Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Chiếc nhà vệ sinh trong đầu (16/11/2018-8:38)
    (NLBTH) - Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 1/2/2017 quy định xử phạt người đi vệ sinh không đúng nơi quy định lên đến 3 triệu đồng, thông báo về nơi công tác và cư trú.
Một bức ảnh "chế" về sự ra đời của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam.
(Ảnh minh họa từ facebook)

Một chế tài mạnh được chờ đợi sẽ tạo ra hình ảnh tươi mới trong ứng xử của người dân với môi trường ở nơi công cộng. Thế nhưng sau gần hai năm đi vào cuộc sống quy định vẫn chưa phát huy tác dụng thật sự. Cái thiếu mà cơ quan soạn thảo Nghị định chưa bao quát hết là tình trạng nhiều đô thị không có đủ nhà vệ sinh ở nơi công cộng.

Hiện nay cả thành phố Thanh Hóa chưa có tới mươi nhà vệ sinh công cộng đúng nghĩa, chưa kể vào đây còn mất phí, được xem là việc không ưa thích của nhiều người. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều đô thị trong tỉnh.

Vẫn biết phạt sẽ tăng tính răn đe, nhưng phạt dù có nặng đến mấy cũng vẫn chỉ là biện pháp áp dụng pháp luật bắt buộc, việc cần là khuyến tạo ra tiện ích để người dân không còn vi phạm. Điều đó là có cơ sở khi hiện nay rất nhiều người đi trên đường phố hoặc vui chơi ở nơi công cộng sẽ không nín nhịn được sự khó chịu trong người cho tới khi về đến nhà. Cũng khó để có thể xin vào nhà ai đó bên đường để đi vệ sinh. Dù sợ bị phát hiện và phạt tiền, nhưng họ vẫn phải chấp nhận phóng uế ở nơi công công như giải pháp đường cùng!

Một thực tế bức xúc, và lối thoát cho tình trạng này vừa nhen nhóm khi một số doanh nhân kêu gọi thành lập Hiệp hội nhà vệ sinh, được Tổng cục Du lịch hoan nghênh. Nhưng tiếc là, thay cho khuyến khích, tôn vinh ý tưởng tạo ra một hệ thống nhà vệ sinh thoải mái như ở nhà bằng cách kêu gọi nhà hàng, khách sạn mở cửa miễn phí cho người có nhu cầu được sử dụng nhà vệ sinh, thì nhiều người lại nhạo báng, châm chọc bằng những biếm họa trên mạng xã hội. Họ cho rằng đây là việc làm rỗi hơi khi mà đất nước còn nhiều điều phải lo, phải làm.

Quyền của người dân là được phản biện chủ trương, chính sách, nhưng phải có giới hạn. Bức biếm họa dù có hài hước đến mấy cũng chưa chắc đã đáng cười bằng việc khi đang ở trạng thái cảm xúc tuyệt vời thì trước mặt chúng ta có ai đó tụt quần xả sự bực tức vào gốc cây, tường rào, thậm chí có thể là một vị trí linh thiêng, tôn kính nào đó mà họ thấy phù hợp.

Có câu: Khi đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia hãy đến chợ, đánh giá văn minh của một đất nước hãy nhìn vào nhà vệ sinh. Từ năm 2013 Liên Hợp quốc đã lấy ngày 19/11 hàng năm là ngày Toilet thế giới nhằm kêu gọi về tầm quan trọng của một hệ thống nhà vệ sinh tốt hơn cho mọi người. Nhưng ở Việt Nam nhiều người lại coi nhà vệ sinh là công trình phụ, ít chú ý đến. Để đất nước văn minh hơn cần có thêm những chiếc nhà vệ sinh công cộng. Nhưng trước khi thực hiện điều đó cần phải phá bỏ đi suy nghĩ hẹp hòi về chiếc nhà vệ sinh đang tồn tại trong đầu không ít người.

Lam Vũ


 

Các tin khác:
  • Tranh biện vỉa hè (13/11/2018-8:07)
  • Giảm điều kiện, tăng hậu kiểm (11/11/2018-22:12)
  • Thượng tôn pháp luật (09/11/2018-8:02)
  • Hình ảnh từ thiện từ hai góc nhìn (07/11/2018-7:56)
  • Ngăn sự vô thức, chặn thói chơi ngông (06/11/2018-9:29)
  • Căn bệnh ý chí (05/11/2018-9:22)
  • Vết xe đổ phải tránh (01/11/2018-18:56)
  • Cơ hội soi sửa mình (29/10/2018-8:52)
  • Khu phố ngập nước (27/10/2018-23:42)
  • Không lo lắng thụ động (21/10/2018-10:53)