Hà Giang là mảnh đất giàu nét văn hóa. Ảnh: TL
Hà Giang có Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, Núi Đôi Quản Bạ, Dinh thự nhà họ Vương, Chợ tình Khau Vai, những cánh đồng hoa Tam giác mạch trải hút tầm mắt và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa như các dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao...
Vùng đất của những “tay máy”
Trong chuyến đi tác nghiệp tại Hà Giang, cùng đi và hướng dẫn đoàn có Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật Hà Giang - Hoàng Trung Luyến. Tất cả 195 xã, phường, thị trấn của tỉnh, không có nơi nào là ông chưa đặt chân tới. Vì vậy, ông là một “từ điển sống”, người am hiểu tường tận các vùng đất, các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trên đường đi, ông kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về phong tục, tập quán của các tộc người trên mảnh đất Hà Giang, khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú.
Trong đoàn có một số nhà văn, nhà báo chưa bao giờ đến Hà Giang, nên khi xe bắt đầu chạy vào khu vực Công viên Địa chất Toàn cầu đã không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh trùng điệp, núi non hùng vĩ với bốn bề là đá. Đá lô xô chồng lên đá ngút ngàn hút tầm mắt. Cảnh đẹp mà bất cứ ai nhìn thấy cũng không thể nào quên. Vùng đá vôi đặc biệt này chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về vẻ đẹp tự nhiên cùng với tính đa dạng sinh học cao...
Trên đường, xe phải dừng lại nhiều lần để các tay máy làm việc bởi cảnh núi non, mây trời hùng vĩ trên cao nguyên đá làm hút hồn du khách. Gặp các cháu bé người Mông đi chợ về, nếu cho các cháu ít tiền thì các tay máy thoải mái tác nghiệp, cho thì chúng lấy chứ chúng không xin, không đòi hỏi. Đó là một nét văn hóa đẹp ở xứ sở du lịch này, làm mẫu chụp ảnh cũng là một dịch vụ, nên du khách muốn chụp được một bức ảnh đẹp thì anh phải trả tiền. Tôi trao đổi điều này là để các “bạn mới” lên Cao nguyên đá lần đầu muốn có một tấm ảnh đẹp thì cần phải biết.
Xe dừng lại Phố Cáo cho đoàn chụp ảnh trên cánh đồng hoa Tam giác mạch. Vẫn trong mùa lễ hội Hoa Tam giác mạch nên chủ nhân các vườn hoa cũng có khoản thu kha khá về dịch vụ chụp ảnh, các cháu bé cũng vui vẻ vì du khách muốn chụp ảnh cùng không ai lại không hào phóng mở hầu bao cho các cháu ít tiền. Xe đi tiếp vào Phố Bảng, thủ phủ cũ của huyện Đồng Văn. Ở đây, thay vì Tam giác mạch, người ta trồng hoa hồng. Hoa hồng bạt ngàn luồn lách trong các lũng núi. Nghề trồng hoa hồng đã mang lại cho Phố Bảng nhiều “Đại gia phố núi”.
Thị trấn Tam Sơn. Ảnh: TL
Nguồn đề tài không cạn
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo huyện, bản có phong trào làm dịch vụ du lịch cộng đồng, du khách có thể ăn ở cùng gia đình bảo đảm đầy đủ tiện ích. Cùng với các dịch vụ tắm thuốc người Dao, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương và nếu cần sẽ có hướng dẫn viên là người nhà đưa đi thăm các điểm danh lam thắng cảnh với giá phải chăng.
Chúng tôi về tới thị trấn Tam Sơn là thủ phủ huyện Quản Bạ đã quá trưa. Tại đây, đoàn được Trưởng phòng Văn hóa huyện Quản Bạ dẫn vào thăm làng Văn hóa Nặm Đăm. Bản nằm gần thị trấn phố huyện, có hồ Nặm Đăm, có nhiều cảnh đẹp.
Thật bất ngờ, hôm đó chúng tôi vào đúng lúc bản tổ chức kỷ niệm ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, nên gặp đầy đủ cả già làng, bí thư, trưởng bản cùng 51 chị em đại diện 51 hộ gia đình trong bản. Các chị em đều vận trang phục truyền thống sặc sỡ và tuyệt đẹp của người Dao, nhìn họ như một bầy công đang khoe sắc.
Trước mặt họ là những mâm cơm tuy đơn giản, nhưng cũng đầy đủ sản vật địa phương, trong đó tôi thấy có món thảo quả muối dưa. Tôi nói đã từng được thưởng thức món này khi dừng chân ăn cơm ở đây vài năm trước, thế là dù không phải mùa thảo quả các chị cũng có lưng bát đưa ra. Thảo quả non muối dưa là một món lạ, có mùi thơm đặc trưng, những ai đã từng thích khám phá ẩm thực của mọi vùng miền thì cũng nên biết mùi vị của món ăn này.
Hoa tam giác mạch - đặc trưng của vùng cao Hà Giang. Ảnh: TL
Bất ngờ nhưng cũng nhanh trí, vì là ngày Phụ nữ Việt Nam, nên thấy tôi đang cầm một bó hoa tam giác mạch trên tay, một thành viên trong đoàn liền cầm lấy, tiến đến tặng người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhóm. Tiếng pháo tay nổi lên giòn giã. Thế là chúng tôi được các chị em mời ở lại giao lưu và mời rượu. Tất nhiên là loại rượu ngô men lá, một thứ đặc sản tuyệt hảo của vùng cao nguyên đá, uống vào chỉ thấy êm ru, nào đâu có kém gì rượu của trời Tây.
Tôi chợt nhớ lại mình đã đi qua mấy huyện đều uống rượu ngô nấu bằng men lá, huyện nào cũng có thương hiệu riêng cho thứ rượu của mình. Rượu ngô men lá của Quản Bạ có thương hiệu Thanh Vân, Đồng Văn là Thiên Hương, Mèo Vạc có tên Tình Khau Vai còn Yên Minh thì là Nà Mạ. Ai đã từng lên đến đây, đều không quên mua vài chai về làm quà cho người thân và gia đình.
Không kể chủ hay khách, tiếng cười, tiếng nói, tiếng chạm ly làm cho ngày kỷ niệm của các chị thêm nhiều ý nghĩa. Là người trẻ nhất trong đoàn công tác, tôi được ưu tiên uống chúc mỗi chị em một ly, bởi khó có thể từ chối các chị trong những ngày như vậy! Không biết tôi uống được bao nhiêu ly, chỉ biết, khi tôi tỉnh giấc thấy mình đang nằm trong xe và thành phố Hà Giang đã ở ngay trước mặt...
Đúng là chuyến đi khiến chúng tôi say đất, say người và cả say rượu... song thật là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Với những nét đẹp văn hóa, thiên nhiên, con người, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn của người dân tộc bản địa,... nếu biết khai thác sẽ là nguồn đề tài phong phú cho mỗi nhà báo.
Rời Hà Giang, núi đá trập trùng lùi dần sau lưng, nhưng trong tôi luôn khâm phục người dân nơi đây với sức sống mãnh liệt, ý chí kiên cường khắc phục thiên nhiên. Trên núi cao và thảo nguyên bát ngát đó là những người dân can đảm đến kỳ lạ, từ những khó khăn của một vùng đất hiểm trở, không được thiên nhiên ưu đãi, họ đã biết “vắt” ra từ đá sự sống cho chính mình. Cảnh đẹp thiên nhiên trời phú cùng với tình người ấm áp, chân tình của đồng bào dân tộc sinh sống trên cao nguyên đá, khiến những du khách khó tính nhất vẫn muốn trở lại thăm đất và người nơi đây./.
Theo Việt Thắng/Người làm báo