Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nhà văn hóa “chết”! (30/09/2018-20:19)
    (NLBTH) - Tôi đến nhà văn hóa phố đúng giờ thông báo, nhưng chỉ có bác trưởng phố, diễn giả, và vài người nữa.
Hãy để nhà văn hóa phố, thôn phát huy hết công năng, trở thành thiết chế
hữu ích của cộng đồng dân cư (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Phố nơi tôi cư trú có mấy trăm hộ, nhưng mỗi lần đến nhà văn hóa phố lại có cảm giác nó bé tẻo teo như một xóm nghèo.

Hôm nay tại nhà văn hóa phố diễn ra cuộc nói chuyện về sức khỏe cộng đồng. Bác trưởng phố đã phát thông báo mấy ngày nay, nhưng chẳng biết tại chiếc loa của phố không đủ công suất hay cư dân trong phố có vấn đề về thính giác?

Hết một tuần trà có thêm vài người đến. Bác trưởng phố pha thêm tuần nữa, rồi ngập ngừng bảo: Ta chờ chút nữa, nhiều nhà ăn cơm tối muộn. Cuối cùng buổi nói chuyện cũng diễn ra, tôi đếm lần nữa, gần 20 người!

Nhà văn hóa bây giờ được phủ kín ở các khu dân cư miền xuôi và đô thị. Nhiều nhà văn hóa được đầu tư cả tỷ đồng, có phòng đọc báo điện tử, có sân khấu lớn, được hy vọng sẽ góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa của động dân cư.

Tôi hỏi bác trưởng phố và nghe được những lời rất vui tai, rằng gần như đêm nào nhà văn hóa phố cũng sáng đèn. Tôi hỏi nhiều người dân trong phố, họ lại bảo chưa bao giờ đến nhà văn hóa phố ngoại trừ lần đi bầu cử cách đây đã lâu. Một chủ thể, hai phiên bản trả lời khác nhau. Tôi không vội vàng bình luận ai nói đúng, ai sai, chỉ xin chép lại một cách trung thực.

Mấy hôm nay câu chuyện nhà văn hóa phố có đông người dân đến theo giấy mời của trưởng phố lại rộ lên ở nhiều nơi. Họ đến dự những buổi thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, và mua hàng do đơn vị tổ chức buổi giới thiệu sản phẩm cung cấp.

Người dân đã mua phải đồ rởm. Họ bất bình với người cung cấp, bất bình với trưởng phố. Có người còn nói là sẽ cạch mặt nhà văn hóa phố.

Chức năng, công năng của nhà văn hóa phố nhiều, nhưng chắc chắn không phải là chợ, nhưng trưởng phố lại dễ dàng đồng ý để doanh nghiệp vào thực hiện những giao dịch thương mại bất chính khiến người dân tức dận.

Hôm rồi đi qua nhà văn hóa phố, mới cuối chiều đã sáng đèn, vào xem mới biết nhà văn hóa phố đã thành nơi tập Yoga, học viên từ nơi khác đến.

Những nhà văn hóa phố ra đời với phương châm người dân đóng góp, người dân thụ hưởng đang được chuyển đổi mục đích sử dụng thành phòng tập Gym, Yoga, nơi dạy khiêu vũ, thậm chí bán bia hơi… nhộm nhoạm và ồn ào.

Một câu hỏi xuyên qua đầu tôi: Rốt cuộc nhà văn hóa phố ra đời để phục vụ ai? Trước tiên phải cho những cư dân trong phố cái đã. Người dân chưa mặn mà với nhà văn hóa phố thì phải tuyên truyền, thuyết phục, tổ chức nhiều hoạt động mang tính cộng đồng, người dân sẽ đến.

Dễ dàng biến nơi sinh hoạt văn hóa, họp hành của cộng đồng dân cư thành nơi hoạt động có tính thương mại, là điều chẳng nên làm.

An Nhiên

 

 

Các tin khác:
  • Hiệu quả đến đâu? (25/09/2018-8:41)
  • Để hạn chế bớt việc… “con gà tức nhau tiếng gáy” (23/09/2018-8:04)
  • Trăng sáng trên vùng lũ (21/09/2018-18:34)
  • Lựa chọn… con đường cụt! (17/09/2018-9:00)
  • Cấm món khoái khẩu và chuyện văn hóa ứng xử của người Việt (16/09/2018-8:37)
  • Để đường dây “nóng” không bị “lạnh” (13/09/2018-8:07)
  • Ngăn chặn sự tự tung, tự tác (11/09/2018-7:44)
  • Căn cốt vẫn là đổi mới người thầy (10/09/2018-10:15)
  • Phẩm hạnh lao dốc (09/09/2018-12:07)
  • Thắp lửa tình người… (05/09/2018-10:02)