Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Một năm nỗ lực
Đêm ở Nghi Sơn thật lung linh, nhất là khi nhìn vào từ biển.
Ở đó không chỉ có sự tấp nập của người và ầm ào của máy, còn là những điều diệu kỳ, mà chỉ nhìn thôi chưa thể thấy ngay được.
Sau những xi măng, thép, điện… hòa vào dòng chảy công nghiệp hóa đất nước, giờ là những sản phẩm từ lọc hóa dầu đạt quy chuẩn quốc tế. Nghi Sơn đang kiêu hãnh ghi tên mình vào bản đồ công nghiệp thế giới bằng việc cho ra những sản phẩm thiết yếu đúng như kỳ vọng mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đặt ra, mong chờ.
Tôi đứng đó, trên đảo Biện Sơn, mải miết nhìn vào ngọn lửa rực cháy ở nơi cao nhất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn bằng một niềm tin mãnh liệt. Ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt, chắc chắn rồi. Đó là biểu trưng cho sức sống trường tồn của nhà máy. Để có ngọn lửa ấy chúng ta đã phải trăn trở, chờ đợi, mất nhiều công sức suốt mười mấy năm trời. Một hành trình dài và kiên định, rất xứng đáng.
Quê mình đã có những bước bứt tốc trên nhiều lĩnh vực trong quá khứ, nhưng tin rằng lần này khác hẳn. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định là bước bứt tốc diệu kỳ, đặt dấu mốc, để Thanh Hóa bứt tốp vươn lên mạnh mẽ, thoát khỏi nhóm tỉnh có thu nhập trung bình, có thể ngay trong năm 2019.
Còn nhớ bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa chỉ bằng khoảng 70% bình quân chung cả nước. Mục tiêu của chúng ta đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII là phấn đấu đến năm 2020 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Thế nhưng mới chỉ 3 năm, bằng quyết tâm cao độ, sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, nhiều việc đã thay đổi.
Trước đây con số lớn nhất, cũng là niềm tự hào của một tỉnh nông nghiệp như Thanh Hóa liên tục được đặt vào sản lượng lương thực. Nhưng điều đó chỉ giúp chúng ta đảm bảo an ninh lương thực, chứ khó để thay đổi cục diện, để trở thành tỉnh khá, chứ nói gì đến tỉnh công nghiệp. Nhưng bây giờ thì cái đích ấy đã ở rất gần. Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII cuối năm 2018 được xem là kỳ họp vui nhất từ trước đến nay với những con số được báo cáo rất ấn tượng. Nổi bật là thu ngân sách tăng gấp 1,76 lần so với năm 2017, đưa ngân sách của tỉnh cán đích 23.464 tỷ đồng. Đóng góp lớn làm nên con số ấy là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Dù mới sản xuất đạt 32% công suất nhưng Nhà máy đã xuất xưởng tới 12 dòng sản phẩm. Dự kiến năm 2019 sẽ hoạt động đạt 80% công suất, đóng góp cho ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng.
Kết nối, đón làn sóng đầu tư và du khách
Cảng Hàng không Thọ Xuân ra đời đã tạo thuận lợi lớn cho giao thương, nâng tầm vị thế của tỉnh, thu hút du khách và nhà đầu tư. Năm 2018 Cảng đã được Bộ Giao thông - Vận tải nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế. Một cơ hội cho Thanh Hóa kết nối và… “cất cánh”.
Có nhiều cách để đón nhà đầu tư, và hàng không là con đường nhanh nhất. Từ khi tuyến đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn đi vào hoạt động, thì khoảng cách địa lý đã trở nên rất ngắn. Người ta không còn ngại đến và đầu tư vào Thanh Hóa nữa. Quê mình có tiềm năng, lợi thế, giờ thì giao thông thuận lợi, hơn thế còn có tấm lòng rộng mở đón làn sóng đầu tư.
Tôi từng có một giấc mơ, và tưởng tượng ra những chú bò đến từ Newzealand hiển hiện trên bình nguyên Lam Sơn chờ vắt sữa khi dự án bò sữa được Công ty CP mía đường Lam Sơn triển khai mươi năm trước. Nhưng nhà đầu tư đã khiến cho giấc mơ của tôi dang dở, đến tận khi một “bà lớn” trong ngành sữa xuất hiện.
Đồng đất quê mình có nhiều nơi phù hợp để làm nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, vấn đề chỉ là quá trình tích tụ ruộng đất chưa hợp lý và thiếu nhà đầu tư thật sự. Có lần tôi đứng giữa đồi hoa hướng dương của trang trại bò sữa TH true milk ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) mà tự vấn rằng quê mình có gì thua kém. Nhưng đến bây giờ thì tôi hiểu ra rằng, tiềm năng hay lợi thế nào đó cũng phải cần thời điểm, có sự chuẩn bị chín muồi, trong đó quan trọng nhất vẫn là xây dựng được niềm tin, thiện chí của nhà đầu tư. Giờ thì giấc mơ bò sữa của tỉnh đã thành hiện thực khi trang trại số 1 thuộc tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa tại thị trấn Thống Nhất (Yên Định) đã khánh thành. Bốn trang trại còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2019, 2020, đưa quy mô tổ hợp lên 20.000 con bò sữa, cung cấp khoảng 110 triệu lít sữa/năm. Tôi nhớ phát biểu của Tổng Giám đốc Vinamilk - Mai Kiều Liên tại lễ khánh thành trang trại, với đại ý sự hợp tác không chỉ giúp Vinamilk đạt được mục tiêu về kinh doanh, còn giúp ngành chăn nuôi bò sữa địa phương phát triển bền vững. Một sự chung sức phù hợp xu hướng, cùng có lợi.
Thanh Hóa từng được biết đến với những cái nhất về xi măng, công nghiệp mía đường, bây giờ thêm lọc hóa dầu, sắp tới là bò sữa và các sản phẩm chế biến sâu từ sữa. Trong tương lai gần chúng ta không chỉ có trang trại bò sữa của Vinamilk, mà có thể cả dự án bò sữa trên vùng nguyên liệu rộng lớn ở huyện Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân khi Tập đoàn TH true milk đang rất quan tâm đến vùng đất này. Giấc mơ bò sữa hiện thực không chỉ giúp Thanh Hóa có thêm nguồn thu ngân sách, mà bài toán an sinh xã hội cũng sẽ được giải quyết một phần.
Đây là một sự kết nối đầu tư hiệu quả, được xem như gạch nối thành công. Sau công nghiệp lọc hóa dầu gây tiếng vang, tương lai sẽ là công nghiệp chế biến thực phẩm. Điều đó đang dần hiện thực khi tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) vừa khởi công xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm Viet Avis, được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam. Sau khi hoàn thành, công suất chế biến giai đoạn 1 đạt 2.500 con/giờ. Theo lộ trình trình, giai đoạn 2018 - 2020 tại Thanh Hóa sẽ có khoảng 100 trang trại ở 10 huyện trên địa bàn liên kết, cung cấp 12 - 14 triệu con gà phục vụ nguyên liệu cho nhà máy. Liên doanh sẽ đầu tư chuỗi giá trị liên kết từ con giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, chế biến, xuất khẩu. Một nhà máy hiện đại ra đời đem theo hy vọng thay đổi thói quen trong chăn nuôi và giết mổ của người dân, cái lợi là rất lớn.
Những con số được xem là “biết nói”, đã nói lên rất nhiều điều từ tư duy đến tầm nhìn, từ chỉ đạo đến điều hành của tỉnh, các ngành và địa phương trong tỉnh.
Một lĩnh vực bị chê trách nhiều như du lịch cũng đã có bước đột phá trong năm 2018 với con số tăng trưởng tới 15,3% về lượt khách, 32,8% về doanh thu so với năm 2017. Con số dù nặng tính cơ học, nhưng minh chứng xác đáng cho sự nỗ lực trong xúc tiến và đầu tư cho du lịch. Theo đó, nhiều dự án quy mô lớn có tính chất quan trọng quyết định đến cơ cấu, thị trường khách, được xem là “đòn bẩy” thu hút các dự án kinh doanh du lịch đã và đang được tập trung triển khai như đường đến khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh, dự án đường bộ ven biển. Một số dự án quy mô nhỏ nhưng tác động tích cực đến việc hình thành và khai thác phát triển du lịch cộng đồng cũng được ưu tiên như đường vào thác Ma Hao (Lang Chánh), khu BTTN Pù Luông (Quan Hóa, Bá Thước). Sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Trí Nang (Lang Chánh), xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy), bản Hiêu, bản Đôn (Bá Thước), bản Hang (Quan Hóa) được thực hiện. Bến thuyền, cầu tầu được nạo vét, đầu tư tầu du lịch hiện đại để nâng tầm sức hút cho tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”. Cùng với đó, chúng ta đã mời các doanh nghiệp du lịch đến Thanh Hóa để trải nghiệm. Nổi bật là đã đón Saigontourism - đơn vị cung cấp dịch vị du lịch hàng đầu của Việt Nam về khảo sát và ký biên bản hợp tác với UBND tỉnh. Nhiều địa phương du lịch phát triển mạnh cũng đã đến khảo sát, ký kết hợp tác với tỉnh và một số đơn vị lữ hành trong tỉnh. Gần đây nhất, Thanh Hoá đã đón đoàn các tỉnh Đông Bắc Thái Lan đến khảo sát và ký kết hợp tác. Sau ký kết các đơn vị lữ hành đã đưa khách về Thanh Hoá như cam kết, và đó là lý do trả lời cho những con số tăng trưởng được dẫn ra trong báo cáo.
Khúc vĩ thanh…
Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng khẳng định nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa sẽ bằng hoặc cao hơn bình quân chung cả nước. Chúng ta có niềm tin vào điều đó từ những kết quả đã đạt được trong năm 2018, và đó chưa phải là con số cuối cùng.
Khúc vĩ thanh của nhiệm kỳ được kỳ vọng sẽ còn cao hơn khi năm 2019 bên cạnh mở rộng, nâng công suất của một số nhà máy, chúng ta sẽ khởi công thêm nhiều dự án lớn, đón làn sóng đầu tư mới. Nhiều ghi nhớ, hợp tác giữa tỉnh với các tập đoàn kinh tế lớn, các địa phương trong nước và quốc tế sẽ được triển khai. Những tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa rồi sẽ được khai thác một cách đầy đủ.
Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn của Thanh Hóa đạt 20% trở lên, thu ngân sách đạt mức 26.642 tỷ đồng năm 2019 là con số lớn, nhưng chúng ta có quyết tâm, có niềm tin và cơ sở để thực hiện.
Hãy cùng nhau hy vọng.
Lam Vũ