Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Có một bộ sưu tập cổ vật đồ sộ như thế (14/10/2018-9:00)
    Nhiều loại cổ vật quý hiếm, điển hình như “Mô hình gánh võng” bằng kim loại, “Mô hình săn thú bằng kim loại, gỗ” hay “Phù điêu tu sĩ” đầu thế kỷ XX, làm bằng chất liệu ngà voi, từ Ấn Độ… làm du khách không muốn rời. Tất cả đó chỉ có trong một bộ sưu tập vô tiền khoáng hậu.

Ngăn chặn sự chảy máu cổ vật

Vào cuối những năm đầu của thế kỷ XX, khi mà chúng ta chưa chú trọng nhiều tới việc bảo vệ các cổ vật thì chúng, cũng vì thế, cứ chảy ra nước ngoài. Theo chân những “cò”, người săn lùng cổ vật, các tay đầu nậu… cổ vật Việt Nam thiên di khắp nơi, đặc biệt là đến vùng trời Âu xa xôi.

Cho mãi tới sau này, bằng nhiều phương cách khác nhau, một số cổ vật quý giá đã trở về với người Việt, nhưng đó cũng chỉ là số ít. Ngay từ thời điểm ấy, đã có những con người biết đoán định tương lai, cùng tình yêu quê hương đất nước, họ đã không tiếc công sức, tiền bạc và giữ lại cho đất nước hàng ngàn cổ vật có giá trị to lớn về nhiều mặt. Đó là bộ sưu tập Dương - Hà mà các nhà khoa học đánh giá là rất quý hiếm.

“Xuất phát từ lòng yêu quý những gì do tiền nhân để lại, công cuộc sưu tập được tiến hành không ngừng nghỉ trong sự hao tổn rất nhiều tài lực, tâm lực, trí lực mà ông bà Dương - Hà sẵn sàng đánh đổi để có được quyền sở hữu cổ vật. Có thể nói, việc âm thầm hành động bằng cách “thu gom” cổ vật, chống lại việc “chảy máu cổ vật ra nước ngoài” của ông bà Dương - Hà bấy giờ là một nghĩa cử mang đậm tính cách người Nam bộ”, Ông Phạm Hữu Công, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP.HCM đánh giá.

Cho đến nay, bộ sưu tập Dương - Hà vẫn là một cái tên còn xa lạ với nhiều người. Nếu so về sự nổi tiếng thì chưa chắc bằng cái tên bộ sưu tập cổ vật của Vương Hồng Sển. Tuy nhiên, tiếp nhận và nghiên cứu về bộ sưu tập này, các nhà nghiên cứu lại cho biết, bộ sưu tập cổ vật Dương - Hà phong phú, đa dạng hơn nhiều, đồng thời, có nhiều điểm đặc biệt.

Ông Công cho biết thêm, bộ sưu tập Dương - Hà là tên gọi chung của hai vợ chồng giáo sư Dương Minh Thới (1899 - 1976) từng làm việc tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn, Q.1, TP.HCM) và phu nhân, bà Hà Thị Ngọc (1902 - 1979). Họ là những tri thức Nam bộ sinh sống tại Sài Gòn phồn hoa, đô hội những năm trước giải phóng.

2a.jpg
Mô hình gánh võng hết sức độc đáo và lạ lẫm

Kho cổ vật vô giá

Ông Công cho biết thêm, tuy tiến hành sưu tầm một cách lặng lẽ, không ồn ào nhưng sưu tập Dương - Hà mau chóng được nhiều người biết đến, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Đảo qua, có thể thấy được nhiều loại cổ vật quý hiếm, điển hình như “Mô hình gánh võng” bằng kim loại, “Mô hình săn thú bằng kim loại, gỗ” làm nhiều ngơ ngẩn. Cả hai mô hình này xuất hiện vào giữa thế kỷ XX tại Malaysia.

Rồi tượng “Những chú voi chồng lên nhau bằng gỗ” của Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ XX hay “Phù điêu tu sĩ” đầu thế kỷ XX, làm bằng chất liệu ngà voi, từ Ấn Độ, rồi “Ấm đầu gà” xuất hiện vào thế kỷ thứ IV - V của Việt Nam cũng níu chân, làm du khách không muốn rời.

Khi ông bà Dương - Hà qua đời, đã giao toàn bộ cổ vật cho cô con gái Dương Quỳnh Hoa quản lý, giữ gìn. Từ năm 1966, bà Hoa (1930 - 2006) đã tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế, nhiệm kỳ 1976-1981 cũng đã kế thừa được tấm lòng yêu mến cổ vật và không ngừng sưu tầm, bổ sung thêm nhiều cổ vật có giá trị.

3a.jpg
Thuyền rồng bằng ngà voi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Còn ông Huỳnh Văn Nghị, chồng bà Hoa, nguyên là Ủy viên thường vụ Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968-1977) cũng là người vô cùng yêu thích cổ vật. Thế hệ thứ 2 nhà họ Dương với sự chung sức của người bạn đời đã tiếp tục gìn giữ, phát triển bộ sưu tập, đưa số lượng và chất lượng bộ sưu tập đạt đỉnh như hiện nay.

Đến nay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP.HCM đã dành hai căn phòng nhỏ, trưng bày một số cổ vật tiêu biểu trong gần 3.400 cổ vật của bộ sưu tập Dương - Hà có lẽ phần nào đã đáp ứng được nguyện vọng của ông bà.

Nhiều cái nhất

Bộ sưu tập Dương - Hà, từ lâu đã được biết đến như là một bộ sưu tập cổ vật có thời gian xuất hiện lâu năm nhất, thời gian sưu tầm dài nhất, số lượng lớn nhất Việt Nam với gần 3.400 hiện vật. Tháng 3/2011, gia đình đã chính thức trao tặng cho nhân dân và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà UBND TP.HCM là người đại diện.

Theo Baodulich.net.vn

 

Các tin khác:
  • Triển lãm ảnh “Phụ nữ nông thôn và Phát triển bền vững” (12/10/2018-14:12)
  • Nhiều tiết mục ấn tượng trong đêm khai mạc và bán kết khu vực miền Bắc (01/10/2018-14:06)
  • Hứa hẹn những sắc thái mới ấn tượng (27/09/2018-12:28)
  • “Tuổi 20 yêu dấu” của Nguyễn Huy Thiệp chính thức ra mắt ở Việt Nam (27/09/2018-11:51)
  • Đồng làng một thuở… (25/09/2018-21:43)
  • Nhà báo duy nhất của Việt Nam được bỏ phiếu FIFA The Best đã chọn ai? (25/09/2018-8:29)
  • Sắp diễn ra Liên hoan Tiếng hát Người làm báo Việt Nam mở rộng lần thứ VI -2018 (20/09/2018-21:18)
  • Triển lãm ảnh sản phẩm làng nghề Thanh Hóa của nhà báo, NSNA Trần Đàm (11/09/2018-20:08)
  • Biên cương xanh “gột” lên những vần thơ trữ tình (14/08/2018-14:42)
  • Tiết chế cảm xúc khi viết về các nhân vật giải trí (07/08/2018-13:49)