Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Cho hôm nay, cho ngày mai, và cho muôn đời sau (12/01/2019-21:36)
    Hiện nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang ngày càng trở nên đồ sộ với nhiều hiện vật, tư liệu quý của các nhà báo. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có cuộc trò chuyện thú vị với nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam về vấn đề này.
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Trần Kim Hoa tại một buổi lễ tiếp nhận hiện vật tại Cần Thơ.
Ảnh: TL

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (HDN): Câu đầu tiên vẫn là câu xưa như trái đất: Xin chị cho biết cơ duyên nào đã đưa chị đến với cương vị Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam ?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã quan tâm đến vấn đề nhân sự của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, một thành viên mới của làng bảo tàng Việt vừa chính thức chào đời một năm rưỡi nay. Tôi vốn làm nghề giáo, rồi vì mê viết lách mà bỏ biên chế và bắt đầu từ đầu với nghề báo. Hơn 20 năm làm báo, trong đó thời gian chủ yếu gắn bó với một số tờ báo phía Nam như Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh, Doanh nhân Sài Gòn, Sài Gòn tiếp thị… trước khi về làm tờ tạp chí của các nhà báo, tôi dù có lúc này lúc khác nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày làm việc ở một bảo tàng nào đó. Khi Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2014, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã cho rằng tôi say nghề báo như vậy thì Bảo tàng Báo chí chắc sẽ hấp dẫn với tôi. Tôi đã mất nửa năm đắn đo rồi mới chịu nhận quyết định thăng chức này! Và đúng là cơ duyên, tôi trong quá trình làm quen, vừa học vừa làm, đã lập tức yêu nghề mới!

HDN: Làm báo, làm thơ, trải qua các công việc của một phóng viên, trưởng văn phòng đại diện rồi Phó TBT Tạp chí Người Làm Báo của Hội Nhà báo Việt Nam, chị đã “ lột xác” để đảm nhiệm công việc của “nhà bảo tàng”?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Tôi thấy mình vẫn thế. Đam mê dẫn dắt tôi vượt qua những khó khăn có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Ngoài đam mê, tôi thấy mình là người khá có trách nhiệm. Đã không làm thì thôi, đã làm thì luôn cố gắng hết sức có thể. Tôi luôn nói với các bạn trẻ ở cơ quan rằng, khi mình đã nỗ lực gấp 3 gấp 4 sức mình, thì dù có vấn đề gì xẩy ra, mình cũng đỡ ân hận!

HDN: Có thể hình dung những khó khăn mà chị và các đồng nghiệp phải đối mặt trong quá trình xây dựng Bảo tàng của mình?

Nhà báo Trần Kim Hoa: “Ôi từ không đến có/ xẩy ra như thế nào”, thật khó trả lời cho cặn kẽ câu hỏi này! Tôi chỉ có thể nói rằng, làm việc gì để thành công đều không dễ, và ra mắt được một trưng bày bảo tàng để các nhà báo, các nhà khoa học khó tính đến xem có thể mỉm cười và gật đầu được, càng khó bội phần. Nhưng tôi may mắn có những chỉ đạo đầy quyết tâm của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội, những ủng hộ to lớn từ các ban ngành, các nhà báo lão thành, đội ngũ những người làm báo, thân nhân và công tác viên báo chí khắp cả nước, và đặc biệt là những bạn trẻ tâm huyết yêu bảo tàng ở cạnh bên, nên chặng đường dài và khó như được rút ngắn hơn, nhiều cánh cửa đã được mở ra, phía trước đang gần lại từng ngày!

HDN: Bảo tàng phải có hiện vật, đó là những giá trị vật chứng lịch sử, phương châm sưu tầm, kêu gọi đóng góp hiện vật của Bảo tàng Báo chí Việt Nam là gì?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Hiện vật làm nên bảo tàng và nuôi dưỡng sức sống của bảo tàng trong đời sống xã hội. Đó cũng là bài học nhập môn của chúng tôi khi bắt tay làm sưu tầm hiện vật phục vụ trưng bày. Phải hướng tới hiện vật, nghiên cứu, tiếp cận và khai thác được hiện vật một cách hiệu quả nhất. Có được hiện vật là tốt rồi, nhưng tiếp theo phải hiểu được hiện vật, khai thác và tìm được chỗ đặt hiện vật “đắc địa” nhất, từ đó mới có thể “kể” được cho công chúng hôm nay những câu chuyện nghề báo hấp dẫn, sống động vốn dĩ đã thuộc về lịch sử…

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Trần Kim Hoa tại một buổi lễ tiếp nhận hiện vật tại Điện Biên. Ảnh: TL

HDN: Vậy còn phương châm trưng bày và hoạt động của Bảo tàng báo chí? Phải làm gì để Bảo tàng đáp ứng được nhiệm vụ gìn giữ và truyền lửa cho truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Hiện Bảo tàng Báo chí đang triển khai thi công Dự án Trưng bày, dự kiến quý 3 năm nay sẽ mở cửa đón khách tham quan. Thời gian không còn nhiều. Công việc và thách thức như núi. Mục tiêu của chúng tôi là Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải có phần trưng bày tốt, hấp dẫn, thu hút được công chúng trong và ngoài nước. Công chúng đến với Bảo tàng sẽ có cơ hội nhìn thấy rõ hơn những thế hệ người làm báo, những sản phẩm báo chí, những buồn vui được mất và đặc biệt là những thành tựu báo chí gắn liền với bàn tay, khối óc Việt trong suốt hơn 150 năm kể từ khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên được xuất bản tại Sài Gòn năm 1865 đến nay.

HDN: Xin chị kể những mẩu chuyện đáng nhớ và cảm động khi đi sưu tầm, vận động, kêu gọi đóng góp các hiện vật quý báu cho Bảo tàng trong thời gian qua?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Rất nhiều những câu chuyện đáng nhớ và cảm động, nhắc nhớ các cán bộ bảo tàng chúng tôi phải cố gắng, phải nỗ lực hơn nữa. Nhà báo Trần Thanh Phương, nhà sưu tầm báo chí lớn ở Sài Gòn. cả cuộc đời ông ki cóp gìn giữ từng tờ báo, đến một ngày trao lại cho Bảo tàng bảo quản khai thác, đôi mắt ngấn lệ nhìn theo với niềm mong mỏi Bảo tàng Báo chí sẽ sớm ra đời để ông bà có dịp đến ngắm những tờ báo ngả màu sờn rách quý giá đặt trong tủ kính… Có nhà báo vừa mất, gia đình tin tưởng trao cho chúng tôi những hiện vật như còn vương vấn bao nỗi niềm với nghề báo của người ra đi. Rồi hơn 500 nhà báo liệt sĩ, hầu hết chỉ để lại những dòng tên, rất ít người còn di ảnh…

HDN: Trong tương lai gần, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ có những chương trình hoạt động ý nghĩa gì để cống hiến “cho hôm nay, cho ngày mai, và cho muôn đời sau” để sớm tạo vị thế và dáng dấp riêng?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Ai cũng mong muốn những điều tốt nhất, nhưng khả năng bao giờ cũng có hạn so với mơ ước. Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện đã có một khối lượng hiện vật, tư liệu đáng kể và chờ ngày mở cửa. Chúng tôi hiện đang ôm ấp nhiều ý tưởng, chờ được triển khai, và chắc lúc đó mới có thể trả lời kỹ hơn cho câu hỏi này…

HDN: Cảm ơn nhà báo và xin chúc Bảo tàng Báo chí Việt Nam sớm là “ngôi nhà chung” của giới báo chí và công chúng cả nước!

Theo Huỳnh Dũng Nhân (thực hiện)/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Xứ Thanh tuyệt đẹp trong "Duyên tình xứ Thanh" của ca sĩ trẻ Lê Ngọc Thúy (27/12/2018-7:28)
  • Nhạc sỹ, nhà báo Thanh Phúc: Chiến sĩ văn hóa tiêu biểu (27/12/2018-7:26)
  • Lắp đặt màn hình lớn tại Quảng trường Lam Sơn để xem và cổ vũ đội tuyển Việt Nam (12/12/2018-11:49)
  • Có một “Thu Người đẹp” (07/12/2018-13:04)
  • Đam mê săn tìm cái đẹp Yên Bái (07/12/2018-10:11)
  • Tạo dựng sân chơi nhiếp ảnh xứng tầm quốc gia (27/11/2018-8:05)
  • Món quà văn hóa nâng niu vẻ đẹp tự nhiên của đời sống (19/11/2018-12:03)
  • Người “thổi hồn” cho chương trình dân ca trên sóng phát thanh (11/11/2018-22:05)
  • Nữ biên tập viên sống trọn nghĩa tình với Huế (06/11/2018-9:18)
  • Đội tuyển Việt Nam ‘bắn phá’ mục tiêu top 100 thế giới, nhờ công của HLV Park Hang-seo (01/11/2018-9:27)