Hồi còn ở quê, mùa gặt là mùa lũ trẻ chúng tôi thích nhất. Chỉ phải đi học một buổi, buổi còn lại đứa nào nhà không có trâu bò, thì tìm đủ cách để trốn nhà theo những đứa trẻ khác trong làng đi chăn trâu. Mỗi lần như thế chúng tôi thường chuẩn bị dụng cụ để bắt lũ sẻ đồng. Chúng tôi lúi húi nấp sau những đụn rơm cao ngất trên những thửa ruộng vừa gặt xong để chờ đợi, và lao đến khi có chú chim nào đó dính bẫy. Chú chim sợ hãi kêu loạn xạ khi bị chuyền hết tay đứa này đến đứa kia, cuối cùng đứa tợn nhất trong nhóm dành được quyền đem chú sẻ đồng về nhà để nuôi. Thế nhưng nó đã không giữ lời hứa, giết thịt con sẻ đồng. Thương chim, nhiều đứa rơm rớm nước mắt, từ đó không bẫy chim nữa. Lũ sẻ đồng nhận thấy sự an toàn cho mình nên thân thiện, hiền ngoan hơn. Chúng sà xuống những đụn rơm, đậu trên lưng trâu nhảy nhót, chúng tôi đến gần mới vụt bay. Một cảm giác thật yên bình từ thanh âm của gió, tiếng cỏ cây, và màu nắng…
Mùa gặt lũ sẻ về, không hẳn chỉ để ăn lúa, mà giống như một cái hẹn với cánh đồng, với lũ trẻ chúng tôi.
Sau mùa gặt, khi lúa về bồ nhà, thứ được chờ đợi nhất là bữa cơm mới. Trong mâm cỗ cúng cơm mới đều có thực phẩm tươi, có thể là con gà tự nuôi, vài lạng thịt lợn người lớn dậy sớm lên chợ huyện mua về. Nhà không có điều kiện thì cúng đĩa cá rô đồng kho, bát canh cua nấu với rau tập tàng. Những con rô đồng sau mùa gặt to và vàng ruộm. Chúng nhảy lên đớp những giẻ lúa thừa trên thân rạ tạo ra tiếng động rất vui tai. Chúng tôi bắt lũ cá bằng những cách khác nhau, bằng chiếc cần câu làm từ thân cây đay khô buộc dây dù và lưỡi câu tự uốn hoặc làm ùng, làm dậy ở nơi vắng người qua lại, lũ cá phởn chí nhảy lên bờ và bị nhốt lại. Hồi đó thực phẩm khan hiếm thỉ đó là những đồ ăn tự cung, tự cấp của dân làng, vụ nọ nối mùa kia nuôi chúng tôi lớn lên, đi xa…
Còn một thứ nữa được chờ đợi sau mùa gặt, đó là cốm. Những hạt cốm không quá thơm, cũng không xanh như bây giờ, nhưng thấm đẫm mồ hôi người chăm cấy, mang theo sự chờ đợi của lũ trẻ trong làng. Người lớn giã xong, sáng mai chúng tôi đem cốm đến lớp mời cô giáo cùng ăn, rất tình cảm. Cốm từ gạo làng không gắn với thương hiệu nào cả, nhưng không thể quên. Trong ký ức của mình, bên cạnh lũ sẻ đồng hiền ngoan, cá rô đồng béo bự mùa gặt, còn có một ngăn để chúng tôi dành cất những hạt cốm.
Đi học xa, rồi đi làm trên phố nhưng ký ức tuổi thơ, những kỷ niệm với đồng làng vẫn không nguôi nhớ. Nhớ cốm, thương quê, năm hai vụ gặt tôi thường tìm ra ngoại ô để được sống lại thời thơ trẻ. Tôi đặt lịch với một người quen ở ngoại thành để được làm nông dân vào mùa gặt, và thường dẫn lũ trẻ đi cùng. Chúng háo hức, nhưng không chịu được sự mệt nhọc. Lũ trẻ đâu hiểu được sự vất vả, lo lắng của bố mẹ, ông bà chúng đã phải đi qua những mùa lúa như thế nào. Những cảm xúc từ khi còn là hạt giống, đến lúc gieo mầm, đưa mạ ra ruộng, chờ đợi tới lúc cây lúa ngậm đồng, trổ bông, uốn câu, vàng hạt. Nếu không có bão lũ là thở phào, bằng không cả cánh đồng trắng băng trong nước. Những năm bão lũ về sớm nước ngập ngang ngực, người lớn đẩy chiếc thuyền nan, dùng hái vớt từng bông lúa ngâm trong nước đưa lên thuyền, mắt đượm buồn. Lũ trẻ chúng tôi cũng buồn. Đồng làng ngập nước cũng khó để gọi lũ sẻ đồng về…
Cốm làng, sẻ đồng và nhiều thứ nữa trên cánh đồng làng… Sẽ thật khó để những đứa trẻ sinh ra từ làng quên đi kỷ niệm ấy. Tuy vậy, không phải điều kiện của ai cũng có thể cho họ được sống với đồng làng, nhất là vào mùa gặt.
Tôi vẫn giữ thói quen xếp lịch cho mình, nhưng rồi công việc khiến nhiều khi thất hứa. Mỗi khi có việc đi qua cánh đồng làng tôi chỉ kịp nhìn những người nông dân gặt lúa qua kính xe loang loáng. Những nông dân hiện đại trong thời kỳ làng quê xây dựng nông thôn mới. Họ gặt lúa bằng máy, vận chuyển lúa bằng xe, thậm chí gặt đập liên hợp ngay trên cánh đồng, chuyển lúa về nhà khi hạt đã khô, rơm thơm cũng đốt ngay trên ngay cánh đồng sau mùa gặt. Những “làng ta thành phố, xã ta lên phường” khiến cho bộ mặt làng quê hiện đại hơn, nhưng cũng nao lòng.
Lâu rồi mới ra ngoại ô, được ngắm nhìn cánh đồng làng thỏa thuê, nhưng thật khó để tìm lại được cái cảm giác thời thơ bé. Tôi đứng đó, giữa ràn rạt gió, kệ gió trèo vào ngóc ngách tâm hồn mình.
Ôi, đâu rồi kỷ niệm trên cánh đồng một thưở!
Lam Vũ