng. Ở nước ta, trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng có quy định khá khắt khe. Thế nhưng với thịt chó, có thể chở cả xe trên đường, đưa cả tạ thịt vào chợ nhưng gần như không bị kiểm soát xem đã kiểm dịch hay chưa?
Nếu kiểm soát chặt chẽ hơn thì món khoái khẩu này không còn được dễ dãi bày bán trên đường, người tiêu dùng cũng không dễ để mua ăn với mức giá như hiện tại. Đồng tiền chi phí cho thịt chó nhiều hơn thì món khoái khẩu này có hấp dẫn đến mấy cũng không còn được sử dụng nhiều như hiện nay nữa. Đồng tiền sẽ định hướng tiêu dùng, tập quán ẩm thực hay thói quen sử dụng thịt chó rồi cũng sẽ dần được thay đổi.
Văn bản khuyến cáo, vận động người dân kiểu như không nên sử dụng thịt chó bây giờ có ở nhiều nơi chứ không chỉ riêng Hà Nội. Trong cuộc sống chúng ta đã chứng kiến có những điều đã được luật hóa thành mức phạt đánh vào đồng tiền trong túi, tác động đến danh dự người vi phạm mà còn khó khăn trong xử lý như quy định cấm hút thuốc lá, cấm đi vệ sinh nơi cộng… thì những thứ đã thành thói quen, có tính tập quán như sử dụng thịt chó, liệu chỉ vận động thôi có tác dụng gì?
Để thay đổi thói quen sử dụng thịt chó, bên cạnh ban hành văn bản vận động để “dọn đường”, phải có những quy định mạnh mẽ hơn mang tính pháp luật mới hy vọng thay đổi.
An Nhiên