BTC Liên hoan toàn quốc Tiếng hát người làm báo Việt Nam mở rộng lần thứ VI- năm 2018
cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo ngày 19/9. Ảnh: Phú Thắng
Sự đổi mới trong công tác tổ chức cùng tinh thần hồ hởi, đầy quyết tâm của các thí sinh, hứa hẹn sẽ mang đến cho Liên hoan năm nay những sắc thái mới ấn tượng.
Sức trẻ góp phần tạo thêm sức cuốn hút
Liên hoan năm nay có sự đổi mới về đối tượng dự thi, trong đó, bên cạnh các hội viên hoặc nhà báo, công nhân viên của các cơ quan báo chí, các Liên Chi hội, Chi hội nhà báo... thì lần đầu tiên có sự tham dự của giảng viên, sinh viên khoa báo chí, phát thanh, truyền hình của các trường có đào tạo chuyên ngành báo chí.
Với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, truyền thống hào hùng của dân tộc nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng, năm nay, Liên hoan có sự tham gia của các giọng ca đến từ 43 cơ quan báo chí và các cấp Hội trong cả nước…
“Các tiết mục tham dự không giới hạn về thể loại âm nhạc và hình thức thể hiện. Đặc biệt, năm nay độ tuổi tham dự trẻ hơn và có nhiều tiềm năng hơn, đầu tư hơn, chính điều này đã thực sự góp phần mang đến sự tươi trẻ, sinh khí mới cho Liên hoan”, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, nhấn mạnh
“Cuộc thi mở ra nhằm khuyến khích, động viên hơn nữa tinh thần với các nhà báo, các bạn sinh viên báo chí. Qua đó, công chúng sẽ thấy các nhà báo không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn tài năng trên lĩnh vực ca hát” - đạo diễn, nhà báo, nhạc sĩ Lê Thụy chia sẻ.
Và trong số 95 tiết mục đăng ký dự thi, Ban Giám khảo đã rất khó khăn để chọn ra được 40 tác phẩm xuất sắc nhất để bước vào vòng Bán kết. Dự kiến 14 tiết mục sẽ được trình diễn trong đêm Bán kết tại Hải Phòng (30/9), 13 tiết mục trình diễn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên (5/10) và 13 tiết mục trình diễn ở TP. HCM (13/10). Từ đó, BTC sẽ chọn 12 tiết mục tốt nhất để biểu diễn trong đêm Chung kết xếp hạng tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối ngày 27/10, lựa chọn trao các giải: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba và các giải thưởng phụ, bằng khen, kỷ niệm chương kèm tiền thưởng.
Nhiều tiết mục có tính chuyên nghiệp cao
Những người “cầm cân nảy mực” của Liên hoan năm nay là những nhạc sĩ nổi tiếng như: NSƯT, Nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo; Nhạc sĩ Tuấn Phương - Trưởng Ban Sơ khảo Liên hoan; Đạo diễn, nhà báo, nhạc sĩ Lê Thụy - Giám đốc Công ty CP truyền thông Người Sài Gòn; Nhạc sĩ Trần Nhật Dương…
Một tiết mục dự thi tại Liên hoan toàn quốc Tiếng hát Người làm báo Việt Nam lần thứ V- năm 2016.
Đánh giá về chất lượng các tiết mục tham dự, nhạc sĩ Tuấn Phương - Trưởng Ban Giám khảo Vòng Sơ tuyển cho biết: “Trong “sân chơi” lần này, thí sinh miền Bắc tham gia nhiều hơn miền Trung và miền Nam. Qua vòng Sơ khảo, các tiết mục được đánh giá chuẩn bị công phu, chủ đề phong phú, đầu tư từ biên đạo, phụ họa đến nội dung chính. Đặc biệt, có nhiều tiết mục có tính chuyên nghiệp cao. Chúng tôi rất bất ngờ với giọng ca của các anh chị em báo chí, có thí sinh tham dự còn thể hiện với dòng nhạc Acappella. Đây là một dòng nhạc khó, đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhưng khi chấm các phần thi chúng tôi đã thực sự bất ngờ vì nhiều thí sinh hát quá tốt. Những bài hát kinh điển như “Người Hà Nội”, “Người con gái sông La”… cũng được phối mới mẻ, mang màu sắc hiện đại; Bên cạnh đó là sự xuất hiện rất nhiều tác phẩm mang tính hơi thở của thời đại, cùng góp phần tạo nên những cảm xúc và sắc thái mới cho Liên hoan”.
“Hội đồng Giám khảo phải nghe đĩa hoàn toàn ở vòng Sơ tuyển nên khó hơn nghe trực tiếp ở sân khấu. Vì thế, chúng tôi phải nghe rất thận trọng và trao đổi nhiều, làm việc trên tinh thần cố gắng không bỏ lọt những tiết mục tốt. Chính những yếu tố này hứa hẹn và hy vọng sẽ đem lại những đêm Bán kết và đêm Chung kết xếp hạng của Liên hoan thật thành công, ấn tượng và giàu cảm xúc” - Nhạc sĩ Tuấn Phương chia sẻ thêm.
Theo Ngọc Lành/Báo Nhà báo và Công luận