"Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ, mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì vậy, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần có một thể chế "mềm" và việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết". Đó là nội dung phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo tại hội thảo góp ý kiến xây dựng "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam" ngày 11/12. Mạng xã hội là ảo nhưng những phiền lụy do mạng xã hội gây ra là có thật. Xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, đến thời điểm này, là việc nên và cần phải làm.
Ứng xử trên mạng xã hội: Không gian mạng cũng cần có giới hạn
“Cộng đồng mạng dậy sóng” là một cụm từ giờ đây đã trở nên quen thuộc với phần lớn mọi người, nhất là những người có thói quen tương tác trên mạng xã hội hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Nhưng lý do để “dậy sóng” đôi khi lại chẳng mấy liên quan như thông tin về một cặp đôi ở xứ Hàn tổ chức đám cưới, hay phát ngôn của một người nổi tiếng nào đó về bạn trai của người bạn thân của họ!
Đôi khi vì một câu nói vu vơ kiểu câu like trên mạng xã hội như “đủ 1.000 like sẽ đốt trường” dẫn đến việc bị “ép” phải thực hiện lời hứa trong thực tế. Có lẽ, trên thực tế khi gõ xong bàn phím, cô bé học sinh 13 tuổi ở Khánh Hòa không nghĩ nhiều đến thế. Những người ấn like và chia sẻ dòng trạng thái của cô bé cũng không lường được hết hậu quả của động tác ấn nút “like” của mình tưởng như vô hại hóa ra lại đang góp thêm một que diêm vào đám cháy đang âm ỉ có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Hành động dại dột, vi phạm pháp luật cuối cùng đã xảy ra, trách ai bây giờ? Thiếu niên non nớt hay những người “bạn ảo” trên mạng xã hội đã “góp lửa” hay chính mạng xã hội đang tiếp tay, dung túng cho những hành vi đáng xấu hổ ấy?
Tuy nhiên, chấp nhận đưa vụ việc lên mạng xã hội, nơi kẻ khen người chê – mà phần lớn là không biết tường tận vụ việc, chỉ “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, để người khác mặc sức nói và bình phẩm, suy luận theo hàng trăm hướng khác nhau có lẽ cũng là trải nghiệm không mấy vui vẻ mà người chủ động đăng tải thông tin phải nhận lấy. Thậm chí, những tổn thương từ những nhận xét, bình phẩm ác ý của đám đông trên mạng, hơn ai hết, tác giả cũng là người cảm nhận rõ nhất.
Đưa ra những ví dụ trong số vô vàn, liên tiếp các vụ việc xảy ra trên mạng xã hội và ảnh hưởng thực tế đến cuộc sống thực, để thấy dù là tham gia vào thế giới ảo cũng cần có những ứng xử phù hợp với văn hóa, chuẩn mực và giới hạn nói chung, nếu không sẽ phải gánh những phiền lụy nhất định. Nói như chuyên gia tâm lý - TS Khuất Thu Hồng, nếu bạn đi trên đường, bạn cũng không thể đi nghênh ngang trái luật, muốn đi thế nào thì đi, muốn đâm vào ai thì đâm. Trong cuộc sống hằng ngày, khi tương tác với nhau cũng phải có những chuẩn mực ứng xử. Mạng xã hội chính là một xã hội thu nhỏ. Vậy cần có những chuẩn mực gì đối với những phát ngôn trên đây?
Thúc đẩy tác động tích cực, hạn chế thông tin xấu độc
Chính vì vậy, trước thế mạnh của mạng xã hội, Bộ Thông tin – Truyền thông đề xuất ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” với mục đích thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, ngăn ngừa có hiệu quả mặt trái, lan truyền thông tin xấu độc trên mạng. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Bên cạnh tác động tích cực, mạng xã hội phần nào đó có gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân. “Thời gian qua Bộ TT-TT có nhiều giải pháp loại bỏ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội nhưng không thể loại trừ mặt trái, chỉ có thể hạn chế mặt trái của mạng xã hội. Vì vậy cần bộ quy tắc “mềm” để ứng xử. Mục tiêu của bộ quy tắc ứng xử là thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, ngăn ngừa có hiệu quả mặt trái, lan truyền thông tin xấu độc trên mạng” - Thứ trưởng Bộ TT-TT nói.
Ông Đỗ Quý Vũ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) cho biết, nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm; Cung cấp thông tin thực khi tham gia mạng xã hội...
Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được phân chia cho các đối tượng cụ thể. Theo đó, đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, cần ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực; Tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không cung cấp thông tin của người sử dụng cho bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của chủ thể thông tin;
Triệt để xóa bỏ, không lưu trữ thông tin (kể cả nội dung trò chuyện trực tuyến) mà người sử dụng dịch vụ đã tiến hành xóa bỏ. Đồng thời, phải ban hành các biện pháp và công khai biện pháp ngăn ngừa hiện tượng nghiện sử dụng mạng xã hội; Có biện pháp ngăn ngừa trẻ em, trẻ vị thành niên tiếp cận các nội dung về bạo lực, nội dung dành cho người trưởng thành và các nội dung không phù hợp khác.
Đặc biệt, không được thu thập thông tin khi người sử dụng dịch vụ chưa được cho phép hay không biết thiết bị thu thập thông tin; Thu thập thông tin trong các nội dung trò chuyện trực tuyến của người sử dụng mạng xã hội.
Trong khi đó, người sử dụng mạng xã hội phải công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân có trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội của tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên mạng xã hội;
Ngoài ra, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, tổ chức có quy tắc riêng cho ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan công tác; Ứng xử trên mạng xã hội văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính;
Bộ Quy tắc cũng yêu cầu người sử dụng không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên mạng xã hội; ứng xử thuận chiều với thông tin xấu, độc, tin đồn, ảnh hưởng tiêu cực; Ứng xử trên mạng xã hội trái với chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; Cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến các cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền.
Theo Khánh An/Báo Nhà báo và Công luận