Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Làm từ thiện thì không ồn ào (01/03/2019-10:35)
    “Làm từ thiện mà ồn ào quá chưa chắc đã hay”. Tôi rất thích câu nói có tính slogan mà Phong Lan thường đề cập. Đó là một cô gái nhỏ bé, nhưng mạnh mẽ, kiên cường.


Một số hoạt động xã hội của Phong Lan

Làm thơ để thiện nguyện

Có rất nhiều thơ, nhưng em cho biết mình chỉ là người thích viết văn theo kiểu ưa chấm xuống dòng. Đề tặng tôi tập thơ “Cột mốc hình con sóng” vừa xuất bản, em ký là “Cô gái của biên cương”.

Theo học chuyên ngành thiết kế thời trang, nhưng có năng khiếu thơ, đã xuất bản 3 tập thơ riêng, 1 tập thơ in chung, và em vẫn còn bản thảo 7 tập thơ khác chờ xuất bản. Khi nằm ở bệnh viện có thời gian rỗi là em viết thơ nhiều nhất. Thường mỗi lần như thế lại hoàn thành một tập thơ. Em chỉ kể thế, không muốn nhắc lại bệnh tật lo rằng sẽ chi phối đến việc làm. Đợt điều trị cuối của em vừa kết thúc, giờ em đã chuẩn bị để xuất bản những tập thơ mới và những chuyến đi tiếp theo.  

Với Phong Lan, để vận động cộng đồng chung tay thiện nguyện thì thơ là một phương thức. Sau mỗi lần xuất bản thơ em chỉ thu đủ số tiền đã bỏ ra để tái đầu tư, còn lại dùng cho hoạt động từ thiện. Tất nhiên tiền “bán thơ” chẳng được mấy, chủ yếu là người đọc thơ em cảm động mà chung tay. Người tiền trăm, người tiền triệu, nhẩm tính sơ sơ em cho biết đó cũng là một con số không hề nhỏ.

“Làm từ thiện không vụ lợi mới bền. Kinh phí từ nguồn ủng hộ em công khai đến đồng nhỏ nhất, nhưng kinh phí mình bỏ ra thì không thông báo”, Phong Lan cho biết.

Hành trình đến với thơ là một con đường dài. Định hình được phong cách thơ, dòng chảy cảm xúc càng khó. Dù đến với biên cương cách đây đã chục năm, nhưng những dòng thơ viết về biên phòng, khơi dậy sự chung tay của cộng đồng hướng vùng biên Thanh Hóa chỉ thực sự đến với em cách đây 4 năm. Ấy là khi em đến Đồn Biên phòng Nghi Sơn, sáng tác thơ đưa lên facebook được nhiều độc giả ủng hộ. Niềm tin thôi thúc, em đi đến nhiều đồn biên phòng, vừa phối hợp làm từ thiện, vừa sáng tác thơ. Bài thơ em viết về sự hy sinh của thượng tá Cao Đăng Cường và đại úy Nguyễn Thành Chủng ở Đồn Biên phòng Yên Khương, Lang Chánh trong đợt lũ quét năm ngoái đã thực sự để lại ấn tượng. Bài thơ post trên facebook đã thu hút rất nhiều lượt chia sẻ và người ủng hộ. Đó là bài thơ cảm động, chỉ sau chùm thơ em viết về sự hy sinh của những sỹ quan không quân trong vụ rơi máy bay Su - 30MK2 và máy bay tuần thám Casa - C212 hồi tháng 6/2016. Phong Lan cho biết như thế, và khẳng định người lính biên phòng đã thuyết phục và định hình dòng thơ của em.


Tập thơ Phong Lan vừa xuất bản mang tên “Cột mốc hình con sóng”


Những chuyến đi không nhớ hết

Hỏi em đã có bao nhiêu chuyến đi, Phong Lan bảo không thể nhớ hết. Chỉ nhớ mình đã đến 57 Đồn Biên phòng, trong đó 12 đồn ở Thanh Hóa. Có những đồn em đến tới hơn mười lần. Các anh tổ chức, em phối hợp, tham gia. Tất cả cho đồng bào nơi biên cương. Từ mở lớp xóa mù chữ đến cùng nhau tuần tra biên giới, phát quang cột mốc, tổ chức các hoạt động chung sức vì cộng đồng như làm đường vào bản, làm nhà đoàn kết, chỉnh trang trường học, trồng vườn rau an toàn…

Vậy động lực nào thôi thúc em đến thế? Trả lời câu hỏi của tôi em bắt đầu bằng câu chuyện gia đình. Mẹ em từng nhiều lần nói nhà mình còn nghèo, sao lại cứ lo chuyện đẩu đâu. Em phải nói dối nhiều lần với đủ lý do để thuyết phục gia đình cho mình thực hiện những chuyến đi thiện nguyện dài ngày. Em cũng chẳng biết vì sao như thế, chỉ biết đó là việc cần làm. Sau mỗi chuyến đi thấy lòng mình nhẹ là vui rồi. Chỉ đến khi em tình cờ xuất hiện trên chương trình “Đón tết cùng VTV” gia đình mới cảm động và đồng ý.

Trong câu chuyện em cũng thông báo là vừa cất được một căn nhà nho nhỏ cho bố mẹ yên lòng. “Làm nhà cho đồng bào nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu làm cho mình. May là thu nhập của em cũng ổn định”. Phong Lan cho biết em đang làm cho Công ty JD Glotex của Hàn Quốc - một doanh nghiệp chuyên nhận đơn hàng may mặc để gia công ở Việt Nam. Em phụ trách đánh giá kỹ thuật và chất lượng đơn hàng, không gò bó thời gian, may hơn là được Giám đốc đồng cảm.

Những chuyến đi là những lần lắng lòng với vùng biên viễn. Cái khổ của đồng bào, cái khó của vùng đất cứ theo miết, câu thúc em. Cơ duyên đưa em đến với vùng phên dậu đất nước bắt đầu năm 2009 khi em là Phó Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vinatex. Một chuyến đi trong khuôn khổ Mùa hè xanh tình nguyện tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông do Thành đoàn T.P Hồ Chí Minh tổ chức. Sau chuyến đi ấy em  thấy mình muốn trở lại và đã đề xuất tổ chức những chuyến đi tiếp theo. Có những nơi em phối hợp tổ chức được 4 lớp học hè cho trẻ em như ở Đồn Biên phòng Đăk Dang, tỉnh Đăk Nông chẳng hạn. Các anh bộ đội biên phòng mở lớp, em đi vận động, “câu” trẻ, thu hút chị em đến học bằng kẹo và mỳ tôm - những thứ được xem là xa xỉ ở đây. Ngày em về lũ trẻ khóc không cho đi, phải nói dối là cô sẽ ở lại. Chờ lũ trẻ về hết mới lẳng lặng nhập đoàn kịp về thành phố cho chuyến đi mới. Dù vậy em vẫn giữ lời hứa quay lại, và đó là lần quay lại với những thùng hàng nhu yếu phẩm rất cần với đồng bào.

Phong Lan với công việc của mình tại doang nghiệp may


Từ chuyến đi đầu tiên đến giờ em đã có rất nhiều chuyến đi khác, địa bàn mở rộng ra tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, nhất là Thanh Hóa để gắn bó nhiều hơn với quê hương, phù hợp với công việc. Những chuyến hàng mà em vận động đến với đồng bào ngoài lương thực, nhu yếu phẩm, còn có cả máy lọc nước, bàn ghế, đồng phục cho học sinh. Nhiều căn nhà tình nghĩa đã mọc lên, những con đường ra đời theo bước chân những người tình nguyện.

Quan điểm vận động của Phong Lan là đề cao tính thuyết phục, sự trong sáng. Phải dựa vào chính quyền và bộ đội biên phòng để thẩm định, đánh giá. Phải đi khảo sát đời sống đồng bào xem họ cần gì. Cứ làm theo suy nghĩ của riêng mình dễ mất uy tín lắm. Hoạt động từ thiện cần nhiều tiền, nhưng phải có sự chọn lọc, tránh bị lợi dụng gây bất lợi cho vùng biên. Có những chuyến hàng mình tự tổ chức đưa đến cho đồng bào, có nơi em chỉ đấu mối kêu gọi nhà hảo tâm đến trao cho đồng bào. “Đích cuối cùng là sự thụ hưởng. Đồng bào vui là được rồi”, Phong Lan cho biết. Và em cũng thông tin những chuyến đi không chỉ làm từ thiện, mà còn kết hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức chung tay bảo vệ biên giới.

Chuyến thiện nguyện mới nhất của em diễn ra tại vùng lũ Mường Lát hồi tháng 9/2018. Lúc đó em đang đi vận động bánh trung thu cho trẻ em nghèo vùng cao thì lũ tràn về, đồng bào cơ khổ. Bằng nhiều cách khác nhau, em đã quyên góp mỳ tôm, cá khô, nước mắm, quần áo cũ gửi lên. Đường thông đến đâu gửi hàng lên đến đó, nhà xe Hải Muối đã vận chuyển miễn phí 8 chuyến hàng.

Có rất nhiều sự chung tay, quan trọng là mình thuyết phục họ như thế nào để sự chung tay trở thành nét văn hóa. Phong Lan cho biết em có nhiều bạn đọc không giầu có nhưng hàng tháng vẫn trích một phần thu nhập gửi cho em để gây quỹ.

Chỉ riêng năm 2018 em và cộng sự đã thực hiện 6 chương trình thiện nguyện Tết ấm vùng cao, Trung thu cho em và Vì biên giới ở các bản đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Khơ mú vùng biên giới Yên Khương (Lang Chánh), Na Mèo (Quan Sơn) và khu vực Đồn Biên phòng Ra Mai, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Tất nhiên còn nhiều chuyến đi khác mà em chưa kể…

Trong ánh mắt tôi thấy còn đó những khát khao, mong mỏi, nhưng bởi những lý do gồm cả sức khỏe nên em chưa thể nói ra, nhưng tôi tin em sẽ làm được. Có niềm tin, đôi chân sẽ bước. Niềm tin đã khiến em vượt lên hoàn cảnh gia đình, bệnh tật. Phên dậu đất nước sẽ bền chặt hơn khi có những con người như em.


Lam Vũ

Phong Lan là bút danh của Lê Thị Thanh Thủy, sinh năm 1983 ở xã Thọ Cường, Triệu Sơn. Em đã xuất bản 3 tập thơ về biên giới và đoạt 3 giải thưởng thơ do Thành đoàn và BCH Bộ đội biên phòng T.P Hồ Chí Minh; BCH Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức. Quỹ “Vì biên giới” do Phong Lan sáng lập với nguồn kinh phí chủ yếu từ phát hành ấn phẩm về biên giới và tài trợ. Phong Lan kết nối với nhiều CLB thiện nguyện để tổ chức, em điều hành, giám sát.

Phong Lan có một con gái nhưng thường xuyên nhờ em trai mình trông hộ để đi thiện nguyện. Cuộc sống gia đình của em đổ vỡ cách đây vài năm, và em chọn cách ở thế để có thời gian hoạt động xã hội.


 

Các tin khác:
  • Phóng viên quốc tế bị 'hớp hồn' bởi ẩm thực Việt Nam (27/02/2019-19:19)
  • Việt Nam vào top 14 điểm đến ấn tượng nhất năm 2019 (27/02/2019-19:15)
  • Mảnh đất màu mỡ khi viết về văn hóa (18/02/2019-21:04)
  • Đi tìm “Hương vị quê nhà” (31/01/2019-1:01)
  • Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Cho hôm nay, cho ngày mai, và cho muôn đời sau (12/01/2019-21:36)
  • Xứ Thanh tuyệt đẹp trong "Duyên tình xứ Thanh" của ca sĩ trẻ Lê Ngọc Thúy (27/12/2018-7:28)
  • Nhạc sỹ, nhà báo Thanh Phúc: Chiến sĩ văn hóa tiêu biểu (27/12/2018-7:26)
  • Lắp đặt màn hình lớn tại Quảng trường Lam Sơn để xem và cổ vũ đội tuyển Việt Nam (12/12/2018-11:49)
  • Có một “Thu Người đẹp” (07/12/2018-13:04)
  • Đam mê săn tìm cái đẹp Yên Bái (07/12/2018-10:11)