Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Con đường đi học (21/10/2018-19:51)
    (NLBTH) - Một cụ ông 86 tuổi là sinh viên năm thứ hai Ngành Luật kinh tế Trường Đại học Đông Đô vừa được giới thiệu trên chương trình Cuộc sống thường ngày của VTV1. Tôi ngưỡng mộ cụ, chụp ảnh màn hình ti vi đăng lên trang facebook cá nhân, ngay lập tức nhận được những bình luận hưởng ứng.
Một trang mạng xã hội nhận học thuê, thi hộ (ảnh từ internet)

Cụ ông Cao Nhất Linh theo học Ngành Luật kinh tế với mong muốn hiểu biết thêm pháp luật trong lĩnh vực này để có thể góp phần cho kinh tế Việt Nam hội nhập hơn. Việc đi học của cụ chỉ vợ và con gái biết, mãi đến khi nhà trường mời cụ đọc thơ trong lễ khai giảng năm học mới cách đây ít ngày nhiều người mới biết.

Mỗi người có một con đường đi học, và nhìn chung đều khó khăn. Sự khó khăn không hẳn là khoảng cách, phương tiện, hay điều kiện kinh tế, mà chính từ suy nghĩ. Chúng tôi học phổ thông trung học khi đất nước vừa thoát khỏi thời kỳ tập trung bao cấp, nhiều người học giỏi nhưng không thể theo học đại học được, sau khi đi làm mới hoàn thiện trình độ dần dần. Đó cũng có thể xem là những người có ý chí, và ý thức vươn lên.

Con đường đi học bây giờ thênh thang ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen nhưng vẫn có nhiều người không chịu học hoặc đi học chỉ nhằm đối phó.

Cụ ông Cao Nhất Linh không nằm trong biên chế của tổ chức nào, có nghĩa là cụ không hề bị hối thúc về mặt bằng cấp từ yêu cầu của vị trí việc làm. Cụ đi học chỉ với suy nghĩ trang bị kiến thức cho mình. Có thể ai đó sẽ giễu cợt, cho là sự bất thường, nhưng khó để nói là không trân trọng. Và chắc chắn rồi, đó là tâm thế, ý thức của một người đi học nhằm cống hiến cho đất nước. Ước mơ học đại học không hẳn bây giờ mới có, mà có lẽ bây giờ điều kiện mới cho phép cụ đến trường.

Học tập là nhiệm vụ suốt đời, và không bao giờ được xem là muộn. Cụ Cao Nhất Linh là người ý thức được điều đó, khác những người đến trường đem theo sự tính toán thực dụng. Đó là điều không xa lạ khi thời gian qua có những cán bộ thuê người thế thân đến lớp điểm danh, chép bài, thi hộ bị phát giác...

Đất nước khuyến khích và cả bắt buộc cán bộ đi học để hoàn thiện bằng cấp, để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, nhưng yêu cầu lớn hơn cả, đặt ra vẫn là nhận thức, tâm thế của người đi học.

Chỉ có con đường đến trường do mình xác lập bằng chính suy nghĩ và từ đôi chân của mình như việc ngày ngày cụ Cao Nhất Linh không quản tuổi tác, thời tiết đều đặn đạp xe đến trường mới là con đường đến với kiến thức thực chất. Một con đường đáng trân trọng, và chắc chắn còn được nhắc đến.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Tránh vết xe đổ (15/10/2018-13:30)
  • Chiếc nắp cống trách nhiệm (14/10/2018-12:09)
  • Thắp lửa nhân tâm (12/10/2018-9:53)
  • Khả thi đến đâu? (06/10/2018-17:42)
  • Chấm dứt việc vận dụng trong bổ nhiệm cán bộ (02/10/2018-8:23)
  • Nhà văn hóa “chết”! (30/09/2018-20:19)
  • Hiệu quả đến đâu? (25/09/2018-8:41)
  • Để hạn chế bớt việc… “con gà tức nhau tiếng gáy” (23/09/2018-8:04)
  • Trăng sáng trên vùng lũ (21/09/2018-18:34)
  • Lựa chọn… con đường cụt! (17/09/2018-9:00)