Bản kế hoạch này sẽ vạch ra hàng loạt các đầu việc phải triển khai, nhất là ban hành mới các nghị định hướng dẫn thi hành đạo luật quan trọng về phòng chống tham nhũng, vừa được Quốc hội sửa đổi toàn diện.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong dự thảo kế hoạch, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định mới trên cơ sở tập hợp các nghị định trước đây quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN cũ cũng như các biện pháp bảo đảm thi hành. Như thế, các nghị định về trách nhiệm xã hội trong PCTN, trách nhiệm người đứng đầu, chuyển đổi vị trí công tác… sẽ được rà soát lại, đưa gọn vào một văn bản, đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ xây dựng một nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập thay cho nghị định cùng nội dung hiện hành. Đây là phần vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung rất nhiều: từ một mục có tên gọi “minh bạch tài sản, thu nhập” với chín điều ở Luật PCTN 2005 đến Luật 2018 được nâng lên thành “kiểm soát tài sản, thu nhập” gồm bốn tiểu mục - cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; kê khai tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập; và cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Nhóm nội dung này lên tới 24/96 điều của cả đạo luật…
Ngoài hai nghị định trên, Thanh tra Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành hai đề án, một về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, và một về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Dưới hình thức nghị quyết của Chính phủ, hai đề án sẽ là cơ sở để các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện và có nguồn lực để thực hiện Luật PCTN 2018.
Là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ về quản lý nhà nước trong công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong triển khai Luật PCTN. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị khác, bao gồm cả tổ chức Đảng, Quốc hội, MTTQ cũng có trách nhiệm rất lớn, nhất là trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng với trọng tâm là kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ trong tổ chức mình.
Theo Nghĩa Nhân/Báo Pháp luật Tp.HCM