Chủ tịch HNB tỉnh Gia Lai Trần Văn Nghĩa
+ Việc triển khai có thể có nhiều cách thức nhưng tại thời điểm này thì có thể nói Gia Lai là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức được một buổi gặp mặt (phần lớn các tỉnh chỉ gửi văn bản). Ông có thể nói rõ hơn về ý tưởng này, góp phần đưa quyết định đi vào thực tiễn?
- Gia Lai hiện có hơn 200 hội viên và được tổ chức sinh hoạt trong 7 chi hội trực thuộc Hội nhà báo tỉnh; trong đó có 4 cơ quan báo chí của tỉnh và 12 cơ quan đại diện - văn phòng, phóng viên thường trú, với 67 phóng viên thường trú văn phòng đại diện đang tác nghiệp tại địa phương. Nhưng trên thực tế số phóng viên thường trú - văn phòng đại diện tham gia sinh hoạt hội tại chi hội các báo thường trú của tỉnh còn quá ít không tới 10 cơ quan và hội viên - phóng viên. Số còn lại trực tiếp sinh hoạt tại các cơ quan báo chí chủ quản, gây khó cho hoạt động hội địa phương. Thường trực Hội Nhà báo tỉnh đã gửi hai công văn đến các cơ quan có phóng viên thường trú đề nghị có sự phối hợp về công tác sinh hoạt của lực lượng quan trọng này.
Đồng thời, ngay sau khi có quyết định 979 và hướng dẫn 646 của Hội Nhà báo Việt Nam, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh đã tranh thủ sự lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin Truyền thông để triển khai chương trình này. Để thực hiện được tốt nhất, chúng tôi dành thời gian nắm chắc số lượng các cơ quan báo chí của Trung ương - Ngành, đoàn thể có phóng viên thường trú văn phòng đại diện đang hoạt động nghề báo trên địa bàn của tỉnh. Tiếp đến Thường trực hội, làm công văn và xây dựng kế hoạch cho chương trình, xin thường trực tỉnh ủy xếp lịch để tham dự và đề nghị cấp kinh phí bổ sung cho hội tổ chức buổi gặp gỡ.
+ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định này nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện, đội ngũ phóng viên thường trú tại địa phương được kỳ vọng sẽ góp phần “thanh lọc môi trường truyền thông”, tạo bước chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam. Quan điểm của ông về chủ trương này như thế nào?
- Theo tôi đây là quyết định rất đúng. Điều này cho thấy chúng ta đang bắt kịp với xu hướng mới, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ thông tin toàn cầu và Luật An ninh mạng đang đi vào cuộc sống. Đặc biệt là, thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam thì nhà báo - hội viên đều phải có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác là vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết. Chính vì thế, quyết định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội địa phương trong công tác quản lý và sinh hoạt hội, từ đó góp phần hạn chế được thông tin xấu - thông tin độc hại sai sót, cũng như không phải vất vả khi tham gia bảo vệ và giải quyết các cuộc hành hung, ngăn cản nhà báo tác nghiệp đúng, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp đúng luật của nhà báo - hội viên chân chính. Bên cạnh đó, quyết định này cũng tạo điều kiện để xây dựng mối quan hệ tốt với lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương nơi nhà báo tác nghiệp thường trú.
+ Ông vừa nói đến việc xây dựng quan hệ với địa phương. Theo ông, vai trò của lãnh đạo địa phương trong vấn đề tạo “gắn kết” giữa các phóng viên, hội viên cơ quan thường trú với phóng viên địa phương như thế nào?
- Trong công tác này, với chúng tôi vô cùng cần thiết và quan trọng khi được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, trên cơ sở đó sẽ thắt chặt và xây dựng được tình cảm của các đồng chí lãnh đạo địa phương với các nhà báo hội viên thường trú; thắt chặt đội ngũ phóng viên - hội viên các báo thường trú với đội ngũ hội viên - phóng viên của các cơ quan báo chí địa phương. Điều đó, thuận lợi về mặt tình cảm cũng như chia sẻ thông tin, có được những nguồn tin đáng tin cậy. Điều này cũng đúng với chỉ đạo và thực hiện nghị quyết, đường lối chính sách của Đảng, Nhà Nước và của địa phương. Theo đó, sẽ là tạo thuận lợi cho việc đảm bảo tính chính xác, đúng đắn của thông tin, không phải sáng đăng, chiều gỡ và đính chính về thông tin báo đăng.
+ Với thực tiễn triển khai Quyết định, đến thời điểm này, HNB Gia Lai có gặp thách thức gì không, thưa ông?
- Trước hết là văn phòng hội thêm nhiều việc, trong khi biên chế không tăng. Một số các báo thường trú nhận người vào chưa có thẻ nhà báo và không phải là hội viên, gây khó cho hội địa phương. Một số hội viên - phóng viên thường trú thì lâu nay đang sinh hoạt hội tại cơ quan chủ quản có nhiều quyền lợi chế độ ưu tiên hơn. Hiện tại các cơ quan báo chí chủ quản có phóng viên thường trú chưa làm đúng thủ tục nên khi chuyển giấy giới thiệu cho hội viên về sinh hoạt hội tại hội địa phương thường trú chúng tôi phải thông qua Sở Thông tin Truyền thông mới có danh sách hội viên - phóng viên thường trú văn phòng đại diện tại địa phương.
+ Được biết, tại buổi gặp mặt, các đại diện Báo thường trú tại địa phương đã phát biểu ý kiến, nêu tâm tư nguyện vọng, giải pháp, kiến nghị và đề xuất đối với việc sinh hoạt của hội viên tại địa phương?
- Đúng vậy, hầu hết các ý kiến đều tập trung vào thủ tục đăng ký thường trú sinh hoạt hội, kiến nghị về chức năng nhiệm vụ và quyền lợi của mình khi tham gia sinh hoạt tại địa phương, đề xuất với tỉnh và các Sở - ban ngành đoàn thể về cung cấp thông tin chính xác và nhanh nhất. Đặc biệt có ý kiến hỏi về thủ tục được kết nạp hội viên vì thực tế có vướng mắc như tôi đã nói ở trên.
+ Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo H.V (Thực hiện)/ Báo Nhà báo và Công luận